Chị Lê Thanh Nam và hành trình hơn 20 năm hiến máu: Mỗi người sẽ chọn 1 cách riêng để làm việc thiện, của tôi là hiến máu

Chị Lê Thanh Nam (Hà Nội) đến nay đã tham gia hiến máu cứu người hơn 20 năm, tổng cộng 104 lần, được ví như "sứ giả đỏ" giàu lòng nhân ái.

Chi Nguyễn
08:00 13/02/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhắc đến chị Lê Thanh Nam, người ta nhớ ngay đến một vị "sứ giả đỏ" có hơn 20 năm tham gia hiến máu. Đến nay, số lần hiến máu cứu người của chị đã chạm mốc 104 lần - một con số không tưởng. Hiện chị đang là nhân viên Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Người phụ nữ ấy kể, năm 1999, khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Nam hăng hái tham gia các hoạt động đoàn của phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong đó có phong trào hiến máu và vận động hiến máu nhân đạo.

Ngày đó, bố chị - một sĩ quan quân đội sau khi nghỉ hưu tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ của phường đã giải thích, vận động các thành viên trong gia đình đi hiến máu cứu người. Vì thế, không chỉ Nam mà cả mẹ, em trai, chị gái chị cũng đều tham gia. Nam nhớ lần đầu tiên đi hiến máu, lo lắng và hồi hộp đến nỗi phải đo huyết áp, nhịp tim đến 2 lần mới được.

hanh-trinh-hon-20-nam-hien-mau-cuu-nguoi-cua-chi-le-thanh-nam

Khi được các bác sĩ, các anh chị tình nguyện viên giải thích cụ thể, Nam thấy tự tin trước việc làm ý nghĩa của mình. Lần đầu tiên cầm tờ giấy chứng nhận hiến máu, Nam thấy thật đặc biệt khi biết được nhóm máu của mình, biết rằng lượng máu mình cho đi đạt tiêu chuẩn để truyền cho người bệnh.

Ngày đó, nhận thức của người dân về hiến máu chưa đầy đủ như bây giờ. Với tâm lý cho rằng máu rất quý, rằng “một giọt máu bằng sáu bát cơm”, nên nhiều người đã từ chối thẳng thừng khi bố chị vận động hiến máu. Có người kì thị gia đình chị bởi họ nghĩ cả nhà chị đi bán máu lấy tiền. Họ cấm con chơi với chị vì sợ chị rủ rê đi bán máu.

Lúc đầu Nam buồn và tủi thân lắm nhưng có bố luôn động viên nên chị vững tâm. Bố chị nói rằng từng giọt máu đều đáng quý nhưng điều quý giá hơn là mang lại sự sống cho nhiều người. Là người trở về sau cuộc chiến, bố chị hiểu rằng đồng đội của ông đã không tiếc máu xương để mang lại độc lập tự do cho đất nước. Được sống trong thời bình hôm nay, mỗi người hãy yêu thương san sẻ với đồng bào mình. Hãy cứ làm những việc có ích cho xã hội, rồi dần dần mọi người sẽ hiểu. 

hanh-trinh-hon-20-nam-hien-mau-cuu-nguoi-cua-chi-le-thanh-nam

Suốt những năm sau đó, chị Nam cùng người thân đều đặn đi hiến máu và vận động họ hàng, người quen làm theo. Đến nay, gia đình chị đã hiến tặng 176 đơn vị máu và được vinh danh là gia đình hiến máu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Bố chị năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn là “thủ lĩnh” của phong trào hiến máu ở khu dân cư.

Nhiều người thắc mắc, sao không huy động thật nhiều người hiến máu, tích trữ lâu dài để dùng dần, không lo thiếu. Những lúc đó chị Nam và đồng nghiệp phải giải thích cặn kẽ, rằng máu không phải là thứ để dành lâu dài, máu có hạn sử dụng trong vòng 35 ngày, còn tiểu cầu chỉ có thể sử dụng trong vòng 3-5 ngày.

Do nhu cầu về máu lớn và biến động từng ngày nên cái khó nhất là phải điều tiết nguồn máu dự trữ luôn ở mức ổn định, không thừa không thiếu. Để huy động được tối đa nguồn máu thì chị Nam và các đồng nghiệp phải tổ chức đa dạng các hình thức vận động hiến máu vào các thời điểm trong năm.

hanh-trinh-hon-20-nam-hien-mau-cuu-nguoi-cua-chi-le-thanh-nam

Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh về máu phải trải qua những ngày chờ đợi nguồn máu để được cứu sống, cơ thể họ yếu đến nỗi không để tự di chuyển được, chị Nam luôn thấy như mắc nợ họ. Vì thế, không chỉ dốc sức huy động nguồn máu từ cộng đồng, chị Nam còn tự đặt ra chỉ tiêu hiến máu cho bản thân.

Chị giải thích, một người khỏe mạnh bình thường sau 84 ngày sẽ đủ điều kiện tiếp tục hiến máu nếu cho máu toàn phần, nếu hiến tiểu cầu chỉ cần 21 ngày sau có thể hiến nhắc lại. Vậy là suốt những năm qua, cứ đủ ngày đủ tháng, đủ sức khỏe là chị lại san sẻ lượng máu trong cơ thể. Đáng nói, trong suốt những lần tham hiến máu, chị luôn luôn chọn mức cao nhất là 450ml.

Ngoài công việc bận rộn ở Khoa, chị Nam còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm miền Bắc với khoảng 300 thành viên đều là những người có nhóm máu hiếm Rh-. Theo thống kê, ở Việt Nam có rất ít người có nhóm máu này, chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số. Họ có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn bởi chỉ những người có cùng nhóm máu mới có thể truyền được cho nhau.

hanh-trinh-hon-20-nam-hien-mau-cuu-nguoi-cua-chi-le-thanh-nam

Trong chương trình "Việc tử tế" gần đây, chị tâm sự: "Mỗi người sẽ chọn 1 cách riêng để làm việc thiện. Với mình, thì mình duy trì hoạt động hiến máu. Khi đạt cột mốc lần thứ 100, mình lựa chọn ngày 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam để đi hiến máu". 

Theo CAND, VTV; Ảnh: FBNV

Xem thêm: Người đàn ông thích lo chuyện bao đồng ở Sài Gòn: Gần 30 năm sửa giày miễn phí cho sinh viên, người lao động nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận