Lưu Bị thay chủ như thay áo, vì sao các chư hầu vẫn đua nhau săn đón?
Lưu Bị từng lang bạt nhiều nơi, thậm chí còn thay chủ như thay áo, vậy vì sao ông không hề bị mang điều tiếng bất nghĩa mà còn được chư hầu săn đón?
Lưu Bị (劉備) không phải là một cái tên xa lạ, mà ông là một vị thủ lĩnh quân phiệt nổi tiếng, còn gọi là Hán Chiêu Liệt Đế - vị hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dù còn nhiều nghi vấn, nhưng ông được sử sách ghi nhận là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán.
Lưu Bị vốn xuất thân nhà nghèo, phải tự lao động kiếm sống thời trẻ. Ban đầu, ông tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, rồi làm quan cho triều đình nhưng con đường hoan lộ không mấy suôn sẻ. Sau khi nhà Hán suy yếu, nổ ra chiến tranh, Lưu Bị cùng hai huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi gây dựng lực lượng rồi tham gia vào cuộc chiến. Thế nhưng, cuộc tranh hùng của ông không hề thuận lợi, nhiều lần gặp thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu.
Theo Tam Quốc chí, từ khi còn nhỏ Lưu Bị cùng Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên đã nhận Lư Thực - người có văn võ toàn tài làm thầy. Khi ấy, ông được truyền đạt và học hỏi rất nhiều, lại được cha của Lưu Đức Nhiên là Lưu Nguyên Khởi chu cấp. Vợ Nguyên Khởi từng hỏi: "Mỗi nhà mỗi cảnh, sao ta có thể mãi chu cấp cho nó?". Thấy vậy, Nguyên Khởi đáp: "Đứa trẻ ấy có cùng họ với ta, thật là người phi thường vậy".
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, do có nhiều phần hư cấu, lại thêm một số hành động thể hiện tính quyết đoán của Lưu Bị lại được gán cho nhân vật khác mà nhiều người không đánh giá cao ông. Thậm chí, không ít người nói rằng Lưu Bị là một người nhu nhược, không có tài năng gì, nhờ may mắn có các cận thần tài giỏi mà ông mới dựng được cơ nghiệp. Tuy nhiên, bộ chinh sử Tam quốc chí lại thể hiện Lưu Bị là vị tướng tài ba, biết ứng phó linh hoạt, có khả năng nhìn thấu nội tâm và thu phục nhân tài, đến Tào Tháo cũng đánh giá cao tài năng của ông.
Vì thế, việc Lưu Bị liên tục đổi phe, nương nhờ nơi này nơi kia mà vẫn được chư hầu săn đón là điều dễ hiểu. Có thể tóm gọn nguyên do bằng 4 điều mấu chốt này:
Tính cách được nhiều người yêu mến
Lưu Bị là người khoan hậu, nahan ái, vui buồn không lộ ra mặt, có người còn ví như mang bóng dáng của Hán Cao Tổ năm xưa. Ông rất khiêm tốn hòa nhã, cư xử khéo léo, bất luận đi tới đâu cũng được sự hoan nghênh, danh tiếng quả thực rất tốt. Thời loạn, khi các chư hầu đều hi vọng chiêu mộ được nhân tài, nếu có danh sĩ nổi tiếng như Lưu Bị, tất nhiên họ sẽ vui vẻ chào đón.
Không làm việc bất nghĩa
Quả thực, Lưu Bị từng phụng sự dưới trướng không ít người, nhưng ông tuyệt đối không làm chuyện bất nhân bất nghĩa. Dù có nhiều lần đổi chủ, nhưng ông đều có lý do chính đáng. Thậm chí, chính những lý do mà Lưu Bị đổi chủ còn khiến chư hầu nể phục sự trung nghĩa của ông.
Chẳng hạn, năm xưa khi tách khỏi Công Tôn Toản, Lưu Bị đã đưa ra lý do hợp tình hợp lý là đem quân giúp Đào Khiêm, cứu Từ Châu. Khi tạm biệt Tào Tháo, ông cũng nói là vâng mệnh của Hán Hiến Đế. Ngay cả khi theo Tào Tháo đánh Lữ Bố, ông cũng đưa ra một nguyên nhân đầy thích đáng: Lữ Bố là người đã phản bội và chiếm Từ Châu trước, không phải là đánh vô cớ.
Thân phận
Như đã nói ở trên, dù còn nhiều nghi vấn, nhưng ông được sử sách ghi nhận là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán. Năm xưa, khi rời núi gây dựng đại nghiệp, ông cũng tuyên bố với thiên hạ rằng mình là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán.
Về sau, dưới sự chứng kiến của quần thần, thân phận của ông được Hán Hiến Đế công nhận. Nhờ vậy, ông đường hoàng trở thành một "hoàng thúc" chính thức của Đại Hán. Dưới thời buổi loạn lạc, danh hiệu hoàng tộc của Lưu Bị có thể xem như một tấm kim bài.
Năng lực không thể xem thường
Bản thân Lưu Huyền Đức là người có năng lực lãnh binh đánh giặc tài ba, chưa kể hai người Quan Vũ - Trương Phi dưới trướng ông cũng là hai vị viên tướng hơn người. Vừa có thực lực, lại có nhân tài trung thành luôn trợ giúp, việc Lưu Bị được các bên thế lực săn đón lúc bấy giờ âu cũng dễ hiểu.
Vì thế, Lưu Bị từ một người mồ côi cha, phải cùng mẹ đi bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống đã có thể trở thành Hoàng đế Thục Hán. Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ).
Xem thêm: Gia Cát Lượng: Chỉ cần bảy câu nói có thể nhìn thấu một người
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận