Thời kỳ suy vong của nhà Nguyễn: 50 năm có 400 cuộc khởi nghĩa chống triều đình

Những cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra từ đầu thế kỉ XIX và tiếp tục phát triển rầm rộ ở khắp nước cho đến giữa thế kỉ XIX. Sử cũ ghi lại có 400 cuộc khởi nghĩa như vậy chống triều đình nhà Nguyễn đã nổ ra.

Đỗ Thu Nga
09:00 02/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khủng hoảng ở nửa sau thế kỉ 18

Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Nhà Nguyễn được thành lập sau khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi hoàng đế vào năm 1802 và kết thúc khi Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, tổng cộng là 143 năm. Triều Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19.

Từ năm 1802–1884, các vua nhà Nguyễn nắm toàn quyền quản lý đất nước, trải qua 4 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Gia Long và sau đó là Minh Mạng đã cố gắng xây dựng Việt Nam trên cơ sở Nho giáo. Trong thời kỳ này, nội bộ đất nước ổn định, triều Nguyễn ít được lòng dân, chỉ trong 60 năm đã xảy ra hơn 400 cuộc nổi dậy của người dân.

diem-lai-nhung-phong-trao-khoi-nghia-chong-nha-nguyen
Một ngôi làng ở thời Nguyễn

Nói đến chuyện này thì không thể không nhắc đến tình hình xã hội và đời sống nhân dân khi ấy. Sử cũ chép lại, cuộc khủng hoảng xã hội ở nửa sau thế kỉ XVIII đã khiến nhà nước quân chủ phong kiến thời Nguyễn tăng thêm tính chuyên chế, củng cố quan hệ sản xuất phong kiến. Xã hội chia thành hai giai cấp: giai cấp thống trị bao gồm vua quan và địa chủ, cường hào ; giai cấp bị trị bao gồm các tầng lớp nhân dân lao động mà tuyệt đại đa số là nông dân.

Khi ấy, nhà Nguyễn cố gắng hoàn chỉnh bộ máy chính trị nhằm ổn định tình hình xã hội nhưng không ngăn được nạn tham ô. Dân gian truyền tai nhau câu: "Con ơi, mẹ bảo con này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan".

Không chỉ có nhân dân than thở: "Muốn nói gian làm quan mà nói" hay "quan tha, nha bắt"... mà cả vua Minh Mạng cũng bất bình, đã từng nhận xét: bọn quan lại "xem pháp luật như hư văn, xoay xở nhiều vành, chỉ cốt lấy tiền, không được thì buộc tội", Đại Nam thực lục.

diem-lai-nhung-phong-trao-khoi-nghia-chong-nha-nguyen-0
Cảnh xử án thời Nguyễn

Ở nông thôn, địa chủ cường hào lại tiếp tục hoành hành, ức hiếp nhân dân. Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tâu với vua: "Cái hại quan lại là một, hai phần, còn cái hại cường hào đến 8, 9 phần". Nhà nước chia vùng để đánh thuế, mức thuế khá nặng. Tô tức của địa chủ cũng khá cao. Mỗi năm người dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch.

Cũng trong thời kỳ đó, vua Nguyễn còn tập trung sức dân, của cải để xây dựng kinh thành, cung điện ở Phú Xuân, phá dỡ cung điện vua Lê ở Hà Nội chuyển vào, điều động hàng nghìn dân đinh, binh lính Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc thành vào làm đến hàng chục năm. Theo sử cũ, trong một lần tuần du ra Bắc, vua Thiệu Trị đã bắt nhân dân xây dựng 44 hành cung ở dọc đường để vua nghỉ ngơi.

Không chỉ vậy, thiên tai, mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra. Có năm bão lụt lớn làm đổ hàng vạn nhà dân, hàng ngàn người chết. Có năm nạn dịch lan tràn làm hàng chục vạn người chết.

Một bài vè đương thời có câu :

Xúc đầy nghĩa địa

Thây thối bên cầu

Trời ảm đạm u sầu

Cảnh hoang tàn đói rét.

50 năm có 400 cuộc khởi nghĩa chống triều đình

Nhà Nguyễn là triều đại chứng kiến các cuộc nổi dậy của nông dân cũng như các tầng lớp khác bùng nổ dữ đội, nhất là ở Bắc Hà. Các nhà sử học tính rằng số lượng các cuộc nổi dậy nửa đầu thế kỷ 19 còn nhiều hơn toàn thế kỷ 18. Từ năm 1802 cho tới năm 1862, tại Bắc Hà có từ 350 cho tới 400 cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra.

Trong số đó có 50 cuộc diễn ra dưới thời Gia Long từ năm 1802-1820, 254 cuộc dưới thời Minh Mạng (1820-1840), 58 cuộc dưới thời Thiệu Trị (1840-1847) và 40 cuộc nổi dậy dưới thời Tự Đức (1847-1862). Dù vậy, trong số này cũng đã tính luôn cả các vụ nổi dậy liên quan tới vấn đề Công giáo, các phong trào phù Lê diệt Nguyễn của dân Bắc Hà, các toán cướp nổi lên hùng cứ địa phương, các toán tàn quân Thái Bình Thiên Quốc vượt biên vào cướp và cả những vụ bạo loạn như của Lê Duy Phụng do thực dân Pháp kích động để rảnh tay xâm chiếm Việt Nam.

diem-lai-nhung-phong-trao-khoi-nghia-chong-nha-nguyen-8
Chân dung Cao Bá Quát, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân ở Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội)

Tiêu biểu và rộng lớn nhất trong phong trào nông dân là các cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành và Cao Bá Quát lãnh đạo. Khởi nghĩa Phan Bá Vành nổ ra năm 1821 ờ Sơn Nam hạ (Nam Định, Thái Bình...) mở rộng hoạt động ra các trấn Hải Dương, An Quảng. Nông dân tham gia đông đảo. Dân gian có câu: Trên trời có ông sao Tua, ở làng Minh Giám có vua Ba Vành.

Triều đình khi ấy đã huy động lực lượng quân sự lớn tấn công đàn áp trong nhiều năm và đến năm 1827, cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên. Làng Trà Lũ (Nam Định) bị phá trụi, 7000 - 8000 người bị bắt.

Khởi nghĩa do Cao Bá Quát lãnh đạo bùng lên ở vùng Ứng Hoà (Hà Tây cũ) năm 1854, mở rộng hoạt động ra các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, nhưng do chưa chuẩn bị đủ lực lượng nên năm 1855 đã bị triều đình đàn áp.

Trong quá trình đàn áp các cuộc khởi nghĩa theo lệnh của triều đình Nguyễn, nhiều binh sĩ bất bình, có lúc đã chống đối. Vào năm 1833, ở Phiên An (Gia Định) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính do Lê Văn Khôi lãnh đạo. Được sự hưởng ứng của binh lính và nông dân nhiều nơi, nghĩa quân đã có lúc làm chủ cả các tỉnh thuộc Nam Bộ ngày nay, nhưng đến năm 1835 thì bị đàn áp.

Ở nửa đầu thế kỉ XIX, các dân tộc ít người ở phía bắc cũng như phía nam nhiều lần nổi dậy chống chính quyền.

Ở phía Bắc nổi lên cuộc khởi nghĩa của người Tày (Cao Bằng) dưới sự lãnh đạo của Nông Văn Vân vào các năm 1833 - 1835, của người Mường ở Hoà Bình và Tây Thanh Hoá dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng họ Quách với danh nghĩa "phù Lê" vào các năm 1832 - 1838. Ở vùng Tây Nam Kì, trong các năm 1840 - 1848, nhiều cuộc khởi nghĩa của người Khơ-me đã nổ ra, gây nhiều khó khăn cho sự thống trị của nhà Nguyễn.

Các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều bị thất bại, nhưng đã khiến cho nhà Nguyễn suy yếu, lâm vào tình trạng bất ổn triền miên.

Xem thêm: 6 kẻ thù dẫn đến sự thất bại của nhà Nguyễn trong chiến dịch Nam Kỳ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận