Ông chủ đế chế LVMH Bernard Arnault vừa đánh bật Jeff Bezos và Elon Musk để trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới là ai?
Hiện tại, giá trị tài sản ròng của Bernard Arnault - ông chủ đế chế thương hiệu xa xỉ LVMH đang là 187 tỷ USD.
Vừa qua, dân tình không khỏi xôn xao khi Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LVMH vượt qua Jeff Bezos và Elon Musk để trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Hiện tại, giá trị tài sản ròng của cả gia đình Arnault ở mức hơn 187 tỷ USD.
LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton là tập đoàn số một thế giới về xa xỉ phẩm, sở hữu hơn 70 thương hiệu cao cấp cùng khoảng 4.000 nhà bán lẻ, hoạt động trong 6 lĩnh vực nổi bật. Bernard Arnault là người giàu nhất châu Âu cũng như tỷ phú giàu nhất giới thời trang.
Tuổi trẻ táo bạo
Bernard Arnault tên thật là Bernard Jean Étienne Arnault, sinh ra trong một gia đình khá giả ở Roubaix, Pháp. Cha ông là Jean Léon Arnault, người sở hữu một công ty xây dựng dân dụng Ferret-Savinel, còn mẹ ông là bà Marie-Josèphe Savinel - một người vô cùng "đam mê Dior".
Ngay từ khi còn trẻ, ông đã là người có khả năng kinh doanh nhạy bén, hơn người. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Maxence Van Der Meersch tại Roubaix, Bernard tiếp tục theo học tại Trường Đại học Ecole Polythenique danh giá và tốt nghiệp ngành kỹ sư năm 1971.
Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc ở công ty xây dựng gia đình khi mới 25 tuổi. Sau đó, ông đã lên kế hoạch mở rộng công ty, tham gia vào vô số lĩnh vực kinh doanh khác và thăng tiến rất nhanh. Đến năm 1979, khi vừa tròn 30 tuổi, Bernard Arnault đã trở thành Chủ tịch công ty.
Thời điểm đó, do chính trường Pháp xảy ra một số biến động, gia đình Bernard đã di cư đến Mỹ một thời gian. Năm 1983, ông cùng gia đình quay trở lại Pháp. Lúc này, nhận thấy cơ hội mua lại Công ty dệt Boussac Saint-Freres, vốn sở hữu cổ phần ở nhà mốt cao cấp Christian Dior, Bernard Arnault đã quyết định đầu tư.
Ông đầu tư 15 triệu USD, sau đó kêu gọi thêm 80 triệu USD bên ngoài để mua lại công ty dệt. Thương vụ hoàn tất, khi sở hữu nhà máy dệt và vô số tài sản khác, ông quyết định rao bán tiếp và chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche. 2 năm sau đó, Bernard Arnault trở thành CEO của Dior, sở hữu hơn 400 triệu USD.
Nhà lãnh đạo quyết đoán
Năm 1987, ông được Chủ tịch Henri Racamier của LVMH mời đầu tư vào LVMH Group được thành lập từ Louis Vuitton và Moet Hennessy. Đến năm 1990, Bernard Arnault chính thức sở hữu 43,5% cổ phần của LVMH, 35% quyền biểu quyết và trở thành Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn LVMH.
Quá trình thâu tóm và thống nhất LVMH của Bernard Arnault được xem là một trong những phi vụ thâu tóm cam go và khốc liệt nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp. Nhờ đó, tên tuổi của ông nhanh chóng lan xa, với biệt danh là "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh.
Mục đích của Bernard Arnault thời bấy giờ là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm cùng với Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp). Trong suốt hơn 10 năm sau đó, giá trị thị trường của LVMH đã tăng lên gấp 15 lần, doanh thu và lợi nhuận tăng 500%.
Điều này xảy ra là do bí quyết kinh doanh thông thái của Bernard Arnault. Dù thâu tóm các thương hiệu về tập đoàn của mình, ông vẫn để cho doanh nghiệp hoạt động độc lập, theo văn hóa và bản sắc lịch sử riêng. Tập đoàn sẽ chỉ đóng vai trò là hỗ trợ, giữ lợi ích chung giữa các thương hiệu.
Sau đó, Bernard tiếp tục thâu tóm hàng loạt thương hiệu xa xỉ khác, chẳng hạn như: Celine (1988), Berluti và Kenzo (1993), Guerlain (1994), Marc Jacobs và Sephora (1997), Emilio Pucci (2000), Fendi, DKNY (2001), 17% của Hermes (2010) và toàn bộ nhà mốt Christian Dior vào tháng 4/2017.
Những câu nói "để đời" của Chủ tịch Tập đoàn LVMH
Trong suốt hành trình khẳng định vị thế của mình cũng như tập đoàn, Bernard Arnault đã ghi dấu ấn với những phát ngôn "để đời".
Thành công của thương hiệu được tạo nên từ chất lượng của sản phẩm
Arnault nổi tiếng là một nhà lãnh đạo khó tính, một nhà tài chính có tầm nhìn xa trông rộng. Trong suốt hơn 30 năm nắm quyền lãnh đạo LVMH, ông đã khiến mọi người nể phục bởi khả năng tạo điều kiện cho sự sáng tạo nghệ thuật và nhất định không can thiệp quá sâu. Antoine (con trai Arnault) - CEO LVMH Berluti từng chia sẻ: "Tôi nghĩ sức mạnh lớn của cha tôi là nói chuyện với những người sáng tạo và khiến họ phát triển mạnh mẽ dưới sự quản lý của ông ấy".
Với Arnaul, LVMH không chỉ là nơi thu hút những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới, mà còn là nơi đào tạo cho những nhà sáng tạo tương lai. Bên cạnh đó, ông cũng luôn giữ tôn chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng, và tôn trọng những người thợ tài hoa của Tập đoàn. Ông từng nói: "Thành công của thương hiệu được tạo nên từ chất lượng của sản phẩm. Chất lượng của sản phẩm là kết quả của những người thợ thủ công phi thường đang làm việc với chúng tôi".
Tôi rất cạnh tranh. Tôi luôn muốn giành chiến thắng
Trước đại dịch COVID-19, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã lâm vào cảnh phá sản, nhiều cửa hàng trên thế giới phải đóng cửa do đại dịch. Thế nhưng Bernard Arnault vẫn tiếp tục lèo lái LVMH đi đúng hướng, giúp tập đoàn tăng trưởng mạnh trong năm qua.
Ông mạnh tay sử dụng số tiền kiếm được từ tỷ suất lợi nhuận 45% của Louis Vuitton để lót đường cho các bước đi tiếp theo: Chi lớn để thắng lớn. Trước đó, LVMH đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, khi phải đóng cửa vô số cửa hàng vào đầu năm 2020. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh đã khởi sắc trở lại khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi vào cuối năm 2021.
Arnault từng nói: "Tôi rất cạnh tranh. Tôi luôn muốn giành chiến thắng". Điều đó đã được chứng minh khi LVMH vừa hoàn tất thương vụ M&A lớn nhất ngày xa xỉ vào tháng 1 vừa qua, khi hoàn tất mua lại thương hiệu trang sức lâu đời Tiffany & Co. LVMH.
Trong quý I/2021, LVMH ghi nhận mức doanh thu kỷ lục là 16,7 tỷ USD - tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ thế, giá cổ phiếu của LVMH cũng đã tăng 107% so với cùng thời điểm vào năm 2020.
Nhờ đó, khối tài sản của gia đình ông trùm hàng hiệu liên tục tăng chóng mặt. Tuần trước, ông chủ của thương hiệu xa xỉ LVMH đã vượt qua tỷ phú Elon Musk để vươn lên vị trí giàu thứ hai thế giới. Và vào ngày hôm qua, Bernard Arnault đã chính thức vượt qua CEO Amazon - tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, vào ngày 25/5, một lần nữa Jeff Bezos đã lấy lại ngôi vương, khi khối tài sản của ông tăng 2,1 tỷ USD lên mức 188,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Bernard Arnault cũng đang tiếp tục theo sát, với khối tài sản 187,4 tỷ USD.
Ngỡ ngàng ông chủ thương hiệu đắt giá Louis Vuitton, Dior bán vải thừa giá bèo chỉ hơn 80.000 đồng/m
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận