Chuyện về Nguyễn Văn Tuyết: Chưa làm đô đốc Tây Sơn đã làm chuyện động trời nhắm vào chúa Nguyễn để thị uy
Nguyễn Văn Tuyết (Đô đốc Tuyết) là 1 danh tướng trong Tây Sơn thất hổ tướng. Tuy nhiên, trước khi phụng sự nhà Tây Sơn, ông từng lên kế hoạch động trời nhắm vào chúa Nguyễn.
Thân thế ít người biết của danh tướng thời loạn
Tây Sơn thất hổ tướng là danh hiệu của 7 tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kỳ đầu, gồm có Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc. Những danh tướng này đã gây ra cho các lực lượng chính trị của chúa Nguyễn, vua Lê bao khiếp sợ, góp phần xác lập và duy trì vương triều Tây Sơn.
Trong Tây Sơn thất hổ tướng có Nguyễn Văn Tuyết - người trước khi trở thành danh tướng nhà Tây Sơn đã từng lên kế hoạch ám sát chúa Nguyễn, khi sự việc bất thành thì trộm ngựa để thị uy.
Danh tướng Nguyễn Văn Tuyết (chưa rõ năm sinh năm mất) là người ở huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Song theo gia phả họ Nguyễn (chi 2 phái 4 ở làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), thì ông là người làng Ôn Tuyền, huyện Đăng Xương, Thuận Hóa (nay là làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị); và tên thật của ông là Nguyễn Minh Mẫn.
Có truyền thuyết dân gian cho rằng, ông là cháu họ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Nhưng cho đến nay vẫn không thấy tài liệu hay thư tịch nào xác nhận về điều này. Theo một vài chuyện kể dân gian thì trước năm 1771, Nguyễn Văn Tuyết là một trong số những người du thủ du thực, sống phiêu bạt khắp đó đây. Sau nhờ một người thầy dạy võ hết lòng yêu thương chỉ vẽ, lại còn đem con gái gả cho, Nguyễn Văn Tuyết đã trở thành người quyết chí đem tài sức của mình ra cứu khổ cho dân. Ông cùng vợ về quê nhà, tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và nhanh chóng được anh em Tây Sơn trọng dụng.
Trộm ngựa - vụ án chấn động thành Quy Nhơn
Sử sách chép rằng, trong chuyến tuần dương xuống phía Nam, chúa Nguyễn Phúc Khoát (chúa thứ 8 của nhà Nguyễn ở Đàng Trong) cưỡi ngựa quý do người Cao Miên (Campuchia) tặng. Đó là giống ngựa Hãn huyết quý hiếm. Quan lại địa phương những nơi chúa Nguyễn đi qua phải cắt cử người phục dịch cẩn thận cho ngựa quý.
Theo Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, khi biết được tin này, Nguyễn Văn Tuyết vui mừng nói với vợ "việc tiêu diệt nhà Tần (một triều đại ở Trung Quốc) tôi không làm nổi, nhưng một chùy Kinh Kha đánh gãy xe bạo chúa ở Bác Lãng (thích khách người nước Vệ, từng ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành) may ra tôi làm được. Tôi không còn nín nhịn được nữa".
Để hạ uy chúa Nguyễn và lực lượng chính trị địa phương, Nguyễn Văn Tuyết đã lên kế hoạch ám sát chúa. Đoàn xe của cháu Nguyễn Phúc Khoát đến địa phận thành Quy Nhơn được quan chức địa phương đón tiếp, hầu hạ chu đáo.
Nguyễn Văn Tuyết lợi dụng lúc đêm khuya thanh vắng bí mật lẻn vào hành cung của chúa Nguyễn nghỉ, định ra tay ám sát. Song do quân lính canh phòng cẩn mật, ông đành lánh ra phía sau vườn tìm cách khác.
Đúng lúc này, Nguyễn Văn Tuyết phát hiện chuồng ngựa đang nhốt Hãn huyết quý. Thừa lúc lính canh đi lấy thức ăn, ông dắt ngựa ra khỏi thành.
Hôm sau chúa Nguyễn biết tin mất ngựa thì vô cùng bực tức nên quyết định xử tử quan giám thành Nguyễn Khắc Tuyên. Sau nhờ Trương Phúc Loan van nài mới thôi. Ít ngày sau, trên vách tường của quan Tuần phủ Quy Nhơn ghi rõ ràng mấy chữ lớn "kẻ trộm ngựa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn".
Sử sách có chép rằng, đó là sự kiện làm chấn động thành Quy Nhơn khiến quan lại hoảng loạn. Sau đó, quan quân nhanh chóng cho người về quê bắt Nguyễn Văn Tuyết nhưng ông đã "cao chạy xa bay" từ lâu rồi.
Danh tướng kỳ tài của nhà Tây Sơn và cái chết anh dũng cùng Hãn huyết
Sau khi trộm ngựa của chúa Nguyễn và công khai danh tính trong thành, Nguyễn Văn Tuyết đưa cả gia đình lên vùng Tây Sơn thượng đạo, gia nhập vào đoàn quân của nghĩa quân Tây Sơn. Sự nghiệp lẫy lừng của Nguyễn Văn Tuyết bắt đầu từ đây.
Trọng trận công thành Quy Nhơn, nhờ thông thạo địa hình từ trước, Nguyễn Tuyết được giao phụ trách quân tiên phong, nhanh chóng phá được thành. Sau chiến thắng này, ông được phong làm Đô đốc.
Năm 1786, sau khi Nguyễn Huệ dẫn quân tiến ra thành Thăng Long, giúp nhà Lê tiêu diệt chúa Trịnh, cử Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Tuyết cùng ở lại trông coi. Năm 1788, trước khi rút về Phú Xuân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã thành lập Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà và giao cho Đại Tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong bộ chỉ huy ấy có Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
Cuối năm 1788, quân Mãn Thanh với 29 vạn tên do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình thế nguy cấp đó, Đại Tư mã Ngô Văn Sở đã triệu tập một cuộc hội nghị quân sự cao cấp ngay tại kinh thành Thăng Long. Hội nghị đi đến thống nhất 2 vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Một là phải cấp báo cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Hai là triệt để thực hiện ý kiến xuất sắc của Ngô Thì Nhậm, rút quân về Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội đánh trận quyết định số mạng của quân xâm lược Mãn Thanh.
Người được bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Hà Bắc tin cậy và giao phó trọng trách gấp rút trở về Phú Xuân một cách an toàn, để cấp báo tình hình nguy cấp cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
Cuối năm khi Quang Trung xưng hoàng đế, Nguyễn Văn Tuyết được phong Đại đô đốc Kinh lược Hải Dương, thống lĩnh đại quân tả, kiêm bộ binh và thủy binh, phụ trách chống giặc ở mặt trận phía Đông. Với sức mạnh sấm sét của ngựa Hãn huyết và cây ngân côn làm cho quân Thanh kinh hồn bạt vía, góp phần vào thắng lợi Xuân Kỷ Dậu (1789).
Sau trận đại thắng quân Mãn Thanh, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục có thêm nhiều cống hiến đối với chính quyền của vua Quang Trung. Ông là 1 trong những võ quan cao cấp nhất, một trong những chỗ dựa quan trọng của vua Quang Trung về hoạt động lực lượng vũ trang.
Sau khi vua Quang Trung đột ngột qua đời (1792) bỏ lại hoài bão xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, người kế vị Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh) lệnh cho Nguyễn Văn Tuyết về giữ kinh thành Huế.
Biến cố Đô Võ Văn Dũng (một trong Tây Sơn thất hổ tướng) giết lộng thần Bùi Đắc Tuyên đã làm vua Cảnh Thịnh rút nữ tướng Bùi Thị Xuân từ Quảng Nam về Huế, Đô đốc Tuyết quay trở lại giữ Bắc Hà.
Đến năm 1801, Nguyễn Ánh phản công chiếm kinh đô Phú Xuân (Huế), Bùi Thị Xuân hộ tống vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Thế quân Nguyễn như chẻ tre, Đô đốc Tuyết cùng gia đình đưa vua Vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) lên phía Bắc.
Vào ngày 16/6/1802, khi chạy tới Xương Giang (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) cánh quân Nguyễn do tướng Lê Chất dẫn đầu đã đuổi kịp. Nguyễn Văn Tuyết ở lại tử chiến, cho vợ đưa vua chạy tiếp. Quân Nguyễn biết đối mặt đao thương không phải đối thủ của Đô đốc Tuyết nên dùng cung tên, đạn pháo bắn dữ dội.
Mặc dù là mãnh tướng tung hoành ngang dọc, song do chênh lệch lượng lượng và vũ khí, vòng vây áp sát "mãnh hổ nan địch quần hồ", Đô đốc Tuyết trúng đạn tử trận, cây ngân côn bay vút lên trời. Ngựa Hãn huyết từng theo chủ kinh qua trận mạng, mình đầy thương tích cũng hí vang một hồi dài và gục chết bên xác chủ.
Xem thêm: Hổ tướng nhà Tây Sơn nào khiến viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh đại bại?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận