Vì sao người tài cũng khổ, mà bất tài cũng khổ, chỉ có ai vững chân tâm mới an lành?
Có một thực tế rằng, người tài cũng khổ, mà bất tài cũng khổ, chỉ có ai vững chân tâm mới an lành. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn Du viết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, người tài giỏi bị ghen ghét dễ gặp cảnh tai ương. Còn như kẻ bất tài lại thường vất vả kiếm kế sinh nhai, bị người đời khinh rẻ. Có tài cũng khổ mà bất tài cũng khổ. Nên một người muốn thoát khổ, cốt không phải ở chỗ có tài hay không.
Lại có câu chuyện về Trang Tử như sau: Một hôm Trang Tử cùng với học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ, chống búa đứng ở bên, mà không chặt.
Trang Tử hỏi: “Sao không chặt cây này thế?”.
Người đốn gỗ đáp: “Cây này tuy thế, mà gỗ xấu không dùng được việc”.
Trang Tử nói: “Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi”.
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo đầy tớ đem chim nhạn làm thịt.
Thằng nhỏ hỏi: “Một con gáy được, một con không gáy, thì làm thịt con nào?”.
Chủ bảo: “Làm con không gáy”.
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng: “Cái cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh xử vào địa vị nào?".
Trang Tử cười, rồi nói:
“Ta xử vào trong cái khoảng tài và bất tài. Như vậy, thì tránh khỏi được tai nạn, song chưa phải là kế vạn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao xa, không quản khen chê, lúc như rồng, lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên, lúc xuống, chỉ cốt lấy đức hoà làm mực, siêu việt cả muôn vật, tuy là người mà lại khác người… Những bậc như thế, thì còn gì lụy đến thân được!
Còn thói đời thường tình nào có thể? Hợp với người, thì có lúc lìa; làm nên việc, thì có người chê; ngay thẳng thì bị đè nén; tôn trọng thì bị chê bai; làm, thì có kẻ phá; giỏi, thì có kẻ ghen, không ra gì, thì thiên hạ lại khinh bỉ… Nhân tình như thế, làm thế nào được? Thương ôi! Các ngươi nên ghi lấy: chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi”.
Thói đời mưa nắng thất thường, khi đỏ khi đen, có tài hay không có tài cũng chẳng thoát khỏi vòng tục luỵ. Người đạo đức thường thanh tỉnh, biết tiến biết lùi, có tài cũng không bị ghen ghét, mà kém tài vẫn được ung dung. Nếu tài năng để truy cầu danh lợi, kẻ sĩ đại đức không truy cầu danh lợi, thì tài hay không tài có gì quan trọng đây?
Nếu tài năng để ích nước lợi dân, kẻ sĩ đại đức dùng tấm lòng thiện lương mà giáo hoá chúng sinh, bao dung mà dung nạp người trong thiên hạ, đó chẳng phải là ích nước lợi dân sao? Ấy vậy nhưng người có đạo đức trí huệ khai mở, tài năng thường lỗi lạc, chỉ là “chân nhân bất lộ tướng”, không khoe khoang cốt đổi lấy phú quý vinh hoa.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử có viết: “Đạo trời không thân ai, thường ở với người lành”. Thiên thượng vốn không có cái tâm thiên vị, chỉ che chở cho những người đạo đức, giữ vững được chân tâm. Người lương thiện trên không thẹn với Trời, dưới không lỗi với người, an nhiên tự tại đi hết con đường nhân sinh.
Tổng hợp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận