Từ bỏ cuộc sống an nhàn, người phụ nữ U60 đi làm tài xế xe công nghệ, kiếm tiền nuôi mẹ già

Với mong muốn kiếm tiền chăm nom mẹ già, người phụ nữ ở TP.HCM này bắt đầu làm nghề xe ôm công nghệ dù đã bước sang tuổi 54.

Chi Nguyễn
08:00 17/10/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau gần 30 năm ở nhà chồng nuôi, chị Huỳnh Thị Hồng (trú quận Tân Phú, TP.HCM) bỗng có một quyết định táo bạo. Chị quyết định "khởi nghiệp" ở tuổi 54, đi làm tài xế xe công nghệ. Chị cho biết, chị muốn đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ.

Người phụ nữ U60 bày tỏ: "Mẹ của mình thì mình nuôi, cũng không có gì phải tự hào. Hồi trước, tôi ở nhà, mỗi tháng chồng cho 4 triệu đồng để lo cho mẹ. Dù chồng không khó dễ nhưng lâu dần, tôi cũng thấy ngại, mình phải có lòng tự trọng chứ, mẹ của mình mà. Vậy là, tôi quyết định chạy xe ôm, tự mình kiếm tiền nuôi mẹ". 

Đến nay, chị đã chạy xe được 5 tháng, dần quen việc và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Mỗi ngày, chị Hồng dậy sớm đi chợ, lo cơm nước cho mẹ. Sau đó, chị thay đồng phục đi làm. Thông thường, chị sẽ chạy xe đến khoảng 21-22h mới về nhà.

nguoi-phu-nu-u60-di-lam-tai-xe-cong-nghe-de-cham-nom-me-gia
Mẹ của mình thì mình nuôi, cũng không có gì phải tự hào

Trước kia, bà Huỳnh Thị Kim Hoa (91 tuổi, mẹ chị Hồng) sống trong chùa. Bà về sống chung với con gái khoảng hơn 1 năm nay. Hồi tháng 8/2021, chùa báo tin với chị Hồng rằng hình như bà Hoa bị nhiễm COVID-10. ghe tin, chị tức tốc chạy lên chùa gặp mẹ. Thật may, qua xét nghiệm, bà Hoa âm tính với Covid-19, nhưng vẫn cần được cách ly sớm, bởi lúc đó ở chùa có nhiều người nhiễm bệnh.

Lúc đấy, chị Hồng quyết định hỏi ý kiến chồng, rồi rước mẹ về ở trong ngôi nhà tại quận Tân Phú, TP.HCM. Chị kể: "Ngôi nhà này của con gái tôi. Từ khi thực hiện 3 tại chỗ, nó ở công ty nên nhà không có ai. Vì vậy, tôi đưa mẹ về đó để chăm sóc". Về đến nhà, hai mẹ con chị bị cách ly, mỗi ngày có người mang thực phẩm đến để trước cửa. 

Chị Hồng nói: "Từ lúc tôi đưa má về nuôi, bà rất khỏe và không hề nhiễm Covid-19 cho đến giờ. Vậy mà, tôi lại nhiễm Covid-19 hai lần". Lúc ấy, chị vừa tự chống chọi với căn bệnh, vừa nấu ăn cho mẹ. Có hôm, dù đang sốt mà thấy đến giờ cơm trưa của mẹ, chị cũng cố gắng đi từ gác xuống bếp nấu nướng. Nấu xong, chị dọn cơm ra cho mẹ, rồi lại chạy lên gác, không dám nán lại lâu vì sợ lây bệnh.

Người phụ nữ U60 nhớ lại, ban đầu chị gặp không ít khó khăn khi làm tài xế. Chị không rành đường đi, phải nghe theo hướng dẫn của Google Maps. Nhiều lúc, chị phải đứng dưới mưa chờ khách hơn một tiếng đồng hồ hoặc chở khách đi các tỉnh xa như Đồng Nai, Bình Dương,... Những chuyến xe đêm cũng khiến người phụ nữ hiếu thảo này lo lắng, sợ cướp dàn cảnh. Thậm chí, nhiều khách hàng xử lý không thỏa đáng, chị vẫn chấp nhận thiệt thòi.

Để có sự lạc quan và luôn yêu cuộc sống, chị bày tỏ nỗi niềm qua những vần thơ. Chị bộc bạch: "Tôi viết nhật ký bằng thơ. Hiện tại, tôi sở hữu hơn 1.000 bài thơ tình". Chị vội lên căn gác nhỏ, mang xuống 3 cuốn thơ tình dày cộm. Việc in ấn và thiết kế bìa, ruột sách… đều tự chị mày mò thực hiện.

nguoi-phu-nu-u60-di-lam-tai-xe-cong-nghe-de-cham-nom-me-gia
Tôi may mắn được con gái rước về chăm sóc, nếu không thì chắc cũng không qua khỏi

Trên trang Facebook cá nhân, chị cũng lưu lại đều đặn những bài thơ dưới chế độ một mình như một cách viết nhật ký. Thơ của chị rất dung dị, dễ cảm, lưu lại những rung động, ý kiến của chị về các vấn đề thời sự. Thời điểm mới vào nghề, trực tiếp trải nghiệm công việc với những vất vả đặc trưng, cảm xúc dâng lên, chị vội ghi chép vào cuốn sổ. Nhọc nhằn về nghề chạy xe ôm công nghệ được chị khắc họa qua nhiều sáng tác.

Chị cười, nói: "Tôi có thể làm thơ chỉ trong vòng 5 phút nếu có cảm xúc. Thơ của tôi xoay quanh chữ tình. Cái gì khiến tôi rung động thì đều có thể thành thơ. Người ta viết nhật ký bằng văn xuôi, còn tôi lưu lại kỷ niệm mỗi ngày bằng thơ". Lâu dần thành thói quen, lúc nào chị cũng mang bút và sổ bên người, rảnh tay sẽ viết ngay vào sổ.

Đã có lần, chị tự mình cảm tác, chuyển nhiều tác phẩm văn học thành thơ lục bát. Chị đặt tên cho tập thơ là Tình sử Việt, trong đó các bài thơ cảm tác từ nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Lòng dạ đàn bà, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… Làm xong, chị bỏ tiền túi in thành 20 bản, gửi tặng thầy cô ở trường cũ.

Chị Huỳnh Thị Hồng tâm sự: "Hiện nay, giới trẻ không còn hứng thú với văn học. Thế nên, tôi muốn biến các tác phẩm ấy thành thơ lục bát dễ đọc, dễ nhớ. Tất cả đều do tôi cảm tác, không sử dụng bất kỳ câu từ nào của bản gốc". Chia sẻ về dự định tương lại, người phụ nữ U60 tâm sự sau khi tròn chữ hiếu sẽ thực hiện hành trình đi phượt xuyên Việt bằng xe máy, thỏa ước mơ bao năm ấp ủ.

Theo Ngọc Lài/Vietnamnet

Xem thêm: Anh cảnh sát giao thông tốt bụng mở quán cơm 0 đồng, đi làm về là "lao vào bếp"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận