Tranh cãi: Nhiều người trẻ lầm tưởng rằng "cứ làm giỏi sẽ được lên sếp"
Không ít người trẻ đang có sự bất mãn vì sếp không giỏi việc bằng mình, mà không hiểu rằng không phải cứ làm giỏi sẽ được lên sếp.
Đọc những bình luận có cùng nỗi bức xúc về việc làm việc cống hiến, đạt hiệu quả suốt một thời gian dài nhưng không được cất nhắc lên vị trí quản lý, cá nhân tôi lại có một cái nhìn khác về câu chuyện này. Quả thực, suy nghĩ này không hiếm, không chỉ người trẻ mà dân văn phòng lâu năm cũng có.
Tôi hiện làm việc với vị trí VP (vice president - Phó Giám đốc) của một công ty, cũng có trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm một một số vị trí dưới quyền. Những điều mà tôi chia sẻ dưới đây là những đúc kết sau quá trình nhiều năm làm việc, có thể không với một số bạn, nhưng tôi thấy phần nhiều các bạn trẻ ít kinh nghiệm không nhận ra (hoặc cố tình bỏ qua).
Thứ nhất, chuyện bạn thấy mình có trình độ chuyên môn giỏi hơn lãnh đạo là rất bình thường trong nhiều lĩnh vực. Đơn giản vì bạn là người làm trực tiếp, tiếp cận trực tiếp nhiều thông tin, các đầu mục công việc, được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ mỗi ngày nên việc giỏi làm việc là chuyện đương nhiên. Nếu bạn mà không giỏi thì chẳng ai thuê bạn về làm việc cả.
Nhiều người nói lãnh đạo là người phải làm việc chuyên môn giỏi hơn nhân viên, dạy được nghiệp vụ cho nhân viên. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Thực tế, chuyện đi truyền dạy kỹ năng chuyên môn là việc của nhân viên lâu năm - có thể là chính bạn sau này. Còn người làm lãnh đạo phải giỏi những việc khác thuộc phần nhiều về khía cạnh quản lý vĩ mô. Nếu người ta cứ bổ nhiệm hết người làm giỏi lên làm lãnh đạo thì lấy ai đi đào tạo nhân viên mới ít, kinh nghiệm?
Thứ hai, Giám đốc, Phó Giám đốc xét cho cùng cũng là một chức danh công việc mà thôi. Những vị trí này cũng được tuyển dụng như bình thường với những yêu cầu chuyên môn khắt khe hơn. Thế nên việc một ai đó từ bên ngoài được tuyển vào vị trí lãnh đạo thay vì bổ nhiệm một nhân viên lâu năm từ cấp dưới lên cũng là chuyện rất dễ hiểu. Không phải lúc nào bạn phấn đấu từ nhân viên cũng lên được Giám đốc.
Thứ ba, người làm việc giỏi không giống với người lãnh đạo giỏi. Chính vì những suy nghĩ như thế nên nhiều bạn mới thấy bất mãn khi "sếp không giỏi việc bằng mình". Thực ra, đó là một suy nghĩ sai lầm. Bản thân tôi luôn nói chuyện thẳng thắn với nhân viên của mình về những điều tôi đánh giá về họ, thấy họ thiếu thứ gì, và chỉ cân nhắc bổ nhiệm nếu những thứ đó được bạn cải thiện.
Cuối cùng, bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực về việc bổ nhiệm, thăng chức, nếu ai đó không chọn bạn cho một vị trí cao hơn thì đơn giản là quyết định đó dựa trên lợi ích của doanh nghiệp. Việc bạn bất mãn và rời công ty có thể đã được lãnh đạo nghĩ tới và đánh giá và nó không đủ để sếp của bạn cân nhắc. Hay nói cách khác là bạn không có giá trị với doanh nghiệp nhiều như bạn vẫn nghĩ, vậy thôi.
Thế nên, hy vọng các bạn trẻ đang trong môi trường công sở hãy có một cái nhìn thấu đáo khi không được bổ nhiệm, thăng chức. Có thể bạn cống hiến nhiều nhưng những đóng góp của bạn chưa đủ để được cất nhắc. Cũng có thể bạn chỉ là người giỏi việc chuyên môn mà không có năng lực quản lý. Tất cả đều có lý do chứ không chỉ đơn thuần là sếp không ghi nhận.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Theo Ninh/VnExpress
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận