Tẩn Thị Shu: Từ cô gái H'Mông mù chữ đến 'chị đại' sở hữu công ty du lịch quốc tế, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em dân tộc
Từ cô gái từng mù chữ tới tận năm 16 tuổi, đến nay Tẩn Thị Shu đã trở thành chủ công ty du lịch quốc tế, dạy tiếng anh và dạy nghề miễn phí cho hàng trăm trẻ em dân tộc thiểu số vùng cao.
Cách đây 10 năm, hẳn sẽ không ai tin rằng cô gái Tẩn Thị Shu (SN 1986) không biết đọc, bán hàng rong lại có thể trở thành chủ một công ty du lịch quốc tế, được tạp chí Forbes xướng tên trong danh sách 30 Under 30. Đến nay, Shu đã có nhiều năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên, dạy tiếng Anh và dạy nghề miễn phí cho rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số vượt lên số cảnh nghèo để làm ăn.
Bán hàng rong từ nhỏ, 16 tuổi vẫn không biết chữ
Tẩn Thị Shu sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa, từ nhỏ đã thấm thía cảnh nghèo khó, khổ sở. Khi ấy, cả nhà phải chịu cảnh bữa no bữa đói, nhiều hôm cả ngày chỉ dám ăn một bữa. Năm 12 tuổi, chị bắt đầu bán vải dệt thổ cẩm, sau đó 1 năm thì theo chân bạn bè tới thị trấn Sa Pa bán hàng rong.
Khi ấy, trong đầu Shu chỉ có những suy nghĩ tủi cực: "Tại sao bố mẹ mình lại khó khăn, tại sao mình lại khác mọi người, tại sao mình không được đi học và có cơ hội như người khác, đi đâu cũng thấy người khác hơn mình...". Làng Cao Chải vốn nghèo, phụ nữ và trẻ em nơi đây chủ yếu đều không được đi học, kiếm sống bằng nghề bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Shu cũng không phải ngoại lệ, đến năm 16 tuổi, chị mới bắt đầu biết đọc tiếng phổ thông.
Năm 20 tuổi, chị nhận ra rằng vì không được đi học nên nhận thức về văn hóa và ngôn ngữ đã cản trở công việc của chị. Từ ấy, Shu quyết tâm học tiếng Anh để giao tiếp với khách, học thêm từ những anh chị hướng dẫn viên du lịch. Cứ thế, bên cạnh việc bán đồ lưu niệm cho khách tây, chị làm cả những công việc không tên trong nhà hàng ở thị trấn để học giao tiếp tiếng Anh. Shu nhớ lại: "Hồi đó mình không quan trọng một ngày phải cố kiếm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng học được những gì".
Khởi nghiệp với công ty của riêng mình
Ngày càng được mở mang đầu óc, nhiều ý tưởng đến với Shu hơn, và từ ấy, dự án Sapa O'chau bắt đầu nhen nhóm trong suy nghĩ cô gái người Mông. Đến năm 2007, nhờ sự trợ giúp của những người bạn đến từ Australia, Shu bắt tay xây dựng dự án này.
O'Chau trong tiếng Mông có nghĩa là "cảm ơn", tức là "Cảm ơn Sapa" - mảnh đất đã sinh ra Shu và đem tới công ăn việc làm cho chị. Chị không thể quên những tháng ngày lấm lem, bẩn thỉu bán hàng rong trên thị trấn, những vị khách tốt bụng đã cho chị vào khách sạn để nghỉ ngơi, ăn uống.
Sapa O'chau bắt đầu bằng việc mở homestay đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải. Năm 2011, Shu được đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý với sự giúp đỡ từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế, giúp doanh nghiệp ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Tháng 6/2013, Công ty TNHH MTV Du lịch Sapa O'Chau (Sapa O'Chau travel) ra đời, 4 năm sau đó chính thức trở thành Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa OChau.
Bên cạnh kinh doanh du lịch, Sapa O'chau đem đến vô số dịch vụ khác như cà phê, tour và khách sạn. Đến nay, công ty của "chị đại" người Mông - cái tên vui vui mà đám thanh niên choai choai tại Sapa gọi Shu - đã có hơn 50 nhân viên, mở thêm 2 cơ sở nữa ở Hà Giang và Hà Nội, mỗi năm hỗ trợ khoảng 100 em đi học, đi làm.
Dạy tiếng Anh và dạy nghề miễn phí
Nhớ về những năm tháng chật vật đi bán hàng rong, hàng ngày đi qua các trường học, Shu khi đó chỉ mong ước mình có đủ tiền để đi học. Đến khi trưởng thành, nghĩ về những ước mơ thời thơ ấu, Shu không ngần ngại bỏ công sức, của cải để tạo điều kiện học hành, làm việc cho những thanh thiếu niên cùng hoàn cảnh với mình.
Không chỉ kinh doanh du lịch và dịch vụ, công ty của Shu còn đem tới cơ hội học tập và công ăn việc làm cho trẻ em người Mông. Tất nhiên, không phải ai cũng được nhận vào lớp học của Shu, mà phải là những em có ước mơ của riêng mình. Những yếu tố khác là các em mồ côi không có cơ hội đi học, hộ nghèo, có ước mơ nhưng không được gia đình ủng hộ hay các bạn ở nơi khác muốn làm người tiên phong. Shu chia sẻ: "Mình mang đến cho họ một cơ hội và mình nhìn thấy tương lai họ trở nên rộng lớn thế nào".
Shu cho biết, các em nhỏ vừa được dạy học văn hóa, vừa được học tiếng Anh miễn phí. Chị kết nối với các tình nguyện viên nước ngoài - vốn là khách du lịch đến Sapa, từ đó mang đến trải nghiệm thực tiễn cho cả những người làm du lịch tương lai cũng như khoảnh khắc đáng quý cho du khách.
Chị kể, "nỗi buồn" với chị là một từ xa xỉ, bởi mỗi ngày chị làm việc từ 6h sáng đến 9h đêm. Ở Sapa O'chau, Shu không chỉ là chủ doanh nghiệp mà còn là giáo viên, bác sĩ tâm lý kiêm hướng dẫn viên. Vô số những đứa trẻ nghèo đi chèo kéo khách du lịch mua hàng đã được Shu đón về cơ sở, dạy dỗ và nên người, có công ăn việc làm ổn định. Shu cho hay: "Hiện em đang tuyển sinh lớp tiếng Anh miễn phí vào tháng 5 này. Sẽ dạy các bạn cả tiếng Anh và nghề, trong 9 tháng".
Bản thân Shu cũng không chút ngơi tay, nếu rảnh hay thấy có khóa học bổ ích trên mạng liên quan đến công việc là chị lập tức đăng ký. Đến nay Shu có thể nói thành thạo được tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Anh và đang muốn học thêm một số ngôn ngữ nữa... Được biết, Shu còn theo học khoa Quản trị kinh doanh, hệ học từ xa của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Tẩn Thị Shu - Tấm gương truyền cảm hứng
Shu khiến nhiều người nể phục ở suy nghĩ về làm du lịch rất đặc biệt. Chị đã chứng kiến sự phát triển chóng mặt của thị trấn Sapa trong suốt những năm qua, vừa mừng vì quê hương phát triển, lại vừa lo vì người dân không theo kịp.
Vì thế, chị mong muốn phát triển du lịch bền vững, bắt nguồn từ việc đào tạo con người để học tự nhận biết cái đẹp. Shu nói: "Để làm du lịch, bạn cần nhận ra mình có cái gì đẹp hơn người khác. Bạn phải là người đứng ở giữa, gợi lên trong du khách cảm giác thèm muốn một lần đặt chân đến đây". Lợi nhuận thu được từ các tour du lịch của Sapa O'chau, Shu đều dùng để hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số, giúp các em theo học về các ngành khách sạn ở các tỉnh, thành phố khác.
Chị tâm niệm: "Nếu có ước mơ thì 5 năm không là gì, 10 năm cũng không là gì cả". Với những nỗ lực bền bỉ cùng thành công vượt trội, Shu đã được vô số nước mời đến tham dự hội thảo về du lịch bền vững để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch như Mỹ, Anh, Australia, Hàn Quốc, Singapore,... Năm 2016, tạp chí Forbes đã vinh danh "chị đại" người Mông Tẩn Thị Shu trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận