Nên cúng đón ông Công ông Táo về nhà vào ngày bao nhiêu?
Việc cúng tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày nào thì ai cũng biết, nhưng thời điểm để cúng đón các vị về nhà thì còn nhiều thắc mắc.
Thờ cúng ông Công ông Táo là một trong những tập tục lâu đời trong tín ngưỡng của người Việt. Dù vậy, hiện nay không phải người trẻ nào cũng biết nên cúng đón ông Công ông Táo về nhà lúc nào.
Rước ông Công ông Táo về nhà ngày bao nhiêu?
Trước hết, cần hiểu rằng ông Công, ông Táo là các vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là gọi chung 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân làm lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về trầu trời.
Giáo sư Lê Văn Lan giải thích: Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết. Ngày xưa gọi là tiễn Táo quân về trời. Ngày nay, người dân gọi bằng Tết ông Công, ông Táo.
Tương truyền, ông Công, ông Táo sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng trong 7 ngày, từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp. Ngày đón ông Táo trở về như ngày đoàn tụ với thành viên gia đình, làm lễ rước ông Công, ông Táo về nhà cũng là cách bày tỏ được tấm lòng của gia chủ với vị thần linh này.
Do đó, thông thường gia chủ sẽ làm lễ cúng đón ông Công ông Táo về nhà vào ngày 30 tháng Chạp. Những năm lịch âm không có ngày 30 tháng Chạp, gia chủ sẽ làm lễ đón ông Công ông Táo về nhà vào ngày 29 tháng Chạp. Năm 2022 là năm Nhâm Dần, theo lịch âm thì không có ngày 30, do đó gia chủ làm lễ vào ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 31/1/2022).
Dù vậy, một số vùng miền, đặc biệt là miền trung như Vinh, Nghệ An,... lại có tập tục làm lễ ước ông Công ông Táo vào ngày mùng 7 tháng Giêng, cùng lúc với lễ tạ năm mới. Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng không định rõ ngày đón do các vị thần về trần sớm hay muộn là do lịch làm việc cụ thể mỗi năm của Thiên Đình, khi nào Ngọc Hoàng bãi triều thì Táo mới về.
Mâm cúng rước ông Táo về nhà cần những gì?
Tương tự như lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, lễ cúng rước các vị thần về nhà cũng là một nét đẹp truyền thống lâu đời. Do đó, mâm cúng vào ngày này cũng cần chuẩn bị tươm tất, dù gia chủ có thể thay đổi sao cho phù hợp với phong tục tập quán của từng khu vực và vùng miền:
- Lễ vàng mã: Gia chủ chuẩn bị 1 tập giấy tiền vàng mã, áo, hia, mũ (2 mũ của Táo ông, 1 mũ của Táo bà), một số thỏi vàng mã.
- Mâm cúng: 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo trắng, thịt lợn luộc hoặc gà luộc, 1 đĩa đồ xào, 1 bát chè ngọt, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, cau và lá trầu.
Sau khi chuẩn bị xong mâm lễ vật cúng, gia chủ đọc văn khấn rước ông Công ông Táo về nhà. Đợi khi hương nhang cháy hơn một nữa thì rải gạo xung quanh và tiến hành lễ hoá vàng mã. Sau khi hóa vàng mã xong, nghi thức rước ông Táo về nhà đã hoàn tất.
(*) Thông tin trên chỉ mang tính tham khảo.
Xem thêm: 20+ lời chúc Tết Nhâm Dần 2022 lãng mạn nhất dành cho vợ chồng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận