Điểm lại những lời tuyên thệ lưu truyền sử sách của các bậc đế vương nước Việt

Tuyên thệ là một trong những nghi lễ quan trọng thời phong kiến. Đây là dịp để các đế vương thể hiện tấm lòng vì dân, vì nước của mình. 

Đỗ Thu Nga
10:00 21/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Đời đời thờ phụng các Vua Hùng" - Thục Phán An Dương Vương 

An Dương Vương tên thật là Thục Phán. Ông là người lập ra nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang. 

Niên đại trị vì của An Dương Vương được các tài liệu ghi khác nhau. Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng thời gian ông làm vua Âu Lạc kéo dài 50 năm, từ 257 TCN đến 208 TCN. Các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm.

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-0

Lời thề của Thục Phán An Dương Vương với Hùng Vương thứ 18 khi được truyền ngôi là một trong những điển tích của lịch sử dân tộc, thể hiện sự truyền nối "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Theo sách "Giai thoại Lịch sử Việt Nam", sau khi được vua Hùng nhường ngôi vào năm 258 TCN, An Dương Vương cho dựng cột đá lớn trên núi Nghĩa Lĩnh, khắc ghi lời thề của mình: “Sẽ ra sức giữ gìn cơ nghiệp của tổ tông và đời đời thờ phụng các vua Hùng”. Lên ngôi, Thục Phán cho dựng đền thờ 18 đời vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thờ phụng quanh năm.

"Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng" - Hai Bà Trưng

Hai Bà Trưng (13 tháng 9 năm 14 - 5 tháng 3 năm 43) là tên chỉ chung hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Đây là hai người phụ nữ được đánh giá là anh hùng dân tộc của người Việt.

Sử sách chép, hai bà là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Trưng Trắc tự phong là Nữ vương. 

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-9

Được biết, trước khi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược, Hai Bà Trưng thề trước giờ xuất trận: "Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Hai bà đã “Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”, đánh tan quân Hán, giành lại độc lập cho nước nhà từ năm 40-43.

"Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt" - Lý Thái Tông

Lý Thái Tông là vị hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông trị về đất nước trong 26 năm, Ông được đánh giá là vị hoàng đế tài giỏi, vì dân vì nước. Thời đại của ông, con ông là Lý Thánh Tông và cháu ông là Lý Minh Tông được xem là thời thịnh vượng nhất của nhà Lý, sử sách gọi là Bách niên Thịnh thế.

Vua Lý Thái Tông được mô tả là người uy dũng, bách chiến bách thắng, trải qua loạn ba vương mà đăng cơ, công danh rạng rỡ triều Lý. Ông củng cố quyền lực nhà lý, bên trong dùng chính sách hòa thân, gả công chúa cho các quan Châu mục, bên cạnh đó dẹp loạn đảng như Loan họ Nùng. Bên ngoài Đế đánh được Chiêm Thành, công tích đánh dẹp uy nghi, tiền đề cho sự phát triển của các đời sau.

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-8

Trong thời gian trị vì, ông cũng đưa ra lời tuyên thệ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hàng năm, vua cùng quần thần đến đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) để cùng phát thệ: “Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Lễ thức này được duy trì qua nhiều triều vua đời Lý và sang cả đời Trần.

"Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch" - Trần Thái Tông

Trần Thái Tông (tên khai sinh Trần Cảnh) là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Trần. Ông là 1 nhân tố quan trọng trong kịch bản chuyển ngôi từ họ lý sang họ Trần của Thái sư Trần Thủ Độ. 

Nhận xét về Trần Thái Tông, Bộ Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: "Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ Nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có nhiều điều hổ thẹn".

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-7

Lê Tắc, một sử gia người gốc Việt của Đại Nguyên, đã viết trong sách An Nam chí lược rằng Trần Thái Tông là người: "khoan nhân thông tuệ, văn võ toàn tài, lấy tư cách con rể Nhà Lý kế vị quốc vương".

Nói về lời tuyên thệ của Trần Thái Tông, sử chép: Năm 1227, vua Trần Thái Tông khôi phục hội thề Đồng Cổ từ thời Lý. Theo đó, ngày 4/4 Âm lịch mỗi năm, tể tướng cùng bá quan phải tập trung trước đền thần Đồng Cổ để tuyên thệ: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.

"Trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn" - Lê Lợi

Lê Lợi (Lê Thái Tổ) là anh hùng, vị Hoàng đế huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.

Nhận xét về Lê Lợi, Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém".

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-6

Nói về lời tuyên thệ của Lê Lợi, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Ngay trong Hội thề Lũng Nhai năm 1416, trước khi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh, Lê Lợi và 18 người khác đã “cắt máu ăn thề”. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, trước khi lên ngôi vào năm 1428, Lê Thái Tổ tiếp tục tuyên thệ: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác. Điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp”.

"Thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân" - Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ 5 của nhà Hậu Lê. Ông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời hậu lê. Thời kỳ của ông được đánh dấu bởi sự hưng thịnh của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung với tên gọi là Hồng Đức Thịnh Thế.

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-5

Đại Việt sử ký toàn thư có chép một số lời bình của sử thần về vua Lê Thánh Tông, đa số đều là nhận xét tích cực. Ví như: "Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được. Nhưng công trình thổ mộc vượt quá quy mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy".

Khi mới lên ngôi, vị vua anh minh này cũng từng đưa ra lời tuyên thệ trước quần thần: "Thề với trời đất, dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi, các người chớ có quên đấy”.

"Nay trẫm cùng dân đổi mới" - Quang Trung

Quang Trung Hoàng đế (miếu hiệu Tây Sơn Thái Tổ) là nhà chính trị, quân sự, vị hoàng đế thứ 2 của triều Tây Sơn, sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Vua Quang Trung là vị anh hùng dân tộc của Việt Nam, nhiều trường học và đường phố ở các địa phương được đặt các tên Quang Trung và Nguyễn Huệ, riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố đồng thời là một đường hoa và cũng là phố đi bộ mang tên ông.

7-loi-tuyen-the-luu-truyen-su-sach-cua-cac-bac-de-vuong-nuoc-Viet-4

Cũng giống như các vị đế vương, võ tướng khác, sinh thời, vua Quang Trung cũng đưa ra lời tuyên thệ của riêng mình. Cụ thể, cuối năm 1788, tại Núi Bân (Huế), Nguyễn Huệ lập đàn lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. Trong chiếu lên ngôi của mình, ông khẳng định: “Hỡi muôn dân trăm họ, lời nói của ngôi hoàng cực là giáo huấn phải thi hành. Nhân, nghĩa, trung, chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người, nay trẫm cùng dân đổi mới, sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài mùa xuân”. 

Thực hiện lời thề, vua đã đánh tan đội quân Thanh xâm lược vào tết Kỷ Dậu 1789, nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Tiếc rằng, cái chết đột ngột của Quang Trung đã khiến nhiều thứ dang dở.

Xem thêm: 3 vị vua đăng cơ tình cờ, số phận ly kỳ nhất sử Việt: Có người từ tù nhân thành hoàng đế

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận