Thầy giáo không chuyên bán đất quê lấy tiền xây trường, miệt mài dạy học miễn phí ở Bình Dương

Cuối năm 2021, anh Ngô Văn Khánh (Bình Dương) quyết định bán mảnh đất bố mẹ cho ở quê, lấy tiền xây trường học và dạy miễn phí. 

Chi Nguyễn
16:57 27/04/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh Ngô Văn Khánh (41 tuổi, quê Bình Dương) cho biết, anh vốn theo học Đại học Nông Lâm, nhưng lại có đam mê với giáo dục sau khi làm gia sư. Sau khi ra trường, anh đi học lớp nghiệp vụ sư phạm, nhận dạy kèm học sinh từ TP.HCM đến Bình Dương. Dù chưa một lần đứng trên bục giảng, người thầy giáo "không chuyên" vẫn rất được tin tưởng và yêu mến.

Anh Khánh lập nghiệp ở TP. Dĩ An từ năm 2007, từng được rất nhiều người giúp đỡ. Có đợt anh bị gãy chân, phụ huynh biết tin liền đến giúp đỡ, có người mang đồ ăn, có người giúp giặt đồ. Cảm động, kể từ lúc đó anh ấp ủ ý định tri ân những con người nơi đây. Ước mơ đó cứ được nuôi lớn dần qua năm tháng, đến nay đã thành hiện thực.

thay-giao-o-binh-duong-ban-dat-xay-truong-va-day-hoc-mien-phi
Thầy giáo không chuyên Ngô Văn Khánh. Ảnh: Dân Trí

Tích cóp được khoản tiền không nhỏ, thầy giáo này thuê dãy nhà 2 tầng trên đường Lê Hồng Phong, mở lớp học miễn phí. Trường học hiện tại có 2 tầng, mỗi tầng rộng 160m2, chia làm 4 phòng. Đến nay, lớp học 0 đồng đã có hơn 200 học sinh lớp 9 theo học tại dãy nhà đi thuê. Anh tâm sự: "Chỉ cần nhìn thấy học sinh là mọi mệt mỏi tan biến. Thầy chỉ mong các em được học, có tương lai, sau này còn giúp đỡ gia đình và xã hội".

Cuối năm 2021, sau khi cả nhà khỏi COVID-19, anh Ngô Văn Khánh quyết tâm bán mảnh đất được bố mẹ cho ở quê. Bán đất xong, anh lên TP. Dĩ An mua đất mới, xây trường miễn phí dù gia đình vẫn đang ở trọ. Anh giải thích: "Đợt đi phát lương thực, thuốc men mùa dịch, anh thấy nhiều học sinh khổ quá. Xây được trường, chắc chắn hỗ trợ các em phần nào việc học hành".

Vợ anh là chị Lê Thị Yên vốn đã quá hiểu tính chồng, lập tức đồng ý. Bao nhiêu năm qua, chị thường xuyên thấy cảnh anh Khánh ưa gần hết tiền trong ví cho người hành khất hay hát rong gặp ngoài đường. Chị chỉ đáp: "Anh làm gì em cũng ủng hộ", rồi rút nốt tiền tiết kiệm đưa cho chồng.

thay-giao-o-binh-duong-ban-dat-xay-truong-va-day-hoc-mien-phi
Thầy Ngô Văn Khánh đang dạy Toán học sinh lớp 9 tại khu nhà đi thuê tại TP. Dĩ An

Hành động của anh chị được nhiều người khen ngợi, nhưng cũng có người thắc mắc. Bởi thực tế, gia đình họ cũng không quá khá giả, vẫn đang ở thuê, lại còn đi dạy miễn phí như vậy thì cuộc sống sẽ vất vả. Người thầy giáo ấy giải thích: "Tôi được như hôm nay là nhờ ơn nhiều người. Góp một phần công sức để các em vực dậy việc học sau dịch, đáng để làm trước".

Sau 3 tháng thi công, xây dựng hết công suất, ngôi trường mang tên Tâm Đức sắp được hoàn thành. Được biết, trước đó nhiều người quen biết chuyện đã tình nguyện bỏ tiền ra mua bàn ghế, điều hòa tặng cho trường nhưng anh Khánh nhất mực từ chối. Anh nói mình không kêu gọi đóng góp, chẳng nhận tiền của ai, như thế học sinh mới yên tâm đi học.

Thầy giáo Bình Dương tâm sự: "Tôi mở lớp miễn phí mà lại đi nhận tiền là không đúng. Tôi khẳng định, chi phí duy trì lớp học, xây trường đều một mình bỏ tiền túi, không kêu gọi đóng góp, không nhận của ai một đồng nào với lớp học miễn phí này. Có như vậy, mỗi học sinh đến đây mới cảm thấy thoải mái, không vướng bận về chuyện tiền bạc mà chỉ tập trung vào việc học. Đó là môi trường giáo dục mà tôi khao khát thực hiện".

thay-giao-o-binh-duong-ban-dat-xay-truong-va-day-hoc-mien-phi
Thầy Khánh đang chỉ đạo xây dựng ngôi trường miễn phí mang tên Tâm Đức

Ngôi trường mới này sẽ dành cho tất cả các em học sinh có nhu cầu, chứ không chỉ riêng những em có hoàn cảnh khó khăn. Anh Võ Cao Trí, bí thư đoàn phường Dĩ An sau khi biết chuyện đã gợi ý làm giúp anh Khánh mọi giấy tờ liên quan để mọi thứ nhanh hoạt động. "Việc tốt cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời", vị bí thư nói.

Anh Khánh nói thêm: "Trong tương lai, tôi tiếp tục xây phòng học trên diện tích còn lại, để nhận thêm nhiều học sinh hơn". Tới đây, thầy giáo trẻ dự định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh như làm thức ăn chăn nuôi, mở trang trại, quán cà phê,... Như vậy, ngôi trường sẽ có kinh phí ổn định, không cần ai giúp đỡ tài chính mà vẫn có thể duy trì.

Theo Hải Hiền/VnExpress, Dân Trí

Xem thêm: Nhìn lại những ngày gieo chữ tại điểm nóng ma túy của cô giáo trẻ vùng cao: "Chưa bao giờ tôi hối hận"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận