Nguyễn Tri Phương - Danh tướng quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng
Không chỉ là danh tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống quân xâm lược từ phương Tây, Nguyễn Tri Phương còn là vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân.
Nguyễn Tri Phương - đại thần số 1 triều Nguyễn
Danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873), tên cũ là Nguyễn Văn Chung, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Ông sinh tại làng Đường Long (Chí Long), xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sử Việt có chép, Nguyễn Tri Phương xuất thân trong gia đình làm thuần nông và có nghề thợ mộc. Nhà nghèo không lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập mà ông đã làm nên cơ nghiệp lớn.
Vào năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đề bạt ông làm Điền bộ (bí thư ở Nội điện). Năm sau thăng lên Tư soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các. Hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng họa sĩ. Đến năm 1831, thăng Hồng Lô tự khanh.
Vào năm 1832, Nguyễn Tri Phương được sung vào phái bộ sang Trung Quốc về việc thương mại. Đến năm 1835, ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công, ông được thăng hàm Thị lang.
Đến năm 1837, ông bị triều đình gièm pha, nên bị giáng xuống làm thơ lại ở bộ Lại. Cuối năm, ông được khôi phục làm Chủ sự, sung chức Lang trung. Năm sau ông được thăng làm Thị lang bộ lễ. Đến năm 1839, ông thăng hàm Tham tri, làm việc ở Nội các.
Vào năm Canh Tý (1840), ông được bổ nhiệm làm Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi), trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành công việc ông được rút về kinh thăng làm Tham tri bộ Công. Ông được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường). Cũng tại đây, ông công dẹp giặc ở ngoài vào quấy phá.
Vào tháng 5 âm năm 1844, ông được cải bổ Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Năm 1845, ông cùng Doãn Uẩn đánh bại quân Xiêm La của tướng Bodin, bình định Cao Miên, ổn định hoàn toàn vùng biên giới Tây Nam thuộc miền Tây Nam Bộ.
Năm 1845, ông được thăng chức Khâm sai quân thử đại thần Trấn Tây hàm Tòng Hiệp Biện Đại học sĩ. Đến năm 1847, ông được thưởng danh hiệu "An Tây trí dũng tướng". Tháng 5/1947, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc 4 chữ "Quân kỳ thạc phụ", được chép công vào bia đá ở Võ miếu (Huế).
Đến năm 1848, vua Tự Đức phong cho ông là Tráng Liệt Bá. Đến năm 1850, vua Tự Đức phê chuẩn cải tên ông là Nguyễn Tri Phương. Từ đó tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông.
Ông được sung chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853, ông được thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư ở địa phương được an cư lập nghiệp.
Dưới con mắt của vua Thiệu Trị, Nguyễn Tri Phương là người gan dạ: "Gần đây có viên trung sứ từ quân thứ về nói: Nguyễn Tri Phương đối trận đánh nhau với giặc, đạn rơi xuống như mưa; tỳ tướng bẩm xin bỏ lọng đi để cho địch khỏi biết. Tri Phương quát lên, sai giương thêm 2 lọng nữa. Từ đấy, khí thế quân sĩ hăng hái gấp trăm lần, sẽ thu được thành công. Ví phỏng người nhút nhát đương vào việc ấy, liệu có khỏi mất tinh thần không ?".
Còn trong suy nghĩ của vua Tự Đức, Nguyễn Tri Phương là bề tôi trung thành, võ tướng trí dũng song toàn và thanh liêm.
Cách đánh giặc "bình tĩnh" của Nguyễn Tri Phương
Trong thời gian làm quan, Nguyễn Tri Phương được giao nhiều trọng trách, đi rất nhiều nước, trong đó có những vùng thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ để học hỏi kinh nghiệm chiến đấu. Ông cũng trải qua nhiều trận mạc với những năm tháng chống giặc Xiêm và "thổ phỉ" phía Nam. Cụ thể:
Vào năm 1850, ông được vua Tự Đức phái đi làm Kinh lược sứ trông coi 6 tỉnh Nam Kỳ. Dưới sự cai quản của ông, phong trào chiêu mộ dân lưu tán vào khai hoang lập ấp ở vùng đất này phát triển rầm rộ. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, hơn 10.000 lưu dân đã được Nguyễn Tri Phương chiêu mộ đến vùng đất mới, lập hơn 100 ấp, hình thành nên làng xóm trù phú theo các triền sông, rạch. Cùng với việc khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, Nguyễn Tri Phương đã hướng những lưu dân đến vùng đất mới này lập nghiệp tích cực luyện tập võ nghệ để tự bảo vệ mình trước thiên tai và phòng khi dịch họa.
Giữa lúc công việc đang tiến triển thuận lợi thì ngày 31/8/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với lệ thế về hỏa lực và quân số, liên quân khiến triều Nguyễn liên tục thất bại, mất nhiều thành, đồn, nhiều tướng sĩ tử trận.
Vua Tự Đức đã cử Nguyễn Tri Phương ra làm tổng chỉ huy chống thực dân Pháp ở Đà Nẵng. Khi đến Đà Nẵng, ông không vội dẫn quân phản công đánh chiếm lại thành mà thực hiện chiến thuật ứng phó dựa vào sức dân, cẩn trọng xem xét lại tổng thể tình hình, vẽ địa đồ và kế sách để đánh.
Trong sớ gửi triều đình, ông nhận định quân địch chiến đấu thì lợi, còn quân ta thủ thì sẽ hơn. Ông cũng đề nghị nên giữ vững những mặt trận còn lại để tìm cách cự chiến, đắp xong đồn lũy rồi mới dần dần xông tới, xác định đánh lâu dài với địch. Nguyễn Tri Phương còn vận động người dân bất hợp tác với giặc, để lại vườn không nhà trống những vùng bị tấn công.
Triều đình sau đó chấp thuận chỉnh đốn lại quân đội, sửa sang đồn lũy. Nguyễn Tri Phương lệnh cho quân làm lại công sự, sửa lại đồn, đặt lại các vọng lâu để dễ bề quan sát, ứng cứu.
Thấy nhà Nguyễn án binh bất động, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cũng không mở rộng phạm vi chiếm đóng nữa. Nhận thấy tình thế có lợi, Nguyễn Tri Phương cùng binh lính và người dân xứ Quảng ngày đêm lập phòng tuyến dài từ chân núi Cẩm Khê đến đồn Liên Trì dài 3km. Phòng tuyến gồm nhiều hầm dích dắc, dưới cắm chông, trên phủ cát và chướng ngại vật nguỵ trang, cách một đoạn có một ổ kháng cự, một khẩu đại bác cùng khoảng 10.000 quân trấn giữ.
Từng có một tướng của quân đội Pháp thừa nhận: "Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản". Còn Savin de Larclause - sĩ quan trong đội quân viễn chinh ở Đà Nẵng, nói "những người An Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong nghệ thuật chiến tranh. Chúng tôi chỉ đẩy đuổi được quân địch vài trăm thước, họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới ngay trước mặt".
Dưới sự chỉ huy kiên quyết và mưu trí của Nguyễn Tri Phương, quân nhà Nguyễn đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của liên quân Pháp-Tây Ban Nha, tiêu hao nhiều binh lực của chúng. Trước sức mạnh đông đảo của địch, Nguyễn Tri Phương lại quyết định đổi cách đánh. Ông dâng sớ tâu lên triều đình nói rõ về chiến thuật của mình như sau: “Bên họ chiến thì lợi, bên ta thủ thì hơn, bây giờ nên giữ cho vững để làm cách cự chiến, đắp xong đồn lũy rồi dần dần mới xông tới”. Đáng tiếc là đề nghị của ông không nhận được sự đồng thuận từ chính quyền của vua Tự Đức.
Dẫu vậy, ông vẫn âm thầm cho quân sĩ triển khai củng cố các công trình phòng thủ, tạo thành một hệ thống tường cao, hào sâu để ngăn bước tiến của quân địch, làm cho chúng không thể tiến nhanh và sâu hơn vào nội địa như kế hoạch ban đầu, không những vậy còn tiêu hao binh lực.
Ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, sau 5 tháng kiên cường chiến đấu, dẫu chưa đánh đuổi được quân địch ra khỏi bán đảo Sơn Trà nhưng quân nhà Nguyễn đã ngăn chặn được các công cuộc hành binh lớn của liên quân Pháp - Tây Ban Nha ở Trung Trung Bộ, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng và buộc chúng phải thay đổi hướng tiến công.
Nhận xét về vai trò của Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, một sử gia phương Tây nói: "Nguyễn Tri Phương đã duy trì được kỷ luật trong hàng mấy vạn quân từ các tỉnh gửi đến. Ông đã thành công trong việc đào chiến hào bao vây càng ngày càng gần vị trí địch”.
Đến đầu tháng 2/1859, nhận được tin quân địch rút bớt lực lượng ở Đà Nẵng để tiến vào Gia Định, Nguyễn Tri Phương lập tức cho quân tiến lên, thu nhỏ phạm vi hoạt động của địch, lập lại các đồn Phúc Ninh, Thạch Giản, Hải Châu. Ông cho đào phòng tuyến liên tiếp giữa đồn nọ với đồn kia, sát đến đồn Điện Hải nơi địch đang chiếm đóng để bố trí mai phục.
Dưới dòng sông Hàn, quân của ông dùng xích sắt chặn ngầm ngang lòng sông để tàu chiến không vào sâu trong đất liền. Liên tiếp hai ngày 6 và 7/2/1859, quân đội triều Nguyễn dốc toàn lực đẩy quân của đại tá hải quân Toyon ra vùng cửa sông. Toyon phải đánh điện kêu cứu với Rigault de Genouilly - Đề đốc tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
Trận đánh ở đồn Liên Trì ngày 15/9/1859, do quân địch hỏa lực quá mạnh, quân ta bị thương vong hơn 100 người và gần 100 nhà dân bị đốt phá. Nguyễn Tri Phương đã thẳng thắn dâng sớ xin nhận tội. Vua đồng ý giáng chức nhưng vẫn để ông tiếp tục ở lại Đà Nẵng lập công chuộc tội. Khi chiến sự càng kéo dài, ưu thế chiến trường nghiêng dần về phía quân triều đình.
Chiến thắng liên tiếp của binh lính dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương đã buộc liên quân Pháp - Tây giậm chân tại chỗ trên doi đất nhỏ hẹp dưới chân núi Sơn Trà. Thiếu lương thực, thêm hàng trăm lính ốm, chết vì bệnh tả, Pháp hai lần xin nghị hòa để hoãn binh và chấp nhận rút quân về nước ngày 23/3/1860.
Với chiến thắng ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương trở thành vị tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống xâm lược từ phương Tây. Vị thế của ông trong mắt vua Tự Đức được nâng lên.
Danh tướng quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng
Đến tháng 8/1860, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức cử vào Nam Kỳ làm Thống đốc quân sự. Là danh tướng yêu nước, kiên quyết chống lại tư tưởng “chủ hòa”, trước lúc lên đường, hơn ai hết, Nguyễn Tri Phương hiểu rõ lúc này bầu không khí “thủ hòa” đang lan rộng trong kinh thành Huế. Ông đã thẳng thắn tâu lên vua Tự Đức: “Lúc này không còn nói nghị hòa gì được nữa. Ta chỉ chuyên mặt đánh và giữ mà thôi”.
Vào Nam Kỳ, để bảo vệ thế cờ, việc quan tâm đầu tiên của ông là vực dậy tinh thần binh sĩ, cùng với đó là triển khai củng cố hệ thống đồn lũy, tập hợp lực lượng, lập các đội nghĩa binh để phối hợp với quân triều đình. Ông cho xây dựng đồn Chí Hòa rộng 3km, án ngữ phía Tây nam thành Gia Định để ngăn chặn quân Pháp đánh sâu vào hậu phương. Ông cũng chủ trương không co cụm quân vào một khu vực mà phân tán thành nhiều đạo. Nhờ các biện pháp quyết liệt và hiệu quả của Nguyễn Tri Phương mà tình hình ở Nam Kỳ đã có sự thay đổi nhanh chóng. Quân Pháp không thể mở rộng được địa bàn và liên tục bị chặn đánh, lực lượng tiêu hao nhiều.
Giữa lúc mọi việc đang tiến triển thuận lợi thì không may trong trận đánh bảo vệ đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương, buộc phải lui về Biên Hòa để chữa trị. Mọi kế hoạch phòng thủ và phát triển lực lượng của Nguyễn Tri Phương vì vậy mà trở nên dang dở.
Đến năm 1862, với việc ký Hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862), triều đình Huế đã chính thức nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Đến năm 1867, thực dân Pháp hoàn thành việc đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh và triển khai âm mưu chuẩn bị thôn tính tiếp Bắc Kỳ. Nguyễn Tri Phương được triều đình cử ra trấn giữ Hà Nội. Trong những năm 1872-1873, quân Pháp ỷ thế đã liên tiếp gây hấn, gây ra các vụ khiêu khích, cướp phá ở Hà Nội.
Trước tình thế đó, vua Tự Đức không những không có hành động đối phó thích hợp mà còn chỉ thị cho Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương “không được khiêu khích sinh sự”. Mặc dù vậy, trước sự ngang ngược của quân Pháp, Nguyễn Tri Phương đã ra lệnh bất hợp tác với Pháp; đồng thời cho áp dụng những biện pháp cứng rắn để cảnh cáo và ngăn chặn. Ông còn kêu gọi quân và dân Hà Nội đoàn kết một lòng chống Pháp; ra lệnh cấm mọi người giao thương với lái buôn Pháp, cấm tàu, thuyền Pháp đi lại trên sông Hồng lên Vân Nam; đồng thời cho lập các trạm kiểm soát trên tuyến giao thông thủy này. Trước đó, Nguyễn Tri Phương cũng đã gửi thư cho F.Garnier nói rõ: “Ông đến Bắc Kỳ là để trục xuất J.Dupuis. Vậy ông hãy lôi cổ hắn và cùng hắn đi khỏi nơi đây đi”.
Trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Tri Phương, cả Garnier và Dupuis quyết định dùng vũ lực. Mờ sáng 20/11/1873, sau nhiều lần gửi tối hậu thư không có kết quả, quân Pháp đã chia làm hai mũi bất ngờ nổ súng chiếm Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đã bình tĩnh chỉ huy quân và dân Hà Nội kiên cường chống trả. Ông cùng người con trai là phò mã Nguyễn Lâm đích thân lên mặt thành chỉ huy cuộc chiến đấu. Trong khi đang chỉ huy, ông bị một mảnh đạn đại bác găm vào bụng và bị thương nặng.
Cửa thành bị đạn đại bác công phá, quân Pháp tràn vào thành và bắt được Nguyễn Tri Phương. Chúng băng bó vết thương và chạy chữa để lợi dụng ông về sau. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết cự tuyệt. Sau nhiều ngày tuyệt thực, ông đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong dinh Tổng đốc thành Hà Nội, bình thản về với tổ tiên vào ngày 20/12/1873 (có tài liệu ghi là ngày 22/12/1873). Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội.
Hơn 50 năm phụng sự đất nước, phò tá 3 đời vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trải qua nhiều cương vị, từng làm tổng chỉ huy các mặt trận: Đà Nẵng (1858-1859), Gia Định (1860-1861), Hà Nội (1873), Nguyễn Tri Phương đã dốc toàn bộ tâm trí và tinh lực lo cho nước, cho dân.
Sử sách ghi danh ông không chỉ là danh tướng có tài cầm quân, biết thu phục nhân tâm để đương đầu với một đạo quân xâm lược nhà nghề có tiềm lực kinh tế, có quân sự vượt trội mà còn là một vị quan thanh liêm biết lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân. Nguyễn Tri Phương đúng là một danh tướng Lúc sống uy danh trùm vũ trụ/ Thác về thần khí rạng sơn hà.
Xem thêm: Trần Nhật Duật - danh tướng không có khuyết điểm để chê
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận