Tỷ phú Warren Buffett: Hạnh phúc là khi ta cho đi
Warren Buffett là một trong những tỷ phú giàu nhất, là doanh nhân tài ba, nhà đầu tư thành công nhất thế giới và cũng là một nhà từ thiện hào phóng bậc nhất thế giới.
Trong bức thư gửi đến Quỹ The Giving Pledge Buffett chia sẻ "Trong suốt đời mình, những gì tôi chi tiêu chỉ chiếm dưới 1% những gì tôi kiếm được. 99% còn lại sẽ được dành cho người khác bởi chúng không hữu dụng với tôi" đây cũng là lý do xuyên suốt của một trong những người đàn ông hào phóng nhất thế giới tiếp tục làm từ thiện...
Warren Buffet là ai?
Warren Buffett tên thật là Warren Edward Buffett, sinh ngày 30/8/1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska, Mỹ. Ông được mệnh danh là vị "Hiền tài xứ Omaha", là doanh nhân, nhà đầu tư thành công nhất thế giới với những triết lý kinh doanh thiết thực và đắt giá. Ông được rất nhiều đồng nghiệp cũng như thế giới kính trọng vì luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh và sự kiện định trong triết lý đầu tư theo giá trị.
Buffett hiện đang là chủ tịch, CEO kiêm cổ đông lớn nhất của công ty cổ phần đa quốc gia Berkshire Hathaway. Vào năm 2020, tạp chí Forbes nếu danh ông là tỷ phú giàu thứ sáu thế giới, với tổng tài sản khoảng 88,6 tỷ USD. Trước đó vào năm 2007, Warren Buffett được tạp chí Time đưa vào danh sách "100 người có ảnh hưởng nhiều nhất thế giới".
Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ, Buffett là một người theo đuổi lối sống tiết kiệm, chỉ nhận tiền lương khoảng 100.000 USD theo số liệu của Forbes vào năm 2006. Buffett cũng nổi tiếng là một nhà từ thiện hào phóng, khi quyết định tặng 99% tài sản của mình cho từ thiện, thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates do bạn thân của ông là Bill Gates thành lập. Buffet từng nói: "Nếu bạn thuộc 1% may mắn nhất của nhân loại, bạn nợ phần còn lại của thế giới để nghĩ về 99% còn lại." Vị tỷ phú này luôn nghĩ rằng mình thành công phần nhiều là do may mắn, do đó ông muốn dùng hết khả năng của mình để giúp những người "kém may mắn" hơn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhen nhóm kinh doanh từ thời niên thiếu
Warren Buffett sinh ra trong gia đình có 3 người con, ông còn 1 chị gái và 1 em gái. Cha của ông là Howard Buffett, từng là nghị sĩ trong suốt 4 nhiệm kỳ ở Mỹ. Buffett tốt nghiệp tại trường Trung học Woodrow Wilson vào năm 1947, khi đó bố của ông vẫn đang làm việc trong Quốc hội.
Ngày từ khi còn nhỏ, Buffett đã rất ưa thích những con số và tỷ lệ, đồng thời có trí nhớ siêu việt khi có thể ghi nhớ dân số từ niên giám. Trong niên giám của mình, Buffett đã ghi rằng: "Thích toán, Nhà môi giới chứng khoán tương lai". Trong một lần ghé thăm New York, ước mơ kiếm tiền của Warren chính thức xuất hiện khi cậu chứng kiến câu chuyện về cuộn xì gà tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
Warren nhớ lại: "Sau bữa trưa, một người tiến đến với một chiếc khay có đủ các loại lá thuốc trên đó. Ông ấy vấn một điếu xì gà cho ông Mol, người mà trước đó đã chọn loại lá ông thích. Và tôi nghĩ ‘đây chính là điều mình muốn. Không thể tốt hơn được. Một điếu xì gà được làm theo ý người hút". Và khi ấy, Warren Buffett quyết định mình sẽ dành cả đời để kinh doanh.
Quả thực, Warren đã thể hiện mình rất có khiếu kinh doanh từ khi còn rất trẻ. Năm 6 tuổi, Buffett kiếm được khoản tiền đầu tiên nhờ việc bán nước ngọt: Cậu mua 6 chai Coca từ tiệm tạp hóa của ông nội với giá 25 cents, sau đó bán lại từng chai với giá 1 đồng nickel, lãi được 5 cent cho mỗi chai. Tiếp đó, Warren liên tục thử nhiều công việc khác, từ việc bán kẹo cao su, nước ngọt cho tới giao báo, bán bộ sưu tập tem hoặc tiền xu... để có tiền. Khoảng 5 năm sau đó, Buffett bắt đầu bước chân vào giới kinh doanh thực sự.
Theo The balance, ở độ tuổi 11, Buffett mua 3 cổ phiếu của Cities Service Preferred với giá 38 USD. Ngay sau khi mua, số cổ phiếu này giảm xuống còn hơn 27 USD khiến Buffett khá lo lắng. Thế nhưng, cậu đã quyết định giữ lại và đợi đến khi chúng tăng lên mức 40 USD và lập tức bán đi. Thế nhưng đây lại là một trong những sai lầm đầu tiên mà Warren gặp phải, bởi cổ phiếu sau đó đã tăng vọt lên 200 USD. Sự việc này đã dạy Warren Buffett một trong những bài học đầu tiên về đầu tư, đó là Kiên nhẫn là đức tính tốt.
Đến khi học trung học, Warren đã cùng một người bạn của mình - Don Danley đầu tư mua lại một chiếc máy Pinball để bắt đầu dự án kinh doanh lớn hơn. Vào thời điểm đó, những máy trò chơi lăn bi Pinball rất thịnh hành, và Warren đã nhanh chóng nhận ra cơ hội từ nó.
Hai người góp tiền mua lại chiếc máy Pinball cũ với giá 25 USD, sau đó thỏa thuận với chủ tiệm cắt tóc gần đó là Frank Erico để có thể đặt chiếc máy ở phía sau cửa hàng cho khách chơi trong lúc chờ đợi. Chiếc máy đã lập tức thành công, thu về 4 USD trong ngày đầu tiên. Sau đó, cặp đôi tiếp tục đầu tư số tiền ấy vào nhiều chiếc máy hơn, và chỉ trong vòng 1 tháng, họ đã đặt tới 3 máy như vậy ở 3 vị trí khác nhau.
Buffett nhanh chóng trở thành "Vị vua Pinball" khi đặt vô số máy chơi ở những tiệm cắt tóc khắp thị trấn. Sau 1 năm, cậu quyết định bán mảng kinh doanh này với giá hơn 1.000 USD. Trải qua nhiều công việc kinh doanh khác nhau, đến khi tốt nghiệp trung học, Warren Buffett đã sở hữu một gia tài nhỏ trị giá 5.000 USD (khoảng 55.000 USD ở thời điểm hiện tại).
Nghỉ học vì nói rằng mình biết nhiều hơn giáo sư đại học
Năm 1947, nghe theo lời khuyên của cha, Warren Buffett đăng ký theo học tại trường kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, anh chỉ đi học ở đây 2 năm và phàn nàn rằng mình biết nhiều hơn các giáo sư đại học tại đây. Đến năm 1948, ông trở về Ohama, theo học Đại học Nebraska Lincoln và tốt nghiệp Cử nhân khoa Quản trị Kinh doanh.
Sau đó, anh đăng ký theo học tại Harvard nhưng không may bị từ chối. Thế nhưng, chính điều này đã tạo cơ hội cho ông được gặp Benjamin Graham, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất với ông. Cuốn sách "Nhà đầu tư thông minh" của Graham đã tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm trí Warren, đặc biệt là triết lý "đầu tư giá trị" đã trở thành chìa khóa thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Warren đến New York, đăng ký học tại trường kinh doanh Columbia nơi Graham đang giảng dạy. Tại đây, Warren có cơ hội được tham gia những lớp học kinh doanh do Benjamin Graham và David Dodd giảng dạy, và nhanh chóng trở thành sinh viên đứng đầu lớp. Năm 1951, Warren tốt nghiệp và lấy bằng thạc sĩ khoa học kinh tế.
Dù mong muốn theo làm tại công ty của Graham, nhưng Warren Buffett lại bị giáo sư từ chối. Thậm chí, Graham còn khuyên rằng Buffett nên tránh xa khu Phố Wall (Wall Street).
Từng bước xây dựng sự nghiệp
Sau khi có được tấm bằng thạc sĩ, Warren trở về quê nhà và làm nhân viên kinh doanh mảng đầu tư tại công ty Buffett-Falk & Co của cha anh vào năm trong 3 năm. Vào năm 20 tuổi, anh đã tích lũy cho mình một khoản tiền gần 10.000 USD.
Vào năm 1951, trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ, Warren Buffett đã gặp gỡ và nói chuyện với phó chủ tịch Lorimer Davidson của GEICO. Hai người đã bàn luận về ngành bảo hiểm rất lâu, và ấn tượng của Davidson về Warren là "đây hẳn là một siêu nhân". Sau này, Warren và Davidson đã trở thành bạn tri âm, và ông cũng có rất nhiều ảnh hưởng tới Warren. Sau đó, Warren theo học một khóa thuyết trình ở trường Dale Carnegie và quyết định thử sức với lĩnh vực mới. Anh dạy lớp "Nguyên lý đầu tư" vào buổi tối ở đại học Nebraska, nơi mà đa số học viên có tuổi đời gần gấp đôi vị giảng viên này.
Sau chuyến gặp gỡ ấy, Buffett đã quyết định đầu tư vào GEICO với 65% tài sản, và đây cũng là lần đầu tiên anh mạo hiểm với cách đầu tư "bỏ trứng vào một giỏ". Rất may, niềm tin của Buffett vào GEICO đã không hề sai lầm, bởi chỉ 1 năm sau đó, tổng số vốn đã tăng lên tới 50%. Đây chính là lúc mà Buffett rút ra bài học lớn về đầu tư, trở thành một phần trong những triết lý đầu tư nổi tiếng sau này. Anh nhận ra rằng, đầu tư dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn, và quả thực đến năm 1995, Buffett đã hoàn toàn sở hữu GEICO với số tiền là 2,3 tỷ USD.
Đến năm 1954, do Graham bất ngờ thay đổi suy nghĩ, Warren được mời tới làm việc tại công ty Graham-Newman Corp. tại New York. Mức lương khởi điểm khi đó của anh là 12.000 USD/năm với vai trò là chuyên viên phân tích chứng khoán. 2 năm sau đó, công ty của Graham giải thể và Warren trở về quê nhà lập nghiệp.
Với số tiền tích cóp được là 140.000 USD, Warren quyết định thành lập công ty Buffett Partnership Ltd. Anh làm chủ công ty từ năm 1956 và tới năm 1957, anh đã điều hành tới 3 công ty, mua một căn nhà trị giá 31.500 USD tại Omaha và vẫn còn ở tại đây tới bây giờ. Đến năm 1957, Warren đã nắm giữ trong tay 5 công ty khác nhau.
Buffett quan niệm rằng: "Sẽ tốt hơn nhiều nếu ta mua được một công ty tuyệt vời với mức giá vừa phải so với việc mua một công ty vừa phải với một mức giá tuyệt vời." Và cứ thế, tới năm 1959, tổng số công ty Buffett điều hành đã lên đến 7, bao gồm Buffett Associates, Buffett Fund, Dacee, Emdee, Glenoff, Mo-Buff and Underwood. Sau đó, Buffet đã có một bước đi vô cùng táo bạo, đó là sáp nhập tất cả các công ty lại và đầu tư vào công ty sản xuất dệt may Berkshire Hathaway. Anh bắt đầu mua cổ phần của công ty này vào những năm đầu 1960 và rất nhanh chóng nắm quyền kiểm soát công ty. Vào năm 1962, Warren Buffett đã trở thành triệu phú.
Áp dụng lý thuyết của Graham, Warren cho rằng khi kinh doanh tiến triển thì nó sẽ trở thành khoản đầu tư dài hạn. Lợi nhuận từ việc kinh doanh sản phẩm dệt may được dùng để đầu tư cho những lĩnh vực khác. Dù vậy, sau này Buffet cũng cho rằng việc mua lại Berkshire là một trong những khoản đầu tư sai lầm nhất của ông. Bởi vì ngay cả khi sau này ông đã phát triển Bershire Hathaway lên tầm cao mới, ngành dệt may vẫn gần như không có cơ hội phát triển và liên tục thua lỗ.
Đến năm 1967, Warren bắt đầu mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh khác và mua các công ty ở các ngành nghề khác nhau như bảo hiểm, tài chính, bán lẻ,... Trong đó phải kể đến công ty bán lẻ Nebraska Furniture Mart, See’s Candies, chuỗi cửa hàng kem Dairy Queen, nhà sản xuất nội y Fruit of the Loom, hãng đường sắt Burlington Northern,...
Vào cuối thập niên 1960, Warren Buffett tiến hành chuyển đổi công Berkshire Hathaway sang lĩnh vực bảo hiểm. Tới năm 1985, nhà máy dệt may cuối cùng đã bị bán tháo, chấm dứt sự nghiệp của một "ông lớn" ngành công nghiệp sợi với doanh thu trên dưới 120 triệu USD.
Sự bùng nổ của nhà tỷ phú mới
Warren Buffett trở thành tỷ phú khi công ty Berkshire Hathaway bắt đầu bán cổ phiếu hạng A vào ngày 29/5/1990, với giá thị trường đóng cửa ở mức 7.175 USD/ cổ phiếu. Để làm được điều đó, Buffett đã có những bước đi táo bạo và từng bước ghi dấu ấn là nhà đầu tư tài ba bậc nhất thế giới.
Năm 1973, Berkshire bắt đầu mua cổ phần của Công ty Washington Post. Buffett trở thành bạn thân với Katharine Graham, người quản lý công ty cũng như tờ báo hàng đầu Washington Post và tham gia hội đồng quản trị.
Tới năm 1977, Bershire gián tiếp mua Buffalo Evening News với giá là 32,5 triệu USD. Lo ngại tình trạng độc quyền, đối thủ của tờ báo này là Buffalo Courier-Express đã làm đơn kiện. Điều này đã khiến cả 2 tờ báo đều mất tiền, cho đến khi Courier-Express hủy bỏ vào năm 1982.
Sau đó, Bershire tiếp tục thu mua cổ phần của ABC vào năm 1979. Vào năm 1985, Capital Cities thông báo mua lại ABC với giá 3.5 tỷ USD, gây bất ngờ cho ngành truyền thông bởi ABC lớn hơn Capital Cities tới 4 lần thời điểm đó. Hóa ra, Buffett đã hỗ trợ tài chính cho thương vụ này, đổi lại là sở hữu 25% cổ phần của công ty kết hợp. Hai công ty sáp nhập và lấy tên là Capital Cities/ABC (hoặc CapCities/ABC). Khoản đầu tư này đã nhanh chóng trở thành một món hời khổng lồ khi Capital Cities/ABC được Disney mua lại với giá 19 tỷ USD vào năm 1996.
Không chỉ dừng lại ở đó, Berkshire Hathaway tiếp tục mua 12% cổ phần của Salomon Inc vào năm 1987 và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Năm 1991, Buffett tiếp nhận vị trí chủ tịch của Salomon Inc khi công ty xảy ra khủng hoảng cho đến khi cuộc khủng hoảng qua đi.
1 năm sau đó, Buffett tiếp tục đầu tư mua cổ phiếu Coca-Cola và nhanh chóng sở hữu 7% cổ phần của tập đoàn này. Khoản đầu tư 1 tỷ USD đã tăng gần 16 lần sau 27 năm, lợi nhuận hàng năm là khoảng 11%.
Với Warren Buffett, thập niên 80 là quãng thời gian bùng nổ nhất trong sự nghiệp. Ước tính vào năm 1982, tài sản ròng của Buffett là 376 triệu USD, con số này đã tăng gấp đôi vào năm 1983 lên thành 620 triệu USD. Đến năm 2008, với số tài sản ròng ước tính là 62 tỷ USD, Warren Buffett trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua cả Bill Gates - người đã giữ vị trí số 1 trong suốt 13 năm và là bạn thân của Warren.
Vì sao tỷ phú Warren Buffett làm từ thiện?
Dù là một tỷ phú, Buffett nổi tiếng là một người tiết kiệm, ông vẫn sống ở ngôi nhà cũ, không dùng điện thoại đắt tiền, thích di chuyển bằng phương tiện công cộng. Bên cạnh những triết lý đầu tư nổi tiếng, Warren Buffett cũng được biết đến như là một nhà từ thiện hào phóng bậc nhất. Ông cam kết trao tặng 99% tài sản của mình cho Quỹ từ thiện do Bill Gates sáng lập, đồng thời góp phần trong Hội đồng Đại học Grinnell.
Một trong những ý tưởng từ thiện lâu dài của Warren là "Bữa ăn quyền lực". Đây là ý tưởng do vợ cũ của ông nghĩ ra, và vẫn được tiếp tục tổ chức ngay cả khi bà đã qua đời. Thông qua trang mạng eBay, người dùng toàn thế giới sẽ được phép tham gia đấu giá một bữa ăn trưa với Warren Buffet, cùng dùng bữa tại nhà hàng bít tết New York's Smith and Wollensky. Người chiến thắng có thể mời tối đa 7 người bạn, được thảo luận và trò chuyện với Buffett về bất cứ chuyện gì, chỉ trừ về các kế hoạch đầu tư sắp tới của ông. Thời gian điểm hẹn sẽ do Buffett hẹn riêng với người thắng cuộc.
Kể từ buổi đấu giá đầu tiên, giá trị của bữa ăn này đã tăng chóng mặt tới 1.282%, thu về khoảng 23,6 triệu USD. Số tiền đấu giá được trao cho Glide, một tổ chức từ thiện tại San Francisco để hỗ trợ thức ăn, y tế và các dịch vụ khác cho người nghèo, người vô gia cư. Ngay cả nhà hàng New York's Smith and Wollensky cũng tham gia quyên góp, thường ít nhất 10.000 đô la cho Glide mỗi năm.
Năm 2010, Buffett cũng Gates lập ra quỹ "Cam kết cho đi" (Gates-Buffett Giving Pledge), theo đó cam kết dành tặng ít nhất 50% số tài sản của mình cho từ thiện. Từ đó đến nay đã có khoảng 150 người thực hiện cam kết này, trong đó có CEO Facebook là Mark Zuckerberg.
Năm 2016, Buffett tự phá kỷ lục từ thiện của mình khi ủng hộ lượng cổ phiếu trị giá 2.89 tỷ USD cho nhiều tổ chức từ thiện khác nhau, bao gồm cả quỹ Bill & Melinda Gates Foundation. Năm 2018, Buffett quyên góp gần 3,4 tỷ USD cho từ thiện. Không chỉ vậy, Warren còn ủng hộ và tài trợ nhiều quỹ từ thiện cá nhân khác của gia đình như Quỹ Susan Thompson Buffett của Susan Buffett, Quỹ Sherwood của Susan Alice Buffett,...
Tỷ phú này từng nói rằng: "Trong suốt đời mình, những gì tôi chi tiêu chỉ chiếm dưới 1% những gì tôi kiếm được. 99% còn lại sẽ được dành cho người khác bởi chúng không hữu dụng với tôi". Quả thực, theo thống kê của Tạp chí Forbes, trong khoảng 5 năm từ năm 2014-2018, ông đã quyên góp gần 15 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện. Phần lớn số tiền của ông được quyên góp cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation.
Warren ý thức rất rõ lý do mình trở thành tỷ phú, và đó là động lực khiến ông quyết định dành hầu hết tài sản của mình để làm từ thiện. Trong bức thư gửi quỹ The Giving Pledge (Cam kết cho đi), Warren đã nói rằng:
"... Tài sản kếch xù của tôi đến từ việc được sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhiều may mắn và lãi kép. Cả tôi và con tôi đều trúng thưởng cái mà tôi gọi là 'xổ số đầu thai' (gốc: ovarian lottery). (Chẳng hạn, tỷ lệ chống lại việc tôi sinh ra vào năm 1930 tại Mỹ ít nhất là 30 trên 1. Việc tôi là nam giới và da trắng cũng loại bỏ những trở ngại lớn mà đa số người Mỹ phải đối mặt khi đó.)
May mắn của tôi được thể hiện bởi việc tôi đã sống trong một hệ thống thị trường đôi khi tạo ra những kết quả sai lệch, mặc dù về tổng thể nó phục vụ tốt cho đất nước. Tôi đã làm việc trong một nền kinh tế mà họ sẽ thưởng cho người cứu mạng người khác trên chiến trường bằng huy chương, thưởng cho một giáo viên tuyệt vời với những lời cảm ơn từ cha mẹ, nhưng thưởng cho những người có thể phát hiện ra việc định giá sai chứng khoán bằng những khoản tiền tỷ đô. Có thể nói, sự phân định của số phận luôn vô cùng thất thường.
Cũng vì thế, phản ứng của gia đình tôi và tôi với khối tài sản khổng lồ này không phải là cảm giác tội lỗi, mà là lòng biết ơn. Nếu chúng tôi sử dụng hơn 1% những gì tôi kiếm được vì bản thân, thì hạnh phúc và sức khỏe của chúng tôi cũng không được cải thiện gì. Ngược lại, 99% phần còn lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và phúc lợi của người khác. Chính thực tế đó đặt ra một lối đi rõ ràng cho tôi và gia đình: Giữ tất cả những gì chúng ta thật sự cần và chia sẻ phần còn lại cho xã hội, cho nhu cầu của xã hội. Lời cam kết của tôi sẽ dẫn lối cho mọi người đi theo con đường đó."
Cuộc sống hôn nhân khá phức tạp với vợ cũ
Vào năm 1952, Warren Buffett kết hôn với Susan Thompson, hay còn gọi là Susie. Vợ chồng ông có 3 người con, đặt tên là Susan, Howard, và Peter. Ban đầu, cuộc sống hôn nhân không hề dễ dàng với cặp đôi trẻ, họ sống khiêm tốn trong căn hộ 3 phòng ngủ với giá thuê 65 USD/tháng. Đây là thời điểm mà Warren bắt đầu thành lập công ty.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữ Buffett và vợ có diễn biến khá phức tạp. Dù không ly hôn, nhưng tới năm 1977, Susan rời Warren với lý do theo đuổi sự nghiệp riêng và chuyển ra ở riêng. Họ không bao giờ ly dị, vẫn kết hôn hợp pháp cho đến khi Susan qua đời vào năm 2004.
Trong suốt thời gian đó, cả hai người vẫn là người bạn thân thiết, thường xuyên trò chuyện với nhau qua điện thoại, thậm chí đi nghỉ với nhau. Theo một số nguồn tin, Susie chính là người đã mai mối Buffett với Astrid Menks, một người phục vụ bàn mà sau này đã trở thành vợ của ông. Tới năm 2006, 2 năm sau khi Susie qua đời, Buffett và Menks kết hôn.
Tới năm 2012, Warren Buffett được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, rất may đã điều trị khỏi sau đó.
Khi được hỏi về khoản thừa kế dành cho các con của mình, Buffett cho hay: "Tôi sẽ cho các con mình đủ tiền để chúng cảm thấy có thể làm mọi thứ, nhưng không quá nhiều để chúng không làm gì cả".
Năm 1999, Warren Buffett có tên trong danh sách những nhà quản lý tài ba nhất thế kỉ 20 do hãng Carson thực hiện. Năm 2007, ông lọt vào danh sách "100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới" của Tạp chí Times.
Năm 2011, ông vinh dự được Tổng thống Barack Omaba trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận