3 bí ẩn chấn động của nhà Nguyễn đến nay vẫn chưa có lời giải

Vua Minh Mạng triệt dòng đích hoàng tử Cảnh, vua Tự Đức và vua Bảo Đại là con ai vẫn là những điều bí ẩn để lại cho hậu thế biết bao thắc mắc.

Đỗ Thu Nga
17:00 12/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà Nguyễn thành lập năm 1802 khi vua Gia Long lật đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế; kết thúc năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Đây là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhà Nguyễn trải qua 13 đời vua trị vì, gồm: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), Dục Đức (1883), Hiệp Hòa (1883), Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885), Đồng Khánh (1885-1889), Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916), Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945).

Cho đến nay, nhà Nguyễn vẫn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà hậu thế vẫn đang không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu. Tuy nhiên, có 3 nghi án liên quan đến "lý lịch" của các vua đến nay vẫn chưa có lời giải: Vua Minh Mạng triệt dòng đích hoàng tử Cảnh? Vua Tự Đức là con ai? Vua Bảo Đại là con ai?

Vua Minh Mạng triệt dòng đích hoàng tử Cảnh?

Hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh hay An Duệ Hoàng thái tử, 1780 - 1801) là con trưởng của vua Gia Long (Nguyễn Ánh). Hoàng tử Cảnh qua đời năm 21 tuổi - một năm trước khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Vì thế, ông không bao giờ được bước lên ngôi Hoàng đế. Cái chết của ông dẫn đến cuộc tranh cãi về người kế vị trong triều đình nhà Nguyễn mà kết cục Hoàng tử thứ xuất Nguyễn Phúc Đảm vượt qua 2 vị cháu đích tôn của vua Gia Long để bước lên ngôi Thái tử, cũng chính là vua Minh Mạng sau này.

Hậu thế đến giờ vẫn luôn đi tìm kiếm câu trả lời cho nghi vấn: Liệu vua Minh Mạng có dựng nên vụ Mỹ Đường (con trai hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ đẻ để triệt dòng đích hoàng tử Cảnh không? Theo Đại Nam liệt truyện, Mỹ Đường là con trai lớn của hoàng tử Cảnh và bà Tống Mỹ Thùy. Theo truyền thống "phụ truyền tử kế", hoàng tử Cảnh sẽ nối nghiệp Gia Long. Nhưng không may, hoàng tử mất trước khi phụ thân lên ngôi (năm 1801) khi mới 21 tuổi. 

3-bi-an-chan-dong-cua-nha-nguyen-den-nay-van-chua-co-loi-giai-4
Tranh vẽ hoàng tử Cảnh

Khi vua Gia Long ở ngôi, tuổi đã cao, các quan xin dựng ngôi Trừ nhị (người dự bị để nối ngôi vua). Có người xin lập hoàng tôn Mỹ Đường, vua không nghe. Năm 1820, vua quan đời, Hoàng tử Đảm lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng. Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã thực hiện nhiều cuộc cải cách lớn. Trong việc gia đình, vua cho làm lại gia phả nhà Nguyễn (phân biệt thân sơ, phiên hệ, đế hệ). 

Về vụ việc Mỹ Đường thông dâm với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên, sử sách của triều Nguyễn có chép: Sự việc diễn ra vào cuối năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Sách Đại Nam thực lục cho biết: Trước đó, có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông dâm với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem chuyện tâu kín. Vua sai bắt thị Quyên giao cho Lê Văn Duyệt dìm chết và cấm Mỹ Đường không được vào chầu hầu. Đến nay Mỹ Đường dâng sớ nói có bệnh xin nộp trả ấn sách và xin miễn làm thứ nhân, về ở nhà riêng. Vua với các công thần vào bàn và y cho. Tháng 2 năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Mỹ Đường đã có tội ở nhà riêng, thường đến thăm con ở xã An Hòa, có người cho là trốn tâu lên. Vua bảo rằng: Hành vi của nó (Mỹ Đường) hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình Anh Duệ hoàng thái tử không nỡ làm tội, nay lại nghe kẻ bậy bạ xui khiến, muốn làm gì chăng? Liền sai thị vệ bắt về, phái binh canh giữ rồi tha.

Còn trong cuốn Chuyện các ông hoàng triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng, vua Minh Mạng giết chị dâu và giam cầm các cháu là nỗi đau của hoàng tộc. Song chuyện này có nhiều chi tiết hư hư thực thực không lấy làm chắc chắn. 

Ngay cả nhà sử học Trần Trọng Kim cũng thú nhận rằng: Việc ngài (Minh Mạng) giết chị dâu là bà vợ hoàng tử Cảnh và các cháu, thì không thấy sách nào chép cả, chỉ thấy một đôi người truyền ngôn như thế mà thôi. Việc ấy thực hư thế nào không rõ.

Ông Xuân còn cho biết, sách Đại Nam thực lục cũng có những điều khó hiểu. Ông đã đặt ra một số vấn đề như sau: Một người như Mỹ Đường xung quanh có biết bao thê thiếp trẻ đẹp, sao lại không thỏa mãn tính dâm dật mà lại đi thông dâm với mẹ? Nếu việc loạn luân ấy không may đã diễn ra thì diễn ra trong phòng the nơi công phủ kín đáo làm sao có người biết mà báo cho Lê Văn Duyệt? Phải chăng đây là thủ đoạn chính trị. Vua Minh Mạng dựng ra chuyện tội lỗi ấy để triệt dòng đích hoàng từ Cảnh? Việc làm này có liên quan đến sự kiện vua Minh Mạng cho làm lại gia phả nhà Nguyễn (phân biệt thân sơ, phiên hệ, đế hệ) không? Cho đến nay đây vẫn là nghi vấn chưa có lời giải?

Vua Tự Đức là con của ai?

Vua Tự Đức (tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh ngày 22/9/1829) là con thứ 2 của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng) và Phạm Thị Hằng (tức Đức Từ Dũ sau này). Với vị vua này, hậu thế vẫn luôn nghi vấn về chuyện: Ông là con của ai?

Sử sách ghi chép, tháng giêng năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông được chọn kế vị. Ngày 11/2/1841 thì đăng quang, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Phạm Thị Hằng được phong làm cung tần. Đến năm 1843, vua Thiệu Trị phong Nguyễn Phúc Hồng Bảo - con trai trường của vua với Quý nhân Đinh Thị Hạnh, tước An Phong công và cho ở tiền đế, chuẩn bị kế ngai vàng. Năm 1844, Thiệu Trị phong cho Hồng Nhậm tước Phúc Tuy công.

Tháng 9/1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, cho gọi Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào bảo: “Ta lo nghiệp lớn của tổ tông phó thác cho ta nên phải lựa chọn người để yên xã tắc. Trong mấy người con, Hồng Bảo tuy là con lớn, nhưng thứ xuất, mà lại kém cỏi ít học, ham chơi, nối nghiệp lớn không được. Con thứ hai là Phúc Tuy công thông minh ham học, giống in như ta đáng nối ngôi vua. Hôm trước ta đã phê vào chiếu để trong long đồng, các ngươi phải kính noi theo, đừng trái mệnh”. (Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr.343).

Đến tháng 11/1847, vua Thiệu Trị băng hà. Đình thần triều Nguyễn, đứng đầu là Thượng Đăng Quế, đã đưa Hồng Nhậm lên ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Việc "phế trưởng lập thứ" này từng gây xôn xao.

Liền sau đó, dư luận thời bấy giờ đã dấy lên thông tin cho rằng: Hồng Nhâm là con đẻ của Trương Đăng Quế hoặc Trương Đăng Quế tư thông với bà Phạm Thị Hằng, Hồng Nhậm là con đẻ của hai người. Hồng Nhậm lên ngôi là do Trương Đăng Quế sắp đặt. 

3-bi-an-chan-dong-cua-nha-nguyen-den-nay-van-chua-co-loi-giai-3
Vua Tự Đức

Trong cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, tác giả Yoshiharu Tsuboi có dẫn lời của Giáo sĩ Paul Gally trong bức thư gửi giáo sĩ Barrau của Hội Thừa sai Paris (15.1.1852), có đoạn viết: “Ông hoàng Bảo, cũng gọi là An Phong, với tư cách là trưởng nam của vua Thiệu Trị, tự nhiên đáng lẽ phải kế vị nhà vua... Nhưng ông Cai Trương, mà người ta thường gọi là Ông Quế, vị thượng thư đầy quyền lực ở triều đình đã cướp ngôi của ông, để dành cho con rể của ông ta là Tự Đức”.

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả thì cho biết: “Sử nhà Nguyễn chép về việc của An Phong quận vương quá vắn tắt, chứng tỏ thiếu minh bạch. Di chiếu đức Hiến Tổ (vua Thiệu Trị), tuy có chép trong Quốc triều chính biên, nhưng dính vào việc phế truất ông đương nhiên phải có đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ”.

Còn trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q.Thắng - Nguyễn Bá Thế: "Dư luận đương thời cho rằng Trương Quang Đản (con Trương Đăng Quế) là con vua Thiệu Trị, còn Tự Đức mới là con của Trương Đăng Quế tư thông với bà Từ Dũ”.

Những thông tin trên, có lẽ xuất phát từ một loạt các sự kiện liên quan đến việc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Hồng Bảo và Hồng Nhậm. 

Cuốn Vua trẻ trong lịch sử Việt Nam", tác giả Vũ Ngọc Khánh có lý giải: Ngày đăng quang, lấy niên hiệu là Tự Đức, chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Hồng Nhậm đã phải chứng kiến cảnh bi đát, anh trai là Nguyễn Phúc Hồng Bảo uất ức ngất (có tư liệu nói thổ huyết) giữa triều đường. Phái Hồng Bảo sau đó đã tung nhiều tin tức gây dư luận không hay cho Tự Đức như chuyện gây mối ngờ Tự Đức không phải là con vua Thiệu Trị, mà chính là con của Trương Đăng Quế. Bà vợ ông này chơi thân với bà Phạm Thị Hằng, đã tìm cách đánh tráo đôi trẻ sơ sinh, để đưa con họ Trương vào thế chỗ, giành ngai vàng.

Và cho đến nay, thực hư chuyện này ra sao vẫn chưa rõ? Vua Tự Đức là con ai thì vẫn là một bí ẩn?

Vua Bảo Đại là con ai?

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22/10/1913 tại Huế. Cha của Vĩnh Thụy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức Vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung sau này. 

Lịch sử ghi chép, vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ nhưng chỉ có 1 người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Theo một số nghiên cứu, vua Khải Định bất lực, không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông. Điều này đã gây ra nhiều đồn đại về việc ai là người cha thực sự của vua Bảo Đại?

Trong cuốn "Chuyện các bà trong cung", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Ông Phụng hóa Công Bửu Đảo vốn bị mang tiếng là bất lực. Vợ đầu của ông là bà phủ thiếp Trương Như Thị Tịnh không chịu nổi ông đã dứt áo đi tu.

Đến năm 1907, sau khi vua Thành Thái bị phế truất, người Pháp định đưa Bưu Đảo lên ngôi, nhưng ngặt một nỗi ông đã 23 tuổi mà vẫn không có con. Đình thần không muốn đặt lên ngai vàng một người vô hậu nên phải chấp nhận đưa Duy Tân là con vua Thành Thái lên ngôi vua.

Đến năm 1912, một chuyện lạ xảy ra, bà Hoàng Thị Cúc (Đức Từ cung) phủ thiếp của ông Phụng hóa Công có thai (sau sinh ra Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) và nhận là của ông hoàng. Sự kiện này đã dấy lên mối hoài nghi ngay bên trong hoàng tộc: Ai là tác giả của bào thai đó?

Để làm rõ trắng đen, bà Tiên cung (mẹ Bửu Đảo) và bà Thánh cung (chính thất của vua Đồng Khánh) đã sai đào một cái hố (sâu khoảng 2 tấc), bảo bà Cúc nằm sấp, để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố, rồi dùng roi đánh tra hỏi bà Cúc lấy ai mà vu cho ông Phụng hóa công. 

3-bi-an-chan-dong-cua-nha-nguyen-den-nay-van-chua-co-loi-giai-2
Vua Bảo Đại

Bà Cúc khi ấy cắn răng chịu đựng, chỉ đinh ninh một lời khai có mang với Bửu Đảo. Thế là các bà mừng rỡ công bố cho hoàng tộc biết Phụng hóa công sắp có con.

Song theo lời kể của một số nhân vật thân tín với hoàng tộc như  ông Phan Văn Dật và ông Ngũ đẳng Thị vệ Nguyễn Đắc Vọng, thì cái thai trong bụng cô Cúc không phải là của Phụng Hóa công, mà cô đã có thai với Hường Đ. từ trước.

Ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, được sự giúp đỡ của Bửu Dương, ông đã đọc 17 cuốn vở gồm 1.700 trang viết tay của thầy Ưng Đồng (con trai cụ Hường Đ) viết về lịch sử gia đình và họ hàng nhà mình. Qua tập di cảo đồ sộ ấy, ông đã lọc ra được một số chi tiết liên quan đến sự việc Vĩnh Thụy chính là con Hường Đ (Hường Để). Bửu Đảo đã nhờ hoàng thân Hường Đ. thuộc bậc ông, nhưng tuổi cùng trang lứa cháu giúp đỡ, san sẻ khó khăn không có con nối dõi, nên ông Hường Đ. đã ra tay giúp cháu.

Ở cuốn Bảo Đại hoàng đế cuối cùng, tác giả Lý Nhân Phan Thư Lang đã dẫn một số giả thuyết của ông Phạm Khắc Hòe (một cận thần của vua Bảo Đại): Vĩnh Thụy là con của hai người đầy tớ phục vụ trong gia đình Phụng hóa công, nam tên là Thừa Quang, nữ tên là Thị Út, sau đổi là Thị Cúc. Nhưng đó là một chuyện hoang đường, sai về cơ bản vì nó không để ý đến một sự thật là Vĩnh Thụy rất giống vua Khải Định. Vĩnh Thụy là con một ông quan to ở Bộ Lễ là Dương Quảng Lược, em ruột của mẹ Vua Khải Định và điều đó cắt nghĩa vì sao Vĩnh Thụy lại giống Khải Định… 

Tuy có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng vẫn chưa có lập luận nào đứng vững, chưa có tác giả nào dám khẳng định và cam kết mình biết rõ sự thật ai là cha đẻ của Bảo Đại. Trong khi đó, các đương sự có đủ thẩm quyền trả lời về vấn đề này đã trở thành người thiên cổ.

Xem thêm: Cái chết đầy nghi vấn sau 8 tháng đăng cơ của vị hoàng đế triều Nguyễn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận