Đòn điểm huyệt "rúng động" biên giới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chưa từng học qua trường lớp quân sự nào nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn khiến những tướng lĩnh giỏi nhất của phía quân địch khiếp sợ. Những "nước cờ" cao tay trên chiến trường thể hiện rõ nét tư duy quân sự thiên bẩm, độc đáo của "người anh cả".

Đỗ Thu Nga
17:00 10/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại.

Trong 30 năm cầm quân, có vô số sự kiện chứng minh phẩm chất quân sự thiên bẩm của Đại tướng. Tuy nhiên, ở bài biết này, Sống Đẹp chỉ điểm lại quyết định quan trọng của đại tướng trong Chiến dịch Biên giới (Thu - Đông 1950). Chiến dịch này đã khẳng định tài thao lực và phong cách cầm quân đặc trưng của Đại tướng.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định mở chiến dịch quy mô lớn ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm mục đích: "Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc”. Tuy nhiên, việc lựa chọn hướng chính của chiến dịch vẫn chưa thống nhất.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-don-danh-diem-huyet-rung-dong-bien-gioi
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn trưởng Thái Dũng (hàng dưới, bên trái ảnh) và Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã (bên phải) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch Biên giới 1950

Để đảm bảo giành thắng lợi, ngày 25/7/1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) kiêm Chính ủy chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định sẽ trực tiếp đi mặt trận tham gia chỉ đạo, theo dõi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Bên cạnh đó, chiến dịch còn được sự giúp đỡ tích cực về vũ khí, lương thực từ Trung Quốc, đặc biệt là có Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Sở chỉ huy.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ thị: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Thường vụ Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh lại quyết tâm: “Phải thực hiện cho bằng được những nhiệm vụ chiến dịch đã nêu ra ở trên” .

Chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Sự thành bại của chiến dịch ảnh hưởng quyết định đến sự thay đổi cục diện chiến tranh, đến lòng tin của quân và dân ta đối với đường lối kháng chiến của Đảng, đến quá trình xây dựng, trưởng thành của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao "trọng trách đặc biệt" với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để Đại tướng đưa ra quyết đoán mang tính độc lập sáng suốt, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm binh đặc trưng.

Theo báo Kiến thức Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch đầu tiên ta tập trung lực lượng bộ đội lớn gồm 5 trung đoàn chủ lực của Bộ, 3 tiểu đoàn của Liên khu Việt Bắc và các lực lượng vũ trang 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Về phía quân địch, lực lượng cũng xấp xỉ quân ta và phần lớn là lính Âu Phi thiện chiến lại được trang bị tốt hơn ta rất nhiều. 

Ban đầu, cơ quan tham mưu xác định lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá mở đầu chiến dịch, Song khi thị sát chiến trường, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại nhận thấy tấn công vị trí này có nhiều bất lợi. 

dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-don-danh-diem-huyet-rung-dong-bien-gioi-9
Phút nghỉ ngơi của bộ đội ta giữa hai trận đánh trong Chiến dịch Biên giới 1950

Ở trong hồi ký "Đường tới Điện Biên Phủ", Đại tướng có viết: "Lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch có phải là sự lựa chọn đúng không? Cao Bằng là một vị trí đột xuất nằm sâu trong hậu phương ta ở phía bắc. Ở đây, địch có 2 tiểu đoàn. Nếu đánh thắng, ta sẽ giải phóng được một thị xã quan trọng ở biên giới, ảnh hưởng chính trị sẽ rất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hề đánh một vị trí 2 tiểu đoàn Âu-Phi. Cao Bằng như tôi đã biết, nằm giữa hai con sông, và có ngôi thành cổ rất vững chắc. Đánh Cao Bằng sẽ thực sự là một trận công kiên lớn mà chúng ta còn chưa có kinh nghiệm”.

“Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê. Ở đây địch đóng 1 tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ trở nên hoàn toàn cô lập. Địch nhất định phải chiếm lại Đông Khê. Bộ đội ta sẽ có điều kiện tiêu diệt bộ binh địch trên địa hình rừng núi. Tôi đã nói với Bộ Tổng tham mưu, tạm thời chưa đụng vào những vị trí địch trên đường số 4, chưa đánh động chúng”, hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng viết.

Nhưng suy tính này cùng với quá trình thị sát Cao Bằng sau đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi điểm đột phá. Thay vì đánh vào Cao Bằng, ta chọn đánh cứ điểm Đông Khê để cô lập Cao Bằng rồi bố trí phục binh đánh địch cứu viện bên ngoài công sự và khi chúng rút chạy.

Thực tế chiến sự sau đó đã diễn ra hoàn toàn đúng suy tính của Đại tướng. Điều đó thể hiện một tư duy quân sự sắc sảo, linh hoạt và thiên bẩm của Đại tướng dù chưa học qua một trường lớp quân sự nào.

Lối đánh điểm diệt viện này về sau trở thành lối đánh quen thuộc và lợi hại của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến mức tướng Westmoreland phải để tâm nghiên cứu và đưa ra những “cẩm nang” cho thuộc cấp Mỹ và quân đội Sài Gòn để ứng phó. Tuy nhiên, tác dụng của những cẩm nang đó không được bao nhiêu vì chiến thuật ấy, quân ta đã vận dụng thành nghệ thuật. Bởi vậy, quân Mỹ vẫn thua những trận đau như ở Sa Thầy, Pleime…

Xem thêm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "vị thống soái vĩ đại" lưu danh mãi trong sử sách Việt Nam

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận