Chuyện công chúa "đem thân vào hang cọp" làm tình báo cho nhà Trần, có công không có thưởng

An Tư công chúa chính là "tình báo cao cấp" của nhà Trần, góp công thầm lặng trong chiến thắng vang dội trước quân Nguyên Mông. Thế nhưng cái chết của nàng đến nay vẫn là 1 bí ẩn.

Đỗ Thu Nga
07:00 29/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

An Tư công chúa là ai?

Việt sử tiêu án chép, An Tư công chúa (không rõ sinh mất năm nào), là công chúa nhà Trần, Hòa thân công chúa. Nàng là 1 trong 2 vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính chính trị trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa. Theo một số tư liệu ghi chép lại, nàng là một "lá ngọc cành vàng" tài mạo song toàn, là một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần, cùng với Huyền Trân công chúa.

An Tư có một cuộc hôn nhân trọng đại cùng với Trấn Nam Vương của nhà Nguyên - Thoát Hoan, nhằm giúp cho quân tướng nhà Trần bảo toàn lực lượng chờ ngày phản công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.

ai-la-cong-chua-tinh-bao-dau-tien-trong-lich-su-viet-nam-3
An Tư công chúa tài mạo song toàn, là một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần, cùng với Huyền Trân công chúa

Về cách xưng hô, sách Toàn thư đặc biệt hội nàng là Thánh Tông Quý muội (tức "Quý muội của Thánh Tông", trong đó chữ Hán "Quý" có nghĩa là út hoặc nhỏ tuổi nhất trong gia đình). Vì lẽ đó, nàng cũng có thể được gọi là Hoàng quý muội. Sách An Nam chí lược ghi bà là Quốc muội, trong đó chữ "Quốc" được dùng tương tự chữ "Hoàng", biểu thị vai vế người thuộc dòng dõi Quân chủ một quốc gia.

Trong các bộ chính sử của ta hiện nay, cuộc đời của An Tư công chúa được chép rất sơ lược. Theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, An Tư công chúa là em gái út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông, cho nên suy ra bà là con gái út của Trần Thái Tông, nhưng không rõ mẹ bà là ai.

Về chuyện lấy Thoát Hoan, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 2 năm Thiệu Bảo thứ bảy - năm 1285) vua sai người đưa Công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan là muốn làm thư dãn loạn nước vậy”.

Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ "An Tư" có đoạn viết: “... Một ngày trong tháng 2 năm 1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng Mông Nguyên (Thoát Hoan). Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước”.

An Tư công chúa thay ai hy sinh thân mình lấy Thoát Hoan?

Nói về câu chuyện này, tờ Kiến Thức từng viết: Thực ra người phải đến trại quân Nguyên Mông không phải An Tư công chúa mà là công chúa Thiên Thụy. Theo bản Trần triều Ả nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa ngọc phả lục do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), được Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu 3 (1737) và sau này chép trong sách Kiến An tỉnh, Kiến Thụy phủ, Nghi Dương tổng, Nghi Dương xã thần tích thì công chúa Thiên Thụy tên thật là Quỳnh Trân, tương truyền nàng là Quỳnh Hoa công chúa ở trên thiên đình, vì vô ý đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng Thượng đế bắt đày xuống trần gian là con gái vua hạ giới. Công chúa là người cực kỳ xinh đẹp, thông minh, rất được vua Trần yêu mến và phong là công chúa Thiên Thụy.

Các tư liệu hoàng thân quốc thích triều Trần thì cho biết, công chúa Thiên Thụy là con gái của vua Trần Thánh Tông, là chị vua Trần Nhân Tông. Khi trưởng thành, công chúa gả cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn - con trưởng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Chính sử cũng biết, giữa công chúa Thiên Thụy và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư (người được Trần Thánh Tông nhận làm "Thiên tử nghĩa nam") có quan hệ tình cảm mờ ám. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "… Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thụy, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì... Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.

ai-la-cong-chua-tinh-bao-dau-tien-trong-lich-su-viet-nam-1
Tranh vẽ Thiên Thụy công chúa

Về việc này, trong bản Trần triều Ả nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa ngọc phả lục thì viết rằng: “Thời vua Nhân Tông, Trần Khánh Dư có công dẹp giặc Nguyên, được vua phong Phiêu Kỵ tướng quân và được tự do ra vào cung cấm, có lần lẻn vào phòng nàng định tư thông, bị nàng mắng cho. Sau đó, nàng chán thế tục, xin được xuất gia thờ Phật, dựng một am nhỏ ở trang Nghi Dương, rồi mở rộng quy mô thành chùa, tự xưng là Thiên Đức đại ni, khuyên dân khai đất hoang, chăm chỉ cày cấy”.

Dấu tích của công chúa còn lưu lại ở nhiều nơi, như trùng tu dựng lại chùa quán ở Bạch Hạc (Phú Thọ) mà bài minh trên chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc ghi nhận, hay như mộ dân khai khẩn lập ra làng Câu Trung (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng)…

Trong bản Ngọc phả về công chúa có viết: "Năm Ất Dậu, giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy phạm vào Vân Đồn, Vạn Kiếp. Vua phải chạy vào Nghệ An. Triều đình bàn nhau định gả nàng cho tướng giặc để cầu thân. Nàng cự tuyệt, vua thương lại cho về chùa, rồi cả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Từ đó nàng tiếp tục ở chùa, bố thí cứu bần, khuyến khích nông tang, dân xã trở lên giàu có. Đời vua Anh Tông (là cháu của công chúa), nàng xin vua miễn thuế cho dân 5 xã, được dân nhớ ơn. Sau khi nàng hóa (cùng ngày với Thượng hoàng Nhân Tông), được dân nhớ ơn lập đền thờ làm Phúc thần. Nàng được vua phong tặng là Ả Nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa”.

Từ công chúa "cành vàng lá ngọc" đến "tình báo cao cấp"

Lại nói, năm 1279, sau khi đánh bại quân Tống, làm chủ lãnh thổ Trung Hoa, quân Nguyên mở cuộc "phục thù" tiến đánh Đại Việt lần thứ 2. Con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam vương, thống lĩnh toàn bộ đoàn quân viễn chinh lần này. 

Trước sự tấn công dồn dập của giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Song Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân ta trên mọi mặt trận. Khi đó tướng Trần Bình Trọng đã hy sinh bên bờ sông Yên Mạc, chiến sự bắt đầu với cụ diện bất lợi cho Đại Việt.

ai-la-cong-chua-tinh-bao-dau-tien-trong-lich-su-viet-nam-9
An Tư công chúa đem thân mình cống tiến cho Thoát Hoan để trở thành tình báo giúp nhà Trần đánh tan quân Nguyên

Lúc này công chúa An Tư nhận trọng trách kìm hãm ý chí tiến công của địch vào thành Thăng Long để quân ta có thời gian củng cố, tổ chức lại lực lượng. Như Ngô Thì Sĩ đã viết: "Thoát Hoan lên sông Nhị Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".

Trong sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, mục Phụ nữ thời Trần viết về An Tư công chúa như sau: Trong sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, mục Phụ nữ thời Trần viết về An Tư công chúa như sau:

Công chúa An Tư được gả sang trại giặc với tư cách là một vật cống nạp nhưng một số ghi chép nói nàng đã làm nhiệm vụ mật báo nhiều tin tức quan trọng. Nàng chính là "tình báo cao cấp" của nhà Trần.  

Hiện còn rất ít tư liệu cụ thể viết về hoạt động tình báo của An Tư công chúa bên kia chiến tuyến. Chỉ biết là không lâu sau đó, quân Trần bắt đầu phản công ở hầu khắp các mặt trận khiến quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan chui vào ống đồng trốn về nước.

Có công nhưng không có thưởng

Theo tiểu thuyết lịch sử An Tư của Nguyễn Huy Thưởng thì người yêu của nàng là Chiêu Thành vương Trần Thông - con cả của Thái úy Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Trần Thông tuy mồ côi cha từ bé nhưng được dạy dỗ chu đáo. Thân mẫu là người quyết đoán, thông minh, có ảnh hưởng lớn đến ông.

Ông cũng có học văn, nhưng thiên về võ hơn và có một tinh thần thượng võ rất cao, thường mời những dũng sĩ các nơi đến tỉ thí, ai có môn võ nào hay là học cho bằng được mới thôi. Ông lại rất ham đánh vật, môn thể thao thịnh hành nhất thời Trần, mỗi khi cởi trần đóng khố ra sân vật, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi thân hình cường tráng.

Hiện có rất ít tư liệu viết về Chiêu Thành vương Trần Thông cũng như mối tình với công chúa An Tư. Thậm chí có Thậm chí, một số tư liệu lịch sử khác còn cho biết An Tư công chúa đem lòng yêu chàng Yết Kiêu... Và cho đến ngày nay, quân tử thực sự trong lòng nàng vẫn còn là một đáp số bí ẩn.

ai-la-cong-chua-tinh-bao-dau-tien-trong-lich-su-viet-nam-77
Miếu thờ Công chúa An Tư ngày nay tại thôn Cao Lãm (Ảnh: Báo Lao động)

Lại nói đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông sau khi giành chiến thắng có rất nhiều công thần, tướng lĩnh được truy phong, khen thưởng. Song lại không hề nhắc đến An Tư công chúa. Việc nàng còn sống hay đã chết cũng vẫn là 1 bí ẩn? Đưa được sang Trung Quốc hay bị lưu lạc cũng vẫn là bí ẩn?

Theo Lê Tắc - một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong bên Trung Quốc, có ghi: "Trước, Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con". Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa có cơ sở để khẳng định rõ ràng.

Nói về công lao của công chúa An Tư, GS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á của Việt Nam, đánh giá:

"Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á- Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong đó có công chúa An Tư.

Người con gái "lá ngọc cành vàng ấy" đã vì nợ nước mà ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư…".

Xem thêm: Danh tướng nước Việt khiến quân Hung Nô khiếp sợ, được Tần Thủy Hoàng đúc tượng, gả công chúa là ai?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận