Giải pháp giảm tình trạng phá thai, phá thai không an toàn, giảm số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn

Pháp luật Việt Nam quy định phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng.

Chi Nguyễn
14:08 29/06/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phá thai đã được ghi chép trong y văn từ rất lâu. Trong quá khứ, phá thai là không an toàn và luôn gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe người phụ nữ. Cho tới nay, những tiến bộ trong y học nói chung và sự phát triển của các kỹ thuật phá thai an toàn, hiệu quả nói riêng có thể loại trừ hoàn toàn phá thai không an toàn và các ca tử vong liên quan đến phá thai không an toàn, nếu dịch vụ phá thai an toàn được phổ cập rộng rãi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, phá thai không an toàn là một thủ thuật chấm dứt thai kỳ ngoài ý muốn, do người không có các kỹ năng cần thiết thực hiện, hoặc được thực hiện trong môi trường không đạt với các tiêu chuẩn y khoa tối thiểu, hoặc cả hai.

giai-phap-giup-giam-tinh-trang-pha-thai-pha-thai-khong-an-toan
Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 208 triệu phụ nữ mang thai, trong đó số có thai trong kế hoạch là khoảng 59%, còn lại là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa

Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 208 triệu phụ nữ mang thai, trong đó số có thai trong kế hoạch là khoảng 59% (≈ 123 triệu). Số còn lại (41%, tương đương với khoảng 85 triệu) là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

Do tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai gia tăng, tỷ lệ mang thai trên toàn thế giới đã giảm từ 160 phụ nữ mang thai trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-44 năm 1995 xuống 134 trên 1.000 phụ nữ trong năm 2008. Tỷ lệ mang thai trong kế hoạch hay ngoài kế hoạch ở độ tuổi 15 - 44 đều đã giảm đi từ 91 và 69 trong 1.000 phụ nữ năm 1995 xuống còn 79 và 55 trên 1.000 phụ nữ năm 2008. Năm 2003, ước tính trên toàn thế giới có khoảng 42 triệu ca phá thai trong đó khoảng 20 triệu ca là phá thai không hợp pháp và được coi là không an toàn. Số ca phá thai không an toàn đã tăng lên 22 triệu vào năm 2008. Tỷ lệ phá thai không an toàn đã tăng từ 44% năm 1995 lên 47% năm 2003 và 49% năm 2008.

Hầu như tất cả các ca phá thai không an toàn xảy ra ở các nước đang phát triển (≈ 98%), đây cũng là những khu vực có tử vong mẹ cao và việc tiếp cận đến dịch vụ phá thai an toàn còn hạn chế. Mỗi năm trên thế giới có 358.000 ca tử vong mẹ, trong đó khoảng 47.000 ca có liên quan đến phá thai không an toàn (chiếm khoảng 13%) và khoảng 5 triệu phụ nữ bị tàn tật do các biến chứng do phá thai không an toàn (18). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong mẹ do phá thai không an toàn ở một số khu vực còn cao hơn rất nhiều. Theo báo cáo của WHO năm 2000, phá thai không an toàn là nguyên nhân của gần 1/3 số ca tử vong mẹ ở Tây Phi. Ở khu vực cận Sahara, con số này là 50%.

Báo cáo tình trạng dân số năm 2022 cho biết, trong tổng số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới, thì gần nửa trong số đó và cụ thể là 121 triệu ca là mang thai ngoài kế hoạch. Đối với phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng, họ không có lựa chọn trong việc có mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản có tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân quyền sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái, và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn. Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5-13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.

giai-phap-giup-giam-tinh-trang-pha-thai-pha-thai-khong-an-toan
Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về BPTT hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.

Theo kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Mặc dù tỷ số phá thai đã nhanh nhưng vẫn còn cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ số phá thai giảm từ 2,19% năm 1995, xuống 2,18% năm 2000, 1,0% năm 2005, 0,79% năm 2010. Năm 2018, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng có nạo/phá thai và hút điều hòa kinh nguyệt là 0,4%. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung… thậm chí đe doạ tính mạng. Cứ 1.000 VTN/TN nữ độ tuổi 15-24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ suất sinh con trước tuổi thành niên (10-17 tuổi) là 3,3 phần nghìn. Tỉ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên và nhóm trưởng thành còn cao, phá thai lặp lại khá phổ biến.

Một số chuyên gia nhận xét rằng, số trường hợp phá thai cũng như tỷ số phá thai thu được qua các cuộc điều tra là thấp so với thực tế, do những nguyên nhân là: một số phụ nữ được phỏng vấn đã không khai hoặc không khai hết số lần nạo hút thai vì còn e ngại do ảnh hưởng của tâm lý truyền thống; điều tra đã bỏ sót các trường hợp nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và phá thai ngoài hôn nhân, vì điều tra chỉ hỏi những phụ nữ 15-49 tuổi có chồng.

Có thể khẳng định rằng, tỷ số phá thai đã giảm nhanh, nhưng tình trạng phá thai vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nhất là phá thai đối với phụ nữ trẻ tuổi chưa xây dựng gia đình, thanh niên và vị thành thành niên. Nguyên nhân phá thai thường được phụ nữ đề cập là mong muốn sinh ít con hoặc giãn cách giữa các lần sinh; tiếp theo là do các yếu tố kinh tế xã hội khác như: sức khỏe, nghèo đói, không có việc làm, ảnh hưởng sự nghiệp, không đủ sức nuôi dạy, chăm sóc con cái sau khi sinh... Theo một nghiên cứu của UNFPA, có khoảng 68% số phụ nữ được hỏi đã đưa ra nguyên nhân phá thai là do khó khăn kinh tế hoặc do đói nghèo. Các quan hệ khác như chồng hoặc người tình không đồng ý giữ thai cũng tác động đến hành vi phá thai. Lý do còn quá trẻ hoặc lo sợ cha mẹ và người thân phản đối khá phổ biến ở các phụ nữ trẻ. Có khoảng 1/4 số bạn gái nói rằng “quá trẻ” là yếu tố để họ quyết định phá thai và 15% nói rằng không muốn cha mẹ hay những người khác biết rằng họ đã có thai.

giai-phap-giup-giam-tinh-trang-pha-thai-pha-thai-khong-an-toan
Phá thai lựa chọn giới tính là một lý do ngầm ở các nước Châu Á, đặc biệt là tập quán “trọng nam, khinh nữ”

Phá thai lựa chọn giới tính là một lý do ngầm ở các nước Châu Á, đặc biệt là tập quán “trọng nam, khinh nữ”. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự lựa chọn giới tính đã góp phần vào tỷ lệ phá thai cao ở phụ nữ Châu Á. Tuy vậy, nguyên nhân “giới tính” hầu như không được đề cập một cách công khai, bởi liên quan đến các vấn đề đạo đức. Phá thai để lựa chọn giới tính đã xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 1990 khi mà siêu âm để theo dõi thai nghén bắt đầu được sử dụng và ngày càng rộng rãi. Ngoài ra còn có một số lý do không được xác định cụ thể, gồm cả những lý do nhạy cảm như phá thai vì bị hiếp dâm; hoặc phá thai do áp lực của người khác. Đối với những phụ nữ chưa chồng thì vấn đề mối quan hệ bên ngoài là một trong những lý do chính thức dẫn đến hành vi phá thai nhiều hơn phụ nữ đã có chồng.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn ở vị thành niên và thanh niên, một số luật hiện hành  đã quy định một số nội dung liên quan đến phá thai, quyền được phá thai; tuy nhiên, còn thiếu các quy định pháp luật để quản lý hiệu quả dịch vụ phá thai, đồng thời giảm tỷ lệ phá thai vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm vị thành niên, thanh niên.

Pháp luật Việt Nam quy định phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện không nghiêm nên một bộ phận người dân tìm đến các dịch vụ phá thai không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người được phá thai.Từ những nguyên nhân phá thai, có thể thấy rằng kiến thức để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn còn hạn chế; chưa hiểu biết nhiều về tác hại của phá thai, nên đã lựa chọn phá thai thay cho các hệ lụy của việc mang thai, sinh con và đặc biệt là không có những ràng buộc về phá thai đối với người được phá thai và đối với cơ sở làm dịch vụ phá thai. Người cung cấp dịch vụ phá thai thu phí dịch vụ cao hoặc có thêm phụ cấp phẫu thuật. Việc thanh tra, kiểm tra không hiệu quả của cơ quan chức năng.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Bộ Y tế đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số, gồm: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Phá thai an toàn; (4) Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; (5) Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn ở vị thành niên và thanh niên, một số luật hiện hành  đã quy định một số nội dung liên quan đến phá thai, quyền được phá thai; tuy nhiên, còn thiếu các quy định quản lý hiệu quả dịch vụ phá thai, đồng thời giảm tỷ lệ phá thai vẫn còn ở mức cao, đặc biệt ở nhóm vị thành niên, thanh niên. Luật Dân số quy định chính sách “Phá thai an toàn” nhằm quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, giảm tỷ lệ phá thai và giảm ảnh hưởng của phá thai đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng phụ nữ.

giai-phap-giup-giam-tinh-trang-pha-thai-pha-thai-khong-an-toan
Luật Dân số quy định chính sách “Phá thai an toàn” nhằm quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, giảm tỷ lệ phá thai và giảm ảnh hưởng của phá thai đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng phụ nữ. Ảnh minh họa

Mục tiêu, nội dung chính sách, giải pháp thực hiện chính sách “Phá thai an toàn” trong đề nghị xây dựng Luật Dân số như sau:

1. Mục tiêu của chính sách

Quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, đặc biệt là phá thai ở vị thành niên và thanh niên nhằm giảm tỉ lệ phá thai, phá thai không an toàn, hạn chế các tác nhân có hại đối với sức khỏe phụ nữ, góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn và tiếp tục giảm dần sau năm 2030.

2. Nội dung chính sách

Quy định phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi hoặc phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người phụ nữ. Quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai, đặc biệt là phá thai ở vị thành niên và thanh niên.

3. Giải pháp thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do lựa chọn

a) Giải pháp thực hiện chính sách:

+ Quy định phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng; nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ. + Kiểm soát, quản lý chặt chẽ dịch vụ phá thai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phá thai bằng thủ thuật, phá thai nội khoa bằng thuốc chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện hoạt động, có cung cấp dịch vụ phá thai theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ thực hiện dịch vụ phá thai khi được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật. Lưu hồ sơ và định kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền khi thực hiện dịch vụ phá thai tại cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai.

+ Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các nội dung liên quan cho người cung cấp dịch vụ, người được phá thai và vị thành niên, thanh niên.

b) Lý do lựa chọn giải pháp:

Giải pháp bảo đảm quyền sinh sản của cá nhân, cặp vợ chồng; giảm tình trạng phá thai, phá thai không an toàn, phá thai trái phép; giảm số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn; giảm tác động gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người được phá thai; giảm vô sinh, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên giải pháp này có hạn chế là nếu việc tổ chức triển khai thực hiện quy định không nghiêm dẫn đến một bộ phận người dân tìm đến các dịch vụ phá thai không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của người được phá thai.

Xem thêm: Thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận