5 nhân vật khiến Tư Mã Ý "khiếp vía": Khổng Minh chỉ đứng thứ 3, vậy ai là số 1?
Gia Cát Lượng được coi là kỳ phùng địch thủ của Tư Mã Ý khiến ông luôn dè chừng. Thế nhưng, vẫn còn 4 nhân vật khác cũng khiến Mã Ý lo sợ.
Tư Mã Ý là một trong những vị quân sư nổi tiếng nhất thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Tuy về sau quan điểm của người đời về vị quân sư này có nhiều trái ngược, nhưng cũng không thể phủ nhận tài năng của ông ta. Mã Ý là người biết giấu mình chờ thời, đợi đến khi nhà Tào Ngụy trải qua 3 đời hoàng đế, mới lập mưu làm phản. Sau này, ông một tay dọn đường để con trai Tư Mã Chiêu lật đổ nhà Tào Ngụy, lập nên nhà Tây Tấn.
Trong cuộc đời đầy sóng gió, Tư Mã Ý đã gặp không ít kẻ thù. Trong đó có 5 người mà ông luôn lo sợ nhất, chẳng hạn như Gia Cát Lượng. Vậy những cái tên còn lại kia là ai mà khiến Mã Ý phải thận trọng đến thế?
Vị trí thứ 5: Trương Cáp
Theo một số nguồn tin, Trương Cáp là người thứ 5 mà Tư Mã Ý lo sợ nhất. Trương Cáp là người cực kỳ dũng mãnh, là tướng nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông có tài chỉ huy quân đội, lại là công thần đặc biệt trung thành với Tào Tháo. Sinh thời, ông thường tỏ ra lấn lướt Tư Mã Ý trong chiều, dù bản thân Mã Ý mới là người chịu trách nhiệm thống lĩnh đại quân, chống lại những cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng.
Năm xưa, khi Gia Cát Lượng phát động Bắc phạt lần 4 thất bại và buộc phải rút lui, Tư Mã Ý là người sai Trương Cáp đuổi theo. Lúc này, Trương Cáp bất mãn nói: "Quân pháp dạy, vây thành tất phải mở lối thoát cho giặc, quân địch chạy chớ nên đuổi theo". Thế nhưng, Tư Mã Ý vẫn ra lệnh buộc Trương Cáp phải xuất quân. Thế rồi, trong cuộc truy kích vào năm 231 đó, Trương Cáp rơi vào bẫy mai phục của Gia Cát Lượng rồi bỏ mạng.
Vị trí thứ 4: Tào Chân
Trước khi Tư Mã Ý lên nắm binh quyền, Tào Chân mới thực là người chỉ huy chiến dịch của nhà Ngụy, chống lại những cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng (228 - 234). Trong Tam Quốc Chí, Tào Chân có họ hàng xa với Tào Tháo, nhưng cũng có thông tin cho rằng ông chỉ là con nuôi và được Tào Tháo đưa vào gia tộc.
Táo Chân là người chỉ huy đội kỵ binh tên Hổ báo Kỵ nổi tiếng của Tào Tháo, lập không ít công trạng. Sau khi Tào Tháo qua đời, Tào Chân còn phục vụ dưới quyền Tào Phi và Tào Duệ. Năm 226, Tào Phi trước khi qua đời liền giao cho con trai là Tào Duệ cho các công thần gồm Tư Mã Ý, Tào Chân và Trần Quần.
Lúc này, Tào Chân vô cùng lấn lướt Tư Mã Ý, nắm trong tay binh quyền, uy phong dũng mạnh. Tư Mã Ý lại luôn tỏ ra kính trọng, chỉ tập trung vào việc giáo dục Ngụy Minh Đế Tào Duệ. Chỉ đến khi Tào Chân qua đời, Tư Mã Ý mới có nhiều "đất diễn" và lên nắm binh quyền.
Vị trí thứ 3: Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng được người đời coi là kỳ phùng địch thủ của Tư Mã Ý. Trong giai đoạn Gia Cát Lượng phát động chiến dịch Bắc phạt, Tư Mã Ý chỉ có thể ở thế phòng ngự. Khi đó, nhà Tào Ngụy có số quân đông dảo hơn Thục Hán nhiều lần, binh lực cũng rất mạnh. Thế nhưng, Tư Mã Ý chỉ cố thủ , không hề khiêu chiến cũng chẳng hề phản công.
Dù Gia Cát Lượng có dùng chiêu khích tướng tới mức nào, Tư Mã Ý vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh, sẵn sàng chịu nhục. Có lẽ, biết mình không nắm chắc phần thắng, Tư Mã Ý sẽ không dại gì mà giao chiến trực diện với Gia Cát Lượng, ảnh hưởng đến vị thế của bản thân.
Vị trí thứ 2: Tào Phi
Tào Phi là người kế thừa di sản của Tào Tháo, và được coi là giống cha nhất ở tài "nhìn người". Một mặt Tào Phi cất nhắc, trọng dụng Tư Mã Ý, mặt kia lại hoàn toàn áp chế gia tộc Tư Mã. Tư Mã Ý biết tham vọng của Tào Phi, rất thận trọng và hết lòng phụng sự để tránh bị nghi ngờ có ý đồ xấu.
Cuối năm 220, Tào Phi là người đã ép Hán Hiến Đế Lưu Hiệp nhường ngôi, chính thức chấm dứt sự cai trị của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Đây là điều mà Tào Tháo khi còn sống chưa làm được. Chỉ tiếc, Tào Phi lên ngôi được có 6 năm thì qua đời ở tuổi 40. Một số chuyên gia nhận định, nếu Tào Phi sống lâu hơn thì Tư Mã Ý đã không có cơ hội làm phản.
Vị trí thứ 1: Tào Tháo
Người cuối cùng khiến Tư Mã Ý lo sợ nhất, không ai khác chính là Tào Tháo. Dưới thời Tào Tháo, Tư Mã Ý thậm chí còn chưa phải là quân sư, chỉ giữ chức quan bình thường, phụ trách công việc nội chính. Chỉ sau khi Tào Tháo qua đời, Tư Mã Ý mới có thể gây ảnh hưởng tới triều đình Tào Ngụy, lập nhiều công trạng và thăng tiến hơn.
Năm 215, trong một lần hiếm hoi mở lời cố vấn, Tư Mã Ý đã khuyên Tào Tháo nên tiến về phía nam Ích Châu sau khi đánh bại Trương Lỗ. Thế nhưng Tào Tháo đã gạt phắt đi, không coi trọng. Tư Mã Ý chỉ bắt đầu nâng tầm khi được Tào Tháo giao nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bảo cho con trai Tào Phi. Thậm chí, tương truyền rằng Tào Tháo từng nói lại cho con trai rằng: "Nếu Tư Mã Ý không dùng được thì cứ giết đi".
(Theo Kan China)
Xem thêm: Lưu Bị thay chủ như thay áo, vì sao các chư hầu vẫn đua nhau săn đón?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận