Lạ kỳ triết lý công sở Feierabend của người Đức: Đã nghỉ thì sếp gọi hay mail gấp cũng ngó lơ
Với triết lý công sở Feierabend, người Đức làm việc theo tôn chỉ "làm ra làm, chơi ra chơi", làm việc hết mình ở văn phòng và nghỉ ngơi thả ga khi về nhà.
Đức là một trong những nước có nền kinh tế rất phát triển, được coi là "cỗ máy kinh tế" của Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết Đức là nơi có thời gian làm việc hành chính rất ngắn, chỉ khoảng 35 tiếng/tuần, thậm chí còn được cấp tới 24 ngày nghỉ phép trong năm.
Thực ra, điều này xuất phát từ một triết lý công sở nhiều năm nay của người Đức, đó là "Feierabend" với ý nghĩa nôm na là "làm ra làm, chơi ra chơi", làm việc với công suất 100% ở văn phòng và nghỉ ngơi xả láng sau khi tan làm.
Triết lý công sở Feierabend là gì?
Feierabend /Feíerabend/ thực ra không phải là từ ám chỉ một phong cách làm việc nào đó, mà là diễn tả khoảng thời gian sau giờ làm việc. Feierabend có hai ý nghĩa, một là khoảnh khắc ta dừng làm việc sau một ngày dài và hai là là từ chỉ khoảnh khắc kéo dài từ sau giờ làm việc đến khi đi ngủ.
Vì thế, sau khi hết giờ làm, người Đức thường nói với nhau rằng: "Ich habe Feierabend", có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn rảnh rỗi trong phần còn lại của ngày làm việc. Họ cũng nói với nhau "Ich mache jetzt Feierabend" khi sắp hết ca làm hay "Schönen Feierabend noch", "Schönen Feierabend!" như lời tạm biệt vào cuối ngày.
Với người Đức, Feierabend là một triết lý sống rất được coi trọng, đến mức một số người khó tính có thể trở nên cáu kỉnh nếu họ bị giao một công việc đột xuất vào chiều thứ 6, hoặc nếu có ai đó cố vào hiệu thuốc mua vài viên aspirin (thuốc giảm đau) vào sáng chủ nhật, bởi ngày chủ nhật được coi là Feierabend... cả ngày! Tại một số bộ luật ở Đức, Feierabend còn được quy định khá rõ ràng và xem như là "thời gian thư giãn sau giờ làm việc để nâng cao tinh thần".
Tất nhiên, để có thể nghỉ ngơi thoải mái sau giờ làm, người Đức bắt buộc phải làm việc hết công suất trong giờ làm. Người Đức vốn rất cần cù, chăm chỉ trong công việc, và đáng ngạc nhiên hơn khi họ cũng rất nghiêm túc với việc nghỉ ngơi. Họ cho rằng, năng suất công ty sẽ cao hơn, tạo thêm nhiều giá trị hơn nếu người lao động được nghỉ ngơi đầy đủ sau giờ làm.
Được biết, tất cả các nhân viên đều phải nghỉ ngơi đủ 11 tiếng/ngày mà không bị quấy rầy. Nils Backhaus, một nhân viên văn phòng sống tại ngoại ô Dortmund, Nordrhein-Westfalen, Đức cho hay: "Bạn phải nghỉ ngơi ngay sau khi giờ làm kết thúc. Không có chuyện nghỉ bù gấp đôi vào ngày hôm sau đâu".
Người Đức quan niệm rất rõ ràng, "làm ra làm, chơi ra chơi" và hoàn toàn không có chuyện "trộn lẫn" hai thứ này với nhau. Có nghĩa là, trong giờ làm việc anh có thể giao công việc cho tôi và tôi sẽ làm hết mình cho tới khi tan ca, thế nhưng sau khi tôi về nhà nghỉ ngơi thì dù sếp có gọi hay mail gấp tôi cũng sẽ không nhận...!
Chủ nhật và các kỳ nghỉ lễ được gọi là Feiertage, có nghĩa là "ngày nghỉ ngơi". Trong thời gian này, người Đức sẽ hoàn toàn nghỉ ngơi và không công việc nào được phép quấy rầy họ. Dù có triết lý công sở khá kỳ lạ, người Đức vẫn chứng tỏ họ làm việc vô cùng hiệu quả với hiệu suất làm việc cao bậc nhất thế giới.
Làm thế nào để sống theo Feierabend?
Khác với Đức, văn hóa làm việc ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác thường khá... dàn trải. Giờ làm việc trung bình là 8 tiếng một ngày, nhưng nhiều nhân viên công sở thường dành thời gian ở văn phòng nói chuyện phiếm, xem facebook,... và sẵn sàng nhận việc nếu được gọi khẩn khi đã về nhà. Điều này khiến ta lầm tưởng rằng ta rất bận rộn với công việc và có năng suất hiệu quả, nhưng lâu dài đó là một thói quen công sở không tốt. Vậy, để có thể làm việc theo triết lý Feierabend, ta cần làm những gì?
Làm hết sức
Theo văn hóa làm việc ở Đức, một khi đã tới công ty thì nhân viên không nên làm gì khác ngoài công việc của mình. Xem facebook, trò chuyện với đồng nghiệp, đi uống nước,... đều là những hành vi "tối kỵ" với người lao động Đức.
Trong một bộ phim tài liệu của BCC tên "Hãy biến tôi thành người Đức", một người phụ nữ trẻ đến từ Đức đã bị sốc văn hóa khi cô chuyển đến Anh để làm việc. Cô nhớ lại: "Tôi đến văn phòng và nhận thấy mọi người nói chuyện cả buổi về những điều rất riêng tư, chẳng hạn như ‘Tối nay có kế hoạch gì chưa?’."
Cô cho hay, ở Đức người lao động không được phép dùng Facebook tại công ty dù là bất kỳ lý do gì. Thậm chí, kiểm tra email riêng mà không phải công việc cũng bị cấm.
Chơi hết mình
Bên cạnh việc làm hết sức, người Đức cũng dành hết 100% tâm huyết để nghỉ ngơi. Sau khi kết thúc ca làm, họ sẽ về nhà và nghỉ ngơi một mạch 11 tiếng, không để công việc quấy rầy. Thậm chí, người Đức còn tránh tụ tập sau giờ làm vì họ đặt ranh giới rạch ròi giữa công việc và cuộc sống riêng tư.
Nhờ công nghệ hiện đại, sếp hoàn toàn có thể liên lạc, giao việc cho nhân viên ngay cả khi không ở văn phòng. Thế nhưng, tại Đức, chính phủ nước này thậm chí đã ban hành luật cấm làm việc hoặc nhận email, cuộc gọi liên quan tới công việc sau 18h.
Thay vào đó, trong những giờ Feierabend, họ sẽ tới các câu lạc bộ để gặp gỡ những người chung sở thích, sẵn sàng học hỏi những gì họ đam mê. Người Đức không dành nhiều thời gian cho TV mà thường đam mê thể thao, ca hát, leo núi, cắm trại... Nhờ ngày nghỉ phép dài, các gia đình thường tổ chức các chuyến du lịch dài ngày, thuê một căn hộ gần biển hoặc núi để nghỉ dưỡng hay khám phá thành phố mới.
Nhất quán và đúng giờ
Người Đức thường nói chuyện rất rõ ràng, không vòng vo, do đó nhiều người mới gặp hay lầm tưởng họ khá... cục cằn. Thực ra, họ luôn muốn nói chuyện thẳng thắn, đúng trọng tâm, nhất quán thay vì mất công dẫn chuyện, kể lể. Họ sẽ không ngần ngại mà nói chuyện với quản lý về công việc, mạnh dạn nêu ý kiến trong các cuộc họp và không mấy khi dùng từ ngữ bóng bẩy, hào nhoáng.
Chẳng hạn, nếu muốn nhận được tài liệu vào lúc 3h, người Mỹ sẽ nói rằng: "Tôi sẽ rất vui nếu bạn có thể nộp cái này cho tôi trước 3h", trong khi đó người Đức chỉ đơn giản là "Tôi cần cái này trước 3h".
Họ cũng nổi tiếng là những người rất đúng giờ, bởi việc đến muộn được xem như hành động thiếu tôn trọng người khác. Với người Đức, "đúng giờ" nghĩa là... đến sớm 10 phút. Vì thế, họ sẽ luôn hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn, nếu không nói là sớm hơn kì vọng một chút.
Hiệu quả của triết lý công sở Feierabend
Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Liên bang Đức, Backhaus đã thực hiện khảo sát về mức độ hài lòng đối với công việc và cuộc sống cá nhân. Theo Backhaus, hầu hết các câu trả lời cho thấy "nếu ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư bị xóa nhòa, hoặc công việc ảnh hưởng tới giờ nghỉ ngơi (như phải làm thêm giờ, làm việc đột xuất) thì mức độ hài lòng của họ sẽ giảm".
Backhaus nhận định: "Ngay cả các công ty cũng biết sẽ có vấn đề xảy ra nếu nhân viên phải làm việc 24/7: Sức khỏe của nhân viên sẽ giảm sút". Vì thế, tại Đức, việc nghỉ ốm là chuyện rất bình thường, khi bạn bị ốm tức là bạn thực sự bị ốm.
Quả thực, với việc khuyến khích nhân viên làm việc hết công sức tại cơ quan và nghỉ ngơi thả ga khi về nhà, Đức hiện vẫn đang là một cường quốc kinh tế, ngay cả khi người làm động của họ làm việc ít giờ hơn so với các quốc gia khác. Gene Gerrienne, quản lý tại công ty theo dõi vận chuyển hàng hóa Early Metrics cho hay: "Tôi nghĩ lợi ích lớn nhất mà Feierabend đem lại là cơ hội kiểm soát bản thân và tự mình đưa ra quyết định, thay vì để số phận định đoạt".
Hygge - phong cách sống chậm ngập tràn hành phúc của người Đan Mạch
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận