"Bà tiên" Kim Dung và hành trình hơn 30 năm nuôi "người dưng", mở quán cơm tạo việc làm cho người nghèo, lời lãi đem làm từ thiện hết

Nhà của bà Dung trở thành mái ấm cho sinh viên nghèo, quán cơm trở thành nơi làm việc của người khó khăn. 30 năm qua, bà Dung cứ cho đi mà chẳng đòi nhận lại điều gì...

Đỗ Thu Nga
08:00 23/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngôi nhà hạnh phúc của sinh viên nghèo

Bà Dương Thị Kim Dung từng là một cô giáo. Sau một thời gian đứng trên bục giảng, bà xin nghỉ việc về mở quán  bán cơm để có nhiều thời gian và điều kiện làm từ thiện. Quán cơm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn. Lời lãi từ quán cơm được chuyển thành những chuyến đi thiện nguyện, quyên góp ủng hộ xây cầu, nhà tình thương.

Theo phunuonline, bà Dung có một căn nhà 3 tầng rộng rãi. Bà dành tầng trệt và một phần lầu 1 để mở quán cơm. Lầu 2 để ở. Còn lầu 3 và 1 phần lầu một chia thành 4 phòng, mỗi phòng đều có quạt máy, bàn ghế, nệm để cho sinh viên ở. 

Jack (Khounphinit Sodalay) là 1 trong số những người được bà Dung cưu mang. Jack và một người bạn cùng phòng là Axe (Phrathepsouvanh Thipphakone) đều là sinh viên Lào đang theo học y khoa tại Việt Nam. Hai bạn có duyên được trở thành thành viên trong đại gia đình của bà Dung từ chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt” năm 2019. Sau ba tháng tham gia trải nghiệm cuộc sống gia đình Việt, Jack và Axe xin được ở lại nhà cô Dung trong những năm theo học tại Việt Nam. Cô Dung khen Jack và Axe đều ngoan và cô thương hai bạn như con mình. 

Ba-tien-Kim-Dung-va-hanh-trinh-hon-30-nam-nuoi-nguoi-dung-9
Bà Dung cùng hai sinh viên Lào Khounphinit Sodalay (trái) và Phrathepsouvanh Thipphakone (phải), sáng 8/6

Sống chung với bà Dung, Jack học thêm được tiếng Việt, hiểu được văn hóa Việt Nam.  “Dù ở Lào hay Việt Nam, em không nghĩ sẽ có một người tốt như cô. Dù không phải họ hàng nhưng cô lại chấp nhận nuôi hai đứa em đến hết sáu năm đại học. Em thấy rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ tấm lòng của cô”. Còn Axe: “Được gặp cô Dung là điều may mắn. Ở nhà cô, được ăn cơm cùng cô và mọi người như một gia đình, em cảm thấy như sống ở nhà mình, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ”, Jack nói.

Tại ngôi nhà này không có ranh giới giữa người ở và chủ nhà, chỉ có tình yêu giữa người mẹ già và các con. Đó là ngôi nhà hạnh phúc. Cứ lúc rảnh, hai đứa con trai nước bạn lại trổ tài nấu món Lào cho cả nhà thường thức. Rồi mọi người quây quần lại giao lưu văn hóa với nhau....

Nguồn cảm hứng từ thiện của "bà tiên"Kim Dung

Nhắc về chuyện nhân nuôi các sinh viên, bà Dung hồi tưởng: Vào năm 2014, trong một lần đi phát học bổng ở Củ Cho, bà được Chủ tịch xã Phạm Văn Cội giới thiệu một em học sinh tên Nguyễn Thị Tuyết Anh vừa thi đậu ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM nhưng gia cảnh khó khăn, không dám nhập học.

"Năm đó, khi tôi đến nhà gặp con bé, nó 18 tuổi mà người nhỏ xíu như học sinh lớp 6", bà Dung kể.

Tuyết Anh tâm sự, mẹ bị bệnh tim, gần như không lao động được. Ba em đi bộ đội về, gồng gánh nuôi cả gia đình bằng khoản lương làm bảo vệ. Nghe tin con gái đỗ đại học, cả nhà mừng lắm nhưng chen vào đó là nỗi lo "tiền đâu để cho con đi học".

Sau khi tìm hiểu thông tin về gai đình Tuyết Anh, bà Dung ngỏ ý nhận lời nuôi cô bé trong mấy năm đại học. Ban đầu, bố mẹ Tuyết Anh cũng ngại ngần đôi chút. Họ không có người tốt bụng đến như thế. Họ lo con bị đem bán...

Hiểu được nỗi lòng các đấng sinh thành, bà Dung tìm đến chính quyền địa phương nhờ họ hỗ trợ. Được chính quyền địa phương giải thích, cha mẹ Tuyết Anh mới yên tâm giao con cho "người lạ". 

Ba-tien-Kim-Dung-va-hanh-trinh-hon-30-nam-nuoi-nguoi-dung-0
Những bạn sinh viên từng được bà Dung cưu mang

Trước khi rời khỏi Củ Chi, bà Dung không quên để lại lời động viên: "Gia đình cứ yên tâm, tôi lo cho cháu được mà, đừng để cháu nghỉ học mà tội".

Vốn là một cô giáo nên bà Dung thấu hiểu những nỗi lo toan của cô nữ sinh này. Bà Dung đã nhận thêm 1 nữ sinh khác học cùng trường đến ở cùng Tuyết Anh cho có bạn có bè. Trong căn phòng ở lầu ba, bà chủ quán cơm chuẩn bị đầy đủ, không thiếu bất cứ vật dụng gì.

Còn nhờ, có giai đoạn mẹ Tuyết Anh phải khám bệnh, điều trị bệnh tim nhưng nhà không còn đồng nào. Tuyết Anh không kể nhưng bà Dung vẫn biết, bà tự lấy tiền cho mượn.

"Sau này đi làm có tiền, tôi gửi trả hết tiền mượn của má. Tiền thì đã trả hết những ân tình thì vẫn còn đó, không trả hết được", Tuyết Anh, hiện 26 tuổi, bác sĩ bệnh viện Củ Chi nói.

Tuyết Anh chính là lứa sinh viên đầu tiên mà bà Dung nuôi ăn học miễn phí. Những năm sau đó, bà tiếp tục đón thêm nhiều lứa mới. Căn nhà 3 tầng được cải tạo để thuận tiện cho việc buôn bán và có chỗ cho sinh viên ở.

Cũng có không ít người thắc mắc, sao bà Dung không cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Lúc ấy, bà chủ quán cơm giải thích: Giờ chồng mất, con cái đều trưởng thành có nhà riêng, chỉ mình bàm bà lấy tiền đó để làm gì, ăn cũng hết. "Thay vì như vậy, tôi cho sinh viên ở miễn phí, sau này các con thành tài còn giúp ích cho xã hội", bà nói.

Quang Đại cũng là 1 trong số những sinh viên nghèo được bà Dung nhận về nuôi. Còn nhớ, 3 năm trước, cứ mỗi sáng tập thể dục, bạn bà Dung lại bắt gặp chàng thanh niên ngồi đọc sách ở ghế đá. Người ta hỏi: "Sao con không về nhà học?". Chàng trai đáp: "Con không còn tiền trả nhà trọ", rồi thò tay lấy mì gói trong túi ra ăn.

Nhìn cảnh đó, người bạn chạnh lòng đã gọi cho bà Dung. Nhận được cuộc gọi, bà Dung bừng dậy vội chạy ra nhận Đại về nuôi. Khi ấy, Đại đang là sinh viên học ngành Khách sạn - Nhà hàng, vì gia đình quá khó khăn nên Đại phải sống lay lắt ngoài công viên gần một tháng.

Giờ đây, Đại đã tốt nghiệp, đang làm ngân hàng. Cứ có thời gian rảnh, Đại lại đến phụ bếp cho má nuôi. Anh nói: "Nếu không có má Dung, ngày ấy tôi có thể sẽ bỏ học vì nghèo. Má đã cho tôi một cuộc sống mới. Tôi ở lại đây phụ má và hỗ trợ những bạn sinh viên có hoàn cảnh như mình".

Cho đi là hạnh phúc

Như đã chia sẻ, thời còn trẻ, bà Dung từng theo học ngành sư phạm rồi đi dậy. Khi thấy mình không con duyên với nghề giáo thì chuyển sang làm công ty, rồi mở quán cơm. Tính đến nay, quán cơm đã 35 năm. Cũng nhờ quán cơm ấy mà các con của bà lần lượt trưởng thành. Họ luôn hiếu thuận và ủng hộ mẹ trong việc làm từ thiện. 

Bà Dung chia sẻ, nhiều năm trước, bà đã ra nước ngoài ở với con, nhưng do không quen với cuộc sống nơi xứ lạ nên cô đã trở về. 

Trong ngần ấy năm duy trì quán cơm, bà Dung đã cưu mang biết bao mảnh đời khó khăn. Quán cơm 35 năm cũng là ngần ấy năm bà Nguyễn Ngọc Điệp (hay còn gọi là bà Bảy), 72 tuổi sống cùng với bà Dung.

Ba-tien-Kim-Dung-va-hanh-trinh-hon-30-nam-nuoi-nguoi-dung

Ngày xưa, bà Điệp từ Vĩnh Long lặn lội lên Sài Gòn kiếm việc làm, biết hoàn cảnh khó khăn, bà Dung nhận về phụ giúp quán cơm cho đến hôm nay.

"Ban đầu tôi nhận bà Bảy lên làm, sau đó vì nhớ con quá nên bả xin đưa con lên ở cùng. Tôi cũng đồng ý nhận hết. Sau này cả ba đứa tôi đều lo ăn, lo học nghề, tổ chức đám cưới và ổn định cuộc sống", bà Dung nói.

Hàng xóm xung quanh giờ cũng quen với cảnh "nhà đông con" của bà Dung. Bà Lê Kim Mai, 62 tuổi, cách đó mấy căn nhà kể: "Bà Dung ở đây không còn xa lạ gì. Không chỉ cho sinh viên nghèo ăn, ở miễn phí, bà Dung còn chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm, nhất là trong đợt dịch vừa rồi".

Bà Dung tâm sự, giờ đây khi đã lớn tuổi, có một nỗi lo mà đêm nào bà cũng suy nghĩ. Bà lo nếu một ngày bà không còn thì tụi nhỏ sẽ ra sao, còn ai đủ kiên nhẫn cưu mang những đứa học trò nghèo.

"Thấy các con ngoan, biết nghe lời, chịu khó học là tôi an tâm. Tôi chỉ cầu mong mình có được sức khỏe để giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Tạo niềm vui cho người ta để làm niềm hạnh phúc cho chính mình", bà Dung nói.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Chuyện "ông Bụt" Trần Cang ở Sóc Trăng: Gần 100 tuổi vẫn mê làm từ thiện

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận