Công chúa Nguyệt Sinh: Mối nhân duyên trời định với người thợ rèn và cuộc dấy binh 'báo thù' cho nhà Lý

Sau khi Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh, công chúa Lý Nguyệt Sinh đã cùng người chồng thợ rèn dấy binh báo thù cho nhà Lý nhưng không thành.

Đỗ Thu Nga
07:00 06/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhân duyên trời định với anh chàng thợ rèn

Đất nước ta dưới thời vua Lý Huệ Tông trị vì được chia thành 12 lộ, các công chúa được phái đến các lộ để trông giữ. Vùng đất Nhột Nhì (nay là làng Vọng Nguyệt, Bắc Ninh) do công chúa Lý Nguyệt Sinh cai quản. 

Tuy là phận nữ nhi nhưng công chúa Nguyệt Sinh lại có tính cách mạnh mẽ, tinh thông võ thuật, sử dụng được cả cung và kiếm. Đáng quý hơn, theo sử sách ghi chép, nàng còn là người vô cùng vị tha, yêu dân, yêu nước. Nàng chính là người xin vua cha giải thoát cho hàng trăm cung nữ thoát khỏi sự giam cầm của phận tì thiếp, về với cuộc sống bình yên. 

Nhắc đến công chúa Nguyệt Sinh thì không thể không nhắc đến mối nhân duyên trời định với anh chàng thợ rèn. Chuyện tình của công chúa Nguyệt Sinh có lẽ là "độc nhất vô nhị" trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Sử sách có chép, vốn đam mê võ nghệ, tính cách lại mạnh mẽ nên công chúa Nguyệt Sinh thường quan tâm đến hội đấu võ đầu Xuân. Trong một lần, nàng giả nam đi trẩy hội. 

cong-chua-nguyet-sinh-day-binh-bao-thu-cho-nha-ly-la-ai-4
Tranh minh họa về công chúa Nguyệt Sinh

Tại cuộc thi võ thuật đầu xuân, nàng gặp anh thợ rèn Chu Đình Dự. Khi đó, người này đánh toàn thắng, nhìn thái độ khá ngạo mạn nên công chúa quyết định ra mặt thách đấu.

Khi đang giao tranh quyết liệt thì búi tóc của công chúa tuột xuống đen óng ả khiến anh thợ rèn và mọi người rất bất ngờ. Lúc này, anh thợ rèn mới biết đối phương là nữ. Cảm mến sự dũng cảm của đối phương mà anh thợ rèn đem lòng thương mến.

Khi đó, Chu Đình Dự đã giãi bày lòng mình với công chúa Nguyệt Sinh nhưng nàng chỉ mỉm cười rồi lấy cớ nhờ rèn giúp 1 thanh kiếm để đưa về kinh dự thi hội võ.

Công chúa dù có cảm mến chàng thợ rèn tài hoa, văn võ song toàn nhưng không thể tự mình quyết định chung thân đại sự. Cũng từ đó, bà nghĩ ra kế sách để vua cha công nhận tài năng của Chu Đình Dự. 

Khi triều đình mở cuộc thi, kỳ lạ thay, trong muôn vàn binh khí, thanh kiếm của chàng thợ rèn ở làng Vọng Nguyệt có thể đánh gẫy toàn bộ. Lúc này, vua Lý Huệ Tông mới hỏi xuất xứ, công chúa Nguyệt Sinh thưa đó là kiếm do anh thợ rèn Chu Đình Dự làm ra.

Nàng cũng xin vua cha tác hợp cho hai người. Chu Đình Dự mến mộ Công chúa, bản thân Công chúa cũng cảm phục trước người thợ rèn này.

Vua Lý Huệ Tông nghe xong rất cảm động. Đông suy nghĩ một hồi rồi thấy Chu Đình Dự cũng là 1 nhân tài nên phá lệ, cho phép công chúa Nguyệt Sinh kết hôn. Sau đó, vua Huệ Tông còn phong Chu Đình Dự làm Phò mã Đô Úy và ban thưởng hậu hĩnh.

Sau khi kết hôn, công chúa Nguyệt Sinh dọn về làng Vọng Nguyệt sinh sống, cùng chồng thu xếp chuyện làm ăn,  mở rộng lò rèn và nghề rèn của gia đình. Chẳng mấy chốc, Chu Đình Dự và Công chúa Lý Nguyệt Sinh được dân gian tôn là ông bà Đại Xã Trưởng nghề rèn đúc sắt.

Xoay quanh chuyện tình của công chúa Nguyệt Sinh và Chu Đình Dự hiện còn rất nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Có tài liệu cho rằng, công chúa và phò mã cùng sát cánh đánh giặc ngoại xâm, hy sinh khi còn chưa vẹn câu thề ước. Nhưng cho đến nay những chi tiết xoay quanh công chúa Nguyệt Sinh vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ.

Cùng chồng dấy binh "báo thù" cho nhà Lý

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt từ tây. Vương quyền đổi thành sang cho họ nhà Trần. 

Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (thời vua Trần Thái Tông), công chúa Lý Nguyệt Sinh cùng với chồng dấy binh chống lại. Bà cất quân báo thù ở trấn Thái Nguyên.

Sử sách còn chép, trong lần giao tranh ở khu vườn Cau xứ thuộc trấn Thái Nguyên, công chúa Nguyệt sinh thất cơ, tử trận. Cũng vì thế mà cuộc dấy binh thất bại hoàn toàn.

cong-chua-nguyet-sinh-day-binh-bao-thu-cho-nha-ly-la-ai
Lăng mộ công chúa Lý Nguyệt Sinh ở Vọng Giang

Bản thần bi ký, di văn của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, tấm bia khắc về Công chúa Nguyệt Sinh và phò mã như sau:

"Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu thừa lúc vua Huệ Tông phân thiên hạ ra làm 24 lộ. Lộ này phân cho công chúa cai quản. Được lệnh truyền quân lính xây dựng thuyền chiến đấu. Sau khi Chiêu Hoàng mất ngôi về nhà Trần.

Đến niên hiệu Kiến Trung thứ hai nhà Trần, công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại một khu vườn Can xứ. Công chúa thất cơ bị tử trận, hóa thành một khúc gỗ lớn, trôi theo dòng sông về tới xã Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa, ven bờ sông phía Bắc.

Truyền lại: Bấy giờ chẳng ai biết rõ đầu đuôi khúc gỗ thế nào ? Linh ứng báo mộng cho hương lão làng (Vọng Nguyệt) ra vớt sinh phần lên, làm lễ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng. Sau đó dân làng Vọng Nguyệt thờ bà (Nguyệt Sinh) và tôn làm phúc thần đại vương. Hiện nay ngôi mộ của Bà vẫn nằm ở khu đất lớn".

Cho đến nay, công chúa Nguyệt Sinh và phò mã Chu Đình Dự vẫn được người dân làng Vọng Nguyệt lập đền thờ cúng và coi như một biểu tượng tâm linh của văn hóa truyền thống.

Xem thêm: Chuyện công chúa "đem thân vào hang cọp" làm tình báo cho nhà Trần, có công không có thưởng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận