Duyên nghề - Câu chuyện nhân văn

Khi tôi sinh ra, bố mẹ tôi đã là công nhân ngành Điện. Theo lời kể của mẹ: Bố tôi trước kia là công nhân lắp máy, đi khắp nơi để lắp đặt, xây dựng các nhà máy điện.

Đỗ Thu Nga
16:00 30/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bố tôi là cán bộ tập kết ra Bắc, được kết nạp Đảng từ năm 1958. Năm 1961, bố về Thái Nguyên lắp đặt máy móc thiết bị cho nhà máy điện. Vì có nhiều thành tích, tháng 5/1962, bố được đi dự Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Bố được giữ lại làm việc tại tổ sửa chữa tuốc bin sau khi đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt Nhà máy điện Thái Nguyên.

Mẹ tôi trước là cán bộ phụ nữ huyện Đông Anh - Hà Nội. Cuối tuần, bố đạp xe từ Thái Nguyên về Đông Anh thăm gia đình. Đến năm 1971, trận lụt lịch sử đã phá hỏng căn nhà của ở Đông Anh. Khi đó, bố về đón gia đình lên Thái Nguyên sinh sống.

Mẹ tôi cũng xin vào Nhà máy điện Thái Nguyên, được phân công làm thống kê phân xưởng vật liệu, sau đó chuyển sang bán căng tin của phòng hành chính đời sống.   

Nhớ lại, khi còn nhỏ, nhiều lần tôi đã trách mẹ sao không ở Đông Anh mà lên Thái Nguyên làm gì cho vất vả? Bố thì lúc nào cũng mặc bộ quần áo xanh bạc màu, tay chân luôn vương mùi dầu máy. Mẹ thì thường về muộn vì phải bán thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm cho công nhân.

Có lần mẹ bảo: “Hôm nay nhà máy có bán thịt, chiều về mẹ sẽ làm ruốc thịt cho các con”. Chúng tôi ở nhà ngóng mẹ về, ngóng mãi, vậy mà chỉ những nhà hàng xóm - cũng là đồng nghiệp của bố mẹ tôi trong nhà máy có thịt ăn, còn nhà tôi thì không. Mẹ an ủi, thịt không đủ bán, nhà mình phải nhường cho những người công nhân lao động vất vả trước, lần sau sẽ đến lượt mình.

Công việc của mẹ ban ngày đã rất vất vả, tối về mẹ lại chong đèn cộng lại sổ sách xem có thiếu thừa gì không. Nhiều lần chị em tôi chứng kiến mẹ ngồi thừ người sau khi cộng sổ. Có lần bố bàn với mẹ xin chuyển sang bộ phận khác cho đỡ vất vả nhưng mẹ nói là người đảng viên không được chùn bước trước khó khăn. Mẹ phải làm thật tốt để đáp ứng sự tin tưởng của ban giám đốc và tổ chức.

Có lần nhà máy bị sự cố cháy máy, khi đó bố tôi đang làm tổ trưởng nên phải gánh trách nhiệm trong sự cố này. Mấy ngày sau đó, bố ăn rất ít, cười nói ít, gầy hẳn đi. Tôi nghe bố nói chuyện với mẹ: “Quan trọng lúc này là phải tìm được nguyên nhân dẫn đến sự cố và rút ra kinh nghiệm để tránh những tổn thất về sau”.

duyen-nghe-cau-chuyen-nhan-van

Công việc vất vả, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng bố mẹ tôi vẫn hăng say với công việc. Ngoài tình yêu công việc với mong muốn mang ánh sáng, văn minh đến với mọi miền, bố mẹ tôi gắn bó với ngành Điện còn bởi một lẽ, đó là tình đồng nghiệp gắn bó keo sơn của những người công nhân điện. Khi ở nhà máy, bố mẹ tôi cùng các bác, các cô, các chú đồng nghiệp hăng hái thi đua lao động sản xuất. Khi tan ca về, họ lại là những người hàng xóm cùng một khu tập thể, cùng nhau chia sẻ những niềm vui giản dị hàng ngày. Từ mọi miền đất nước quy tụ về đây, những người công nhân đã gắn bó với nhà máy, gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên.

Đến năm 1992, chị gái tôi được nhận vào nhà máy, nhưng phải lên Bắc Kạn làm thống kê cho trạm điện 110 kV. Con gái đầu lòng theo nghề điện, bố mẹ tôi vui nhưng cũng rất lo vì nơi chị lên nhận công tác cách nhà gần trăm cây số, một vùng đất còn khá hoang vu và chưa phồn thịnh như bây giờ. Ngày nhận quyết định tuyển dụng, chị tôi khóc. Bố mẹ phải động viên mãi. Bố dặn phải làm thật tốt công việc được giao, đừng làm điều gì ảnh hưởng đến danh dự của gia đình. Nghề điện là nghề khó khăn vất vả, nhưng góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, con phải giữ gìn và phát huy truyền thống nghề điện của gia đình. 

Năm 1997, Bắc Kạn tách khỏi tỉnh Thái Nguyên, nhiều người lúc đó tìm cách xin chuyển cho con về Thái Nguyên, nhưng bố mẹ tôi phân tích cho chị, nếu ai cũng làm vậy thì ai sẽ ở lại Điện lực Bắc Kạn? Ban đầu có thể công việc và cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng rồi sẽ quen dần. Trước đây, bố mẹ cũng là lớp người đầu tiên xây dựng, vận hành Nhà máy điện Thái Nguyên, nay con nên tự hào vì là những lớp người đầu tiên của Điện lực Bắc Kạn góp phần đưa dòng điện đến với vùng cao.                                      

Còn tôi, năm1997 học chuyên nghiệp xong ra trường về công tác tại Phòng Kỹ thuật - Công ty may Thái Nguyên. Thời gian làm việc khá căng, bố lại bị bệnh sau một cơn tai biến, tôi không giúp được gì nhiều cho mẹ, chị thì đi làm xa, 2 em đều đã đỗ vào các trường đại học ở Hà Nội nên không thể về nhà thường xuyên. Mọi công việc đều đổ dồn lên vai mẹ.                                   

Năm 1998, bố tôi qua đời. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi khi đó, được sự quan tâm của các bác, những đồng nghiệp của bố mẹ và cũng là những người hàng xóm, năm 1999, tôi được chuyển về công tác tại Điện lực Thái Nguyên (nay là Công ty Điện lực Thái Nguyên). Ngày tôi được nhận quyết định, mẹ nước mắt rưng rưng bảo: “Vậy là mẹ đã có 2 con được làm theo nghề của bố mẹ, mẹ mừng và bố con ở dưới suối vàng cũng sẽ rất mừng, hãy cố gắng đừng phụ lòng các bác, con nhé”. Giờ này nghĩ lại tôi vẫn còn thấy ngượng vì hồi đó lương tôi còn thấp, công việc thu tiền điện vất vả vì phải đến từng nhà thu tiền hàng tháng. Khi đó có người đặt vấn đề thuê tôi đi kiểm hàng may mặc với mức thu nhập khá cao: 400 - 500 nghìn đồng /ngày. Chồng tôi là bộ đội, sống xa nhà, không có thời gian giúp tôi việc nhà và chăm con. Anh phân tích, nếu tôi bỏ nghề điện đi kiểm hàng thì: “Với mức lương cao như vậy mình sẽ thuê người giúp em việc nhà và chăm con, không nhận lời là mất cơ hội đấy”.

Mẹ tôi biết chuyện can ngăn tôi quyết liệt, mẹ nói: “Đừng vì cái lợi trước mắt mà quyết định vội vàng, thời của bố mẹ và của cả chị con còn vất vả hơn nhiều mà có ai bỏ cuộc giữa chừng đâu. Mẹ nhớ những năm 1970 -1971, xác định ngành Điện là trọng yếu, Mỹ đã cho máy bay bắn phá trực tiếp vào nhà máy nhằm cắt đứt nguồn điện. Bom đạn vừa dứt thì những người công nhân, trong đó có cả bố mẹ lại rời hầm trú ẩn hoặc nơi sơ tán hối hả trở lại nhà máy để khắc phục hư hại. Gian khổ là vậy nhưng ai cũng xác định sẽ cùng nhau trụ lại và sống chết cùng nhà máy, không thể để nguồn điện bị tắt”. Mẹ còn nói: “Bây giờ, lãnh đạo đơn vị con đều là những người có tâm, cũng như thời của mẹ, các bác trong ban giám đốc và tổ chức sống với nhau rất có tình người, những người tốt sẽ luôn trăn trở tìm cách đưa đời sống của công nhân đi lên. Mẹ tin rằng nếu con ở lại, có ngày sẽ có mức thu nhập cao hơn, đời sống bớt khó khăn hơn. Và quan trọng nhất là được góp công sức của mình mang ánh sáng đến với mọi nhà”.

Sau khi nghe mẹ phân tích và khuyên nhủ, tôi đã hiểu ra và không còn ý định bỏ nghề nữa. Tôi tự nhủ sẽ luôn cố gắng thật nhiều trong công việc để mẹ yên tâm về tôi và hơn nữa để mẹ luôn tự hào về chị em tôi vì đã nối tiếp nghề của bố mẹ. Mấy hôm nay, mẹ thường nhắc: “Vậy là nhà máy điện sắp kỷ niệm 50 năm rồi đấy. Đến giờ thì mẹ rất vui vì có được 2 con theo nghề của bố mẹ. Mẹ mong đến khi kỉ niệm 60 năm, mẹ vẫn khỏe mạnh để được chứng kiến thế hệ thứ 3 của mẹ vào làm việc trong ngành Điện, nếu được vậy thì quả đúng là cả gia đình ta có duyên với nghề”.                               

Ước mong của mẹ cũng chính là ước mong của chị em tôi.

Xem thêm: Tết này ở chốt xa - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận