Người phụ nữ dân tộc Tày sức cùng lực kiệt sau hơn 10 năm gồng gánh chữa bệnh cho chồng
Hơn 10 năm qua, một tay người phụ nữ dân tộc Tày ấy phải làm trăm công ngàn việc, dốc sức chăm chồng mắc bệnh tâm thần phân liệt và nuôi 2 đứa con nhỏ.

Nhắc đến chị Chẩu Thị Hoa (38 tuổi) ở thôn Làng Vàng 1, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bà con đều không khỏi xót xa. Tính đến nay đã 13 năm ròng trôi qua, một mình chị dốc sức chạy chữa cho người chồng bị "trời đày" không sao thuyên giảm.

Ngôi nhà của gia đình chị nằm ộp ẹp gần con suối cạn trong thôn, là căn nhà sàn hiếm hoi còn sót lại. Thấy có khách đến, chị Hoa hớt hải từ phía trên chạy xuống, ngập ngừng kể: "Để các anh, các chị lo sợ em ngại quá. Từ ngày chồng em bị bệnh đến nay, hôm nào anh ấy ở nhà thì mọi người phải chịu đựng như thế. Còn hơn là để chồng em đi ra ngoài đường, không biết là bao nhiêu lần suýt đâm đầu vào ô tô rồi. Mời các anh các chị lên nhà, anh ấy hiền lắm ạ...".
Quả thực, anh Hoàng Văn Đoàn - chồng chị Hoa rất lành, duy chỉ có thói quen kì lạ đã kéo dài hơn 10 năm qua. Chẳng rõ anh mắc bệnh gì, chỉ biết anh mặt mùi đờ đẫn, quần ống thấp ống cao, cứ mải miết nện gót chân trần lên sàn nhà. Mặc cho đôi chân trần đã rớm máu, tấm gỗ làm sàn nhà đã mòn vẹt chuyển màu, anh vẫn cứ bước đi.

Chị Hoa nghẹn ngào tâm sự: "Anh ấy bị như thế từ ngày mắc bệnh. 13 năm nay rồi, chỉ khi mệt quá, kiệt sức ngủ quên đi thì thôi, chứ từ trên giường xuống là anh ấy cứ đi lại liên tục. Sao ông trời lại nỡ đầy đọa chồng em như thế chứ!...".
Trước kia, anh Đoàn là trụ cột của gia đình, đi làm vất vả kiếm tiền. Thế nhưng, hồi đầu năm 2009, anh bất ngờ có những biểu hiện kì lạ, tự dưng cứ đi đi lại lại không ngừng nghỉ, miệng thì lảm nhảm, mặt mũi trở nên đờ đẫn ngây dại. Anh mất hết khả năng lao động, không ít lần còn vài lần chết hụt khi bỏ nhà đi ra đường quốc lộ.

Chị Hoa dốc tiền của đưa chồng đi khám ở bệnh viện, rồi ngã ngửa khi biết anh mắc tâm thần phân liệt. Thế là, suốt 13 năm qua, chị đưa anh hết từ bệnh viện huyện, đến tỉnh rồi Trung ương... để chạy chữa. Cứ ai mách chỗ nào có thể chữa được, chị lại lặn lội đưa anh tới. Theo năm tháng, các khoản vay nợ cứ dày thêm mà bệnh tình của chồng không mấy thuyên giảm.
Bản thân sức khỏe chị Hoa cũng yếu, chị bị u nang buồng trứng đã có chỉ định phẫu thuật. Mẹ chồng chị đã gần 90 tuổi, thường xuyên đau yếu nên chị cũng cất công chăm sóc. Đó là chưa kể đến việc chị còn phải vất vả nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, một đứa học lớp 9 và một đứa học lớp 6. Các con đi học được nhà trường và chính quyền địa phương giúp đỡ sách vở và miễn giảm học phí, nhưng cả hai cứ đòi nghỉ ở nhà.

Người phụ nữ dân tộc Tày giải thích: "Em đi cấy ngoài đồng, một buổi phải chạy về nhà 5 đến 6 lần. Anh ấy đi ra đường thì cứ lao đầu vào ô tô, hoặc không có người trông coi lại lấy dây tự treo cổ. Giờ em không biết phải làm sao nữa. Ở nhà trông anh ấy thì cả gia đình chết đói mất, mà em đi làm một chút thì lòng lại như lửa đốt. Đứa lớn cứ đòi thôi học để đi làm, còn đứa bé cứ đòi bỏ học để ở nhà trông bố. Em muốn các con học lấy cái chữ, nhưng hoàn cảnh gia đình thế này chắc em cũng phải cho chúng nó nghỉ thôi...".
Anh Phan Trung Tuyến, trưởng thôn Làng Vàng 1 cho biết, gia đình chị Hoa là hộ nghèo nhiều năm nay ở địa phương và chưa biết khi nào thoát nghèo. Hơn 10 năm gồng gánh chăm lo cho cả gia đình, thực sự đến lúc này chị đã sức cùng lực kiệt.
Vị trưởng thôn này nói thêm: "Bà con chúng tôi rất thương cảm hoàn cảnh gia đình chị, thường xuyên quyên góp giúp đỡ nhưng cũng rất hạn chế. Qua đây, là đại diện chính quyền địa phương tôi mong mỏi các tấm lòng nhân hậu hãy giúp đỡ gia đình họ, để anh Đoàn có cơ hội được tiếp tục chữa bệnh, 2 cháu không phải thôi học giữa chừng...".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Chị Chẩu Thị Hoa, thôn Làng Vàng 1, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang
SĐT liên hệ: 0946699517
Theo Hương Hồng/Dân Trí
Đọc thêm
Dù tật nguyền nhưng ngày nào chị Tuyền cũng đội nắng đội mưa đi bán vé số kiếm tiền. Chị mong rằng, công việc đó sẽ tạo ra nguồn thu nhập giúp chị có tiền nuôi hai con để chúng không chịu cảnh thất học.
"Nhiều khi tôi chỉ dám ngồi khóc một mình, cuộc sống bây giờ bế tắc thật sự rồi, không còn đủ sức để lo cho con và các cháu được nữa", bà Phạm Thị Ngọc tâm sự.
Để học được con chữ, để có tương lai tương sáng, các em học sinh nghèo ở xã biên giới Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã phải tá túc trong ký túc xá dột nát, ngủ trên sập gỗ, giường tre tạm bợ...
Tin liên quan
Cùng với nhu cầu về mức sống của con người tăng lên, hoạt động du lịch Camping cũng ngày càng trở thành món ăn tinh thần yêu thích của các bạn trẻ và nhiều gia đình trong các dịp nghỉ cuối tuần. Vậy, làm thế nào để có được một chuyến Camping đảm bảo đầy đủ các tiêu chí ngon - bổ- rẻ và an toàn?
Trong một năm chúng ta có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm như ngày Quốc tế phụ nữ, ngày phụ nữ Việt Nam, ngày Gia đình, ngày của Mẹ, ngày của Cha,... Vậy ngày của Mẹ là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa ra sao? Các bạn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Niệm Phật với mục đích nào cũng đáng khích lệ. Bởi nếu có niềm tin, có sự hành trì tinh tấn thì sẽ đều đạt được thành tựu, lợi ích.