Bí kíp vực dậy sự nghiệp của cây bút tài chính từng thất nghiệp ở tuổi 50: Gói gọn ở 2 chữ mà 98% người Việt nói mỗi ngày
Ở tuổi 50, những tưởng là khi cuộc sống ổn định nhất thì Elizabeth White bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng ngay sau đó bà đã vực dậy sự nghiệp của mình một cách ngoạn mục. Bí kíp của Elizabeth White là 2 chữ luôn 'cố gắng'!
Elizabeth White là một nhà văn, cây bút tài chính chuyên viết về vấn đề của người trung niên tại Forbes. Trước kia, bà từng giữ chức vụ Cố vấn đặc biệt cho Giám đốc điều hành dịch vụ cấp cao Hoa Kỳ. Bà cũng là người ủng hộ các giải pháp cấp thiết cho những người trung niên đang đối mặt với công việc không ổn định và bất ổn tài chính.
White chia sẻ: "Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cú sốc mà tôi đã trải qua trong cuộc Đại suy thoái 2007-2009, tôi đã bị sa thải đột ngột. Khi đó, tôi đang ở độ tuổi ngoài 50, thất nghiệp, thu nhập của tôi giảm xuống con số 0...". Dù vậy, bà vẫn quyết định làm lại từ đầu và một lần nữa có công việc ổn định.
Bà cho biết bản thân đã học được vô số bài học quý giá, và dưới đây là 5 điều mà bà nghĩ là rất có ích trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay:
Chuẩn bị cho việc bị thất nghiệp bất cứ lúc nào
Elizabeth White cho hay, khi còn trẻ bà chưa bao giờ gặp khó khăn khi tìm việc. Khi ấy bà có nhiều mối quan hệ tốt, sở hữu nhiều bằng cấp và kinh nghiệm xuất sắc như MBA Harvard, từng làm việc ở World Bank. Với bà, những khó khăn trong cuộc sống là hoàn toàn có thể đối phó được.
Bà chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, điều mà tôi chưa tính đến lúc bấy giờ, chính là tuổi tác trở thành điều cản trở việc tìm kiếm việc làm của mình. Chính vì vậy, cái giá tôi đã phải trả là tôi đã mất hơn 2 năm sau đó để tìm được công việc tương xứng với công việc mà tôi đã bị sa thải năm 2009".
Một nghiên cứu vào năm 2018 từ Viện nghiên cứu đô thị và Cơ quan báo chí phi lợi nhuận Propublica chỉ ra rằng, có tới hơn 50% số lao động trên 40 tuổi sẽ bị buộc thôi việc hoặc buộc phải từ chức. Đáng chú ý, chỉ 10% trong số họ sẽ tìm được việc mới với mức lương phù hợp và tương xứng với trình độ. Đó là chưa kể tới những hậu quả của đại dịch COVID-19.
Đó là lý do mà bà White cho rằng chúng ta nên lên kế hoạch chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hãy chuẩn bị quỹ khẩn cấp, bởi ta có thể thất nghiệp bất kỳ lúc nào.
Cắt giảm chi tiêu
Elizabeth từng tin rằng với trình độ học vấn, kinh nghiệm và những mối quan hệ sẵn có của mình, bà sẽ nhanh chóng tìm được việc làm mới. Chính sự chủ quan ấy đã khiến bà tiêu hết khoản tiền tiết kiệm chỉ trong thời gian ngắn do duy trì lối sống thoải mái lúc trước.
Cây bút tài chính này cho biết: "Tôi khuyên bạn nên cắt giảm và xem xét thật kỹ lưỡng các chi phí không cần thiết như chuyển sang mua các gói dịch vụ điện thoại rẻ hơn, tạm dừng đăng ký là thành viên phòng thể hình,... Nếu bạn không biết làm thế nào có thể cắt giảm chi phí hàng tháng của bạn, tôi khuyến khích bạn nên đọc và tham khảo thật nhiều để có phương án hợp lý cho mình".
Đừng gục ngã trước thất bại
Không ít người bị mất việc sẵn sàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp để có thể trang trải cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều người tỏ ra e ngại bởi nó khiến họ cảm thấy mình đã thất bại. White nhớ lại: "Lần đầu tiên khi đi làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp, tôi đã luôn tránh người thân và che giấu sự xấu hổ".
Tuy nhiên, hãy vượt qua sự mặc cảm ấy, bởi vì thực tế là ta đang gặp khó khăn. Mục tiêu bây giờ của chúng ta là sống sót, số tiền trợ cấp chính là "cứu cánh" giúp ta vượt qua thời gian khó khăn. Hãy dùng nó để lên chiến lược lâu dài vượt qua khủng hoảng, đừng để suy nghĩ thất bại và mặc cảm kìm hãm ta.
Tìm những người đồng cảnh ngộ
Elizabeth cho biết, sau khi thất nghiệp vào năm 2009, bà đã gặp gỡ và giao lưu những người đồng cảnh ngộ. Với bà, đó là những người trong "vòng tròn hồi phục" vô cùng quý giá. Họ đã ở bên cạnh nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau để không còn cảm thấy cô đơn, căng thẳng khi thất nghiệp.
Hãy tự tạo ra một "vòng tròn hồi phục" của riêng mình, chỉ cần 3-5 người cùng chung hoàn cảnh là được. Hãy cùng nhau chia sẻ những câu chuyện và bí quyết để vượt qua khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau hết mình. Nếu không thể tìm tới những người xung quanh, hãy đăng tải thông điệp của mình lên mạng xã hội, hội nhóm để tìm bạn đồng hành.
Giảm kỳ vọng xuống
Có một thực tế là cuộc sống sau các cuộc khủng hoảng sẽ thay đổi rất nhiều, và tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ rất chậm chạp. Về điều này, Elizabeth White khuyên rằng: "Hãy rời bỏ chiếc ghế vàng của bạn".
Ở công việc trước, bà được cử đi nước ngoài làm việc liên tục, thường ngồi ở ghế hạng thương gia. Thế nhưng, giờ đây bà phải di chuyển bằng xe buýt, chấp nhận mức lương chỉ bằng 1/4 số lương ở các công ty cũ. Thậm chí, bà còn phải tự tay hoàn thành các hợp đồng nhỏ mà bà đã từng giao cho các thực tập sinh trước đây.
Dù vậy, White vẫn cảm thấy thoải mái với cuộc sống mới. Tuy lương không cao, nhưng bà lại có cơ hội du lịch và trao đổi với những người khác ở khắp nơi trên thế giới về điều bà dang làm. Chưa kể, bà còn có thể tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau từ những điều mình thích.
Cây bút tài chính này cho hay: "Tất cả những điều mà tôi làm và khuyên các bạn chính là hãy giảm kỳ vọng về mức lương mà bạn mong đợi trong hoàn cảnh khó khăn. Vì bạn phải hiểu rằng, không phải lợi ích nào cũng mang lại cho bạn giá trị về tiền mặt, mà chúng ta còn cần phải xem xét và cân đo cả những lợi ích không thể tính bằng đô-la".
(Theo Forbes)
Xem thêm: Doanh nhân làm giàu nhờ nghề phù dâu chuyên nghiệp hé lộ 3 chiến lược kiếm tiền sau đại dịch
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận