Vì sao Melinda Gates được gọi là "Bồ Tát của nhân loại"?
Là vợ của tỷ phú giàu bậc nhất thế giới, Melinda Gates hoàn toàn có thể chọn cuộc sống nhung lụa, sung sướng. Thế nhưng, bà đã quyết định chọn cuộc sống tâm huyết với từ thiện, để được mệnh danh "Bồ Tát của nhân loại"?
Người phụ nữ tỷ đô mà Bill Gates suốt đời theo đuổi
Tên thời con gái của Melinda Gates là Melinda French, bà sinh ra trong một gia đình trung lưu gồm 4 anh chị em tại Dallas, Texas, Mỹ. Hè năm 1986, Melinda khoảng 22 tuổi, vừa tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin và kinh tế tại trường ĐH Duke, đã xin việc vào công ty Microsoft. Khi ấy, Microsoft chỉ vừa thành lập không lâu, nhưng Melinda đã có linh cảm tốt về công ty ấy: "Khi đến phỏng vấn xin việc, tôi chỉ nghĩ mình nhất định sẽ làm ở đây nếu trúng tuyển. Công ty này sẽ thay đổi thế giới".
Sau khi vào làm tại Microsoft, Melinda đảm nhiệm vị trí quản lý tiếp thị sản phẩm tiền thân của Microsoft Word. Dù làm việc với vô số đồng nghiệp xuất sắc, Melinda không hề tỏ ra nao núng. Thế nhưng, cung cách làm việc cứng nhắc và môi trường làm việc căng thẳng đã khiến cô nghĩ tới việc rời khỏi Microsoft.
Thế nhưng, cuộc gặp gỡ bất ngờ vào khoảng 4 tháng sau đó giữa Melinda và Bill Gates đã làm thay đổi hoàn toàn mọi chuyện. Sau chuyến công tác cho một cuộc triển lãm máy điện toán cá nhân, cô đi ăn tối cùng đồng nghiệp, và tình cờ được xếp ngồi ngay cạnh ông Bill Gates, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Ðốc Chấp Hành Công ty. Melinda cảm thấy Bill Gates hỏm hỉnh và vui tính hơn cô nghĩ, còn nhan sắc xinh đẹp cùng sự thẳng thắn, độc lập của Melinda đã hớp hồn ông.
Sau đó, Melinda gặp lại Bill tại bãi đậu xe của công ty. Hai người đứng nói chuyện hồi lâu rồi Bill hẹn mời cô đi chơi sau 2 tuần lễ nữa. Melinda hóm hỉnh trả lời là hẹn như thế thì xa quá, vậy đến gần ngày đó hãy gọi lại cho cô. Thế nhưng, chỉ khoảng 1 tiếng sau, Bill đã gọi lại cho cô và mời cô đi chơi. Buổi hẹn đầu của hai người đã diễn ra ngay sau đó, khi Bill vừa kết thúc một cuộc họp. Thời điểm đó, Microsoft vừa trở thành công ty có cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán được 1 năm, còn Bill Gates vừa trở thành tỉ phú.
Ban đầu, gia đình Melinda tỏ ý không vừa lòng, bởi họ lo rằng việc hẹn hò với một CEO công ty không phải chuyện tốt. Bill từng trả lời với báo chí rằng: "Tôi phải chinh phục cô ấy vất vả lắm và tới giờ tôi vẫn phải không ngừng quá trình ấy". Cả hai bỏ qua việc đó, đề nghị đồng nghiệp và gia đình tôn trọng mối quan hệ, sau cùng quyết định kết hôn bí mật vào năm 1994, 7 năm sau khi hẹn hò. Hơn 1 năm sau đám cưới, khi đang mang thai con đầu lòng, Melinda đã khiến Bill Gates ngạc nhiên khi quyết định ở nhà chăm con.
Sau này, Melinda chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi nói 'Anh biết đấy, anh không thể vừa làm CEO vừa cật lực làm những việc sẽ phải làm khi có con. Chúng ta không muốn con cái mình lại do người khác nuôi dạy. Nếu muốn bọn trẻ có những giá trị sống như chúng ta có, thì một người phải ở nhà". Hai người sau đó có tổng cộng 3 người con, 2 gái và 1 trai.
Hành trình xây dựng Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates
Sau khi nghỉ việc tại Microsoft, Melinda Gates bắt đầu dành thời gian đi đây đó nhiều hơn, để có thể quan sắt mọi mặt cuộc sống. Khi trở về, bà thường kể cho chồng nghe mọi chuyện, từ những người phụ nữ bất hạnh ở làng quê Ấn Độ cho tới những đứa trẻ đói ăn ở châu Phi.
Thực ra, ngay sau khi kết hôn, vợ chồng Bill Gates đã "manh nha" làm từ thiện, nhưng không phải điều gì quá to lớn, chẳng hạn như việc tặng máy tính xách tay cho các ngôi làng ở khu vực cận sa mạc Sahara. Thế nhưng, Melinda và Bill nhanh chóng nhận ra, những người dân nghèo đói nơi đây cần thức ăn để sinh sống và thuốc men để chữa bệnh hơn là phần mềm Windows xa xỉ và chiếc laptop đắt tiền.
Do đó, hai vợ chồng quyết định tìm hiểu về các bệnh lây lan do ký sinh trùng, về hệ miễn dịch, về cách phòng bệnh,... Melinda chia sẻ: "Bạn không thể nói về chuyện tài trợ cho thuốc chống sốt rét nếu như bạn không hiểu rõ chu trình sống của con muỗi. Làm từ thiện không chỉ đơn giản là ký séc chi tiền". Quả thực, Melinda đã quyết định lựa chọn một cuộc sống rất khác, khác rất nhiều so với danh tiếng là người vợ của vị tỷ phú giàu có nhất thế giới khi đó.
Melinda kể lại, sau khi kết hôn, hai vợ chồng đã quyết định sẽ chia sẻ số tài sản đồ sộ của mình với người khác khi về già. Điều đó đã phát triển thành thứ gì đó vĩ đại hơn, sau chuyến thăm châu Phi lần đầu vào năm 1993. Melinda kể lại: "Chúng tôi không thể nào tận hưởng thiên nhiên hoang dã vì thấy mọi người đi chân đất, những phụ nữ vừa bế con vừa xách nước đi hàng cây số và bởi lời mời từ một bộ lạc về việc dự buổi lễ cắt âm vật...
Khi trở về nhà, chúng tôi tìm đọc các báo cáo về phát triển thế giới năm 1993 và không khỏi giật mình. Hàng loạt trẻ em đang chịu chết chỉ vì căn bệnh tiêu chảy và những loại bệnh cơ bản mà trẻ con ở nước chúng tôi đã được tiêm vắc-xin. Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm cho việc đó, càng tìm hiểu thì chúng tôi càng thấy không thể trì hoãn thêm nữa vì bệnh tật không chờ đợi ai. Tôi quyết định đi vòng quanh thế giới để xem điều gì đang xảy ra..."
Với mong muốn thay đổi thế giới, giúp đỡ những số phận bấp bênh, cả hai đã quyết định thành lập Quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates vào năm 2000. Mục tiêu của quỹ này là để phục vụ toàn cầu, trong nhiều lãnh vực như giáo dục khi thiết lập các hệ thống thư viện trên mạng, về y tế khi chú trọng tới việt diệt trừ các chứng bệnh gây tử vong nhiều nhất cho con người, tài trợ cho việc tiêm chủng, nghiên cứu tìm thuốc chữa các chứng bệnh hiểm nghèo. Quỹ này cũng kỳ vọng sẽ chấm dứt nạn nghèo đói bằng việc hỗ trợ tiền bạc cho các cơ sở cho vay giúp dân nghèo buôn bán, tìm kế sinh nhai.
Khi nói về Quỹ Từ thiện Bill and Melinda Gates (BMGF), bà Melinda Gates chia sẻ: "Chúng tôi chú trọng nhiều đến những chứng bện gây tác hại nhiều nhất cho con người để có thể cứu được thật nhiều người. Vì vậy, chẳng hạn vào năm 2006, người ta hi vọng Hiệp hội đối tác với học viện nhận trợ giúp của chúng tôi sẽ đưa một thứ thuốc đầu tiên có thể chữa trị chứng bệnh 'kala azar', còn gọi là bệnh sốt đen tới những nơi như Ấn Độ và Bangladesh. Chúng ta có thể cứu được đến 200,000 mạng sống mỗi năm, nếu có thể đưa thứ thuốc này đến những nơi đó với một giá rẻ hơn rất nhiều so với những thứ thuốc hiện có bây giờ".
Khi nhắc về BMGF, người ta thường coi Bill là bộ mặt của Quỹ, và quả thực trong thời gian đầu thành lập thì Bill là người giữ quyền chính. Melinda hồi tưởng: "Tôi ở nhà chăm con nên phải bắt đầu lại sự nghiệp. Có lúc tôi cảm nhận được rõ ràng sự phân biệt - đặc biệt là trong cuộc họp, tôi thì lặng lẽ còn Bill năng nổ, hay khi người chúng tôi gặp chỉ quan tâm Bill mà chẳng chú ý gì tôi". Rất may, vợ chồng Gates đã nhanh chóng phản hồi, trao đổi với nhau về vấn đề này, và đồng ý rằng cần có sự bình đẳng vai trò của cả hai trong công việc Quỹ. Nhờ đó, cái tên Melinda ngày càng có trọng lượng hơn, bà dần trở thành người quán xuyến và quản lý công việc, và Quỹ BMGF ngày càng có ảnh hưởng hơn trước.
Điều hành Quỹ từ thiện lớn nhất nhì lịch sử
Ban đầu, Quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates nhận phải một số chỉ trích từ giới báo chí do thời điểm đầu họ tập trung vào việc cung cấp thiết bị công nghệ, một cách thức khá thiếu thực tế. Thế nhưng, Melinda đã nhanh chóng nhận ra rằng, chỉ trang bị cơ sở vật chất hiện đại không thể giải quyết những vấn đề giảng dạy, nên sau này Quỹ đã chuyển mục tiêu chính sang phổ cập giáo dục.
Dưới ảnh hưởng và sự quản lý Melinda, quỹ BMGF đã mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực y tế. Khoản tiền đầu tư lớn đầu tiên mà vợ chồng họ quyết định đầu tư là nghiên cứu vắc xin. Trong hồi ký "The Moment Of Lift: How Empowering Women Changes The World" của mình, Melinda Gates kể về một kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến công quỹ ở Malawi: Khi ấy, có rất nhiều bà mẹ xếp hàng ngoài trời nắng nóng để tiêm vaccine cho con mình. Melinda đã hỏi một bà mẹ trẻ rằng: "Bạn đang đưa những đứa con xinh đẹp này của mình tới để tiêm phòng ư?". Cô ấy đáp: "Thế còn mũi tiêm dành cho tôi thì sao?"
Điều đó đã khiến Melinda rất ấn tượng, bởi bà biết rõ thứ vắc xin mà bà mẹ trẻ nhắc đến là gì. Cô ấy đang nói về Depo-Provera, một phát tiêm tránh thai có tác dụng kéo dài. Nhờ cuộc gặp gỡ này và vô số cuộc nói chuyện khác với các bà mẹ trẻ, bên cạnh việc cung cấp vắc xin cho trẻ, Melinda cũng hướng tới quan tập việc kế hoạch hóa gia đình. Dù đã mất nhiều năm để thực hiện điều đó, nhưng bà đã làm được. Melinda chia sẻ: "... Các biện pháp tránh thai là sự đổi mới tuyệt vời nhất từng được sáng tạo ra nhằm giúp xóa đói giảm nghèo, đem lại sức mạnh cho người phụ nữ và cứu sống nhiều mạng người."
Vào năm 2006, Quỹ BMGF có khoảng 31,9 tỷ USD vốn, còn đến năm 2018, quỹ đã có nguồn vốn lên tới 46,8 tỷ USD. Trong suốt thời gian đó, vợ chồng Gates đã quyên góp khoảng 36 tỷ USD. Cả Bill và Melinda đều cam kết sẽ trao tặng tới 95% tài sản khổng lồ của mình cho quỹ từ thiện này. Sau đó, bạn thân của Bill Gates, tỷ phú Warren Buffet cũng đã cam kết đóng góp vào khoảng 300,7 tỷ USD bằng cổ phần cho tổ chức này, biến đây thành tổ chức từ thiện lớn nhất nhì lịch sử.
Đầu năm 2018, BMGF đã ủng hộ cho Liên minh Vaccine và Miễn dịch toàn cầu (Gavi) khoảng hơn 700 triệu USD, biến đây thành một trong những khoản ủng hộ cá nhân lớn nhất lịch sử. Trước đó, Melinda cùng chồng đã tài trợ tiền để tiêm phòng viêm gan siêu vi B cho khoảng 43 triệu trẻ em, giảm 39% tỷ lệ trẻ em bị sở. Quỹ cũng chi mạnh cho các dự án khoa học nghiên cứu vắc xin và thuốc, trong đó phải kể đến chương trình trị giá 35 triệu USD thử nghiệm vaccine phòng sốt rét tại Zambia.
Y tế là một trong những lĩnh vực được Quỹ BMGF quan tâm nhiều nhất, họ thường liên kết với những nhà bán thuốc, trợ cấp tài chính cho việc nghiên cứu để có thể hạ giá thuốc cho những nước nghèo. Điều này cũng đồng thời tạo đà phát triển mới cho ngành y học phòng bệnh tại các nước kém phát triển vốn bị chững lại từ những năm 1990. Thể hiện rõ nét nhất là sự thành lập Công ty Vaccine HIV, công ty liên kết các nhà nghiên cứu với ngân sách 400 triệu USD.
Đáng chú ý, trong năm 2020, trước sự bùng phát và lây lan mạnh mẽ của COVID-19, Quỹ Bill & Melinda Gates đã quyết định tài trợ 150 triệu USD cho việc phát triển các phương thức chẩn đoán, liệu pháp điều trị, nghiên cứu vaccine và góp phần hỗ trợ các đối tác ở châu Phi và Nam Á để nỗ lực phát hiện, cách ly và điều trị. Trước đó, vợ chồng Gates cũng đã ủng hộ 100 triệu USD để khởi động các dự án khoa học và y tế công, tìm kiếm giải pháp phát triển vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng... Bà Melinda Gates phát biểu: "Chúng ta có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu này với tinh thần đoàn kết quốc tế."
Người phụ nữ quyền lực nhưng thầm lặng
Trong suốt những năm qua, Melinda Gates đã luôn sát cánh cùng người chồng tỷ phú Bill Gates, trở thành người đóng vai trò không thể thay thế. Bà chính là người đã tác động đến Bill Gates để thành lập ra Quỹ Bill & Melinda Gates, năng nổ tham gia các hoạt động từ thiện và thiện nguyện. Tỷ phú Warren Buffett, bạn thân của cặp vợ chồng Gates từng tuyên bố: "Bill rất cần có Melinda... Bill dĩ nhiên là quá thông minh rồi, nhưng nhìn toàn cảnh thì có thể thấy Melinda còn thông minh hơn nữa".
Những đứa trẻ nhà Gates cũng được phụ huynh cho phép tham gia các hoạt động từ thiện cùng bố mẹ ở Châu Phi. Bill và Melinda Gates cũng từng gây sốc khi quyết định không dành phần lớn tài sản của mình cho con cái, thay vào đó là sẽ quyên góp tới 95% cho quỹ từ thiện. Melinda chia sẻ: "Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đới n trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Con chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Tất nhiên không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được, mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật hay tương tự mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền". Ngay cả 3 người con của Bill và Melinda cũng nói rằng họ rất tự hào về quyết định này của bố mẹ.
Hiện tại, Melinda Gates đã trở thành nhà đồng sáng lập và chủ tịch Quỹ từ thiện lớn nhất nhì thế giới, được tạp chí Forbes công nhận là 1 trong 10 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà thường xuyên trả lời phỏng vấn về các vấn đề trong nước và quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Vào năm 2005, Melinda và Bill Gates cùng được đề cử giải Nhân vật của năm do báo Times tổ chức. Đến năm 2013, vợ chồng Gates cùng được Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ trao tặng Huy chương Phúc lợi công cộng.
Tháng 11/2016, Melinda Gates được Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, giải thưởng dân sự cao nhất tại Mỹ vì vấn đề chăm sóc sức khoẻ và góp phần giải quyết nghèo đói ở Mỹ cũng như ở nước ngoài. Melinda tâm sự: "Khi tôi chết đi, tôi muốn mọi người nghĩ rằng tôi là một bà mẹ tuyệt vời, một thành viên trong gia đình tuyệt vời, và một người bạn tuyệt vời. Tôi quan tâm đến những điều đó hơn bất cứ điều gì khác".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận