Hai người em gái của ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì giúp sức thao túng chứng khoán

Mới đây, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố một người em gái của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vì hành vi giúp sức thao túng chứng khoán. 

Chi Nguyễn
17:30 05/04/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày 4/4 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết đơn vị vừa khởi tố, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Trịnh Văn Quyết. Bà Huế là cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, bị bắt để điều tra về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". 

Đến chiều ngày 5/4, theo nguồn tin của Tuổi trẻ Online, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trịnh Thị Thúy Nga - em gái ruột ông Quyết. Bà Nga là Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, được C01 xác định là đồng phạm giúp sức anh trai thực hiện hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán". Quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

hai-nguoi-em-gai-cua-ong-trinh-van-quyet-bi-bat-la-ai
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở FLC trong tối 29/3. Ảnh: Công an nhân dân

Đây là diễn biến mới khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) điều tra vụ thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC. Trước đó, vào ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh nói trên. Theo C01, việc làm của những bị can này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch FLC và Bamboo Airways, đảm nhiệm vai trò chủ tịch ở cả hai doanh nghiệp thay ông Quyết. Bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc FLC là người thực hiện toàn bộ quyền cổ đông tại FLC và Bamboo Airways thay ông Trịnh Văn Quyết. 

Theo điều tra ban đầu, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả. Điều này khiến giá cổ phiếu thuộc họ FLC được đẩy lên cao.

Nhóm ông Quyết đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Họ bị cho rằng đã thao túng để cổ phiếu liên tục tăng trong nhiều phiên, "lùa" nhà đầu tư. Hành vi tạo cung cầu giả này đã "tạo đòn bẩy" giúp giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên mức 24.000 đồng, tăng hơn 64%.

hai-nguoi-em-gai-cua-ong-trinh-van-quyet-bi-bat-la-ai
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Khi giá được đẩy lên giá "trần", cựu Chủ tịch FLC đã chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu với giá 22.586/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Quyết lại không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán theo quy định. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.

Ngày 10/1, sàn HoSE sau khi phát hiện giao dịch bất thường đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đề nghị phong tỏa các tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán mang tên ông Quyết. Ngay sau đó, Ủy ban đã  yêu cầu hủy giao dịch với 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch 5 tháng.

Theo Tuổi trẻ Online, VnExpress

Xem thêm: Trịnh Văn Quyết: Chủ tịch FLC đầy tham vọng, tỷ phú từng đứng số 1 sàn chứng khoán

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận