"Cựu binh" phố Wall bật mí thủ thuật khiến sự nghiệp thăng tiến: Hãy là con cò, đừng là chim bồ câu!
Tất nhiên, mỗi người sẽ có con đường lập nghiệp khác nhau, nhưng với "cựu binh" phố Wall Dave Liu, có 2 thủ thuật ông áp dụng để sự nghiệp thăng tiến.
Con đường thành công không bao giờ dễ dàng,và với những người da màu ở cộng đồng ít được quan tâm đúng mực, điều này còn khó khăn hơn. Họ dễ phải đổi mặt với những yếu tố như phân biệt đối xử, căng thẳng và dễ kiệt sức...
Dave Liu là một doanh nhân có tiếng, là "cựu binh" phố Wall và Thung lũng Silicon với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc. Trong suốt chiều dài sự nghiệp, ông đã phải đối mặt với những trở ngại, gặp khó trong việc thăng tiến.
Ông chia sẻ: "Tôi thấy có một số người làm việc ở cấp trung, nhưng không có ai ở cấp giám đốc điều hành. Và nó thực sự có tác động rất lớn đến tôi vì tôi là người luôn muốn thành công. Tôi muốn vươn lên, nhưng khi nhìn xung quanh, toàn là người da trắng. Và điều đó khiến tôi nhận ra rằng nếu tôi không học cách bứt phá, tôi sẽ mãi bị mắc kẹt ở cấp quản lý cấp trung".
Ông đã mày mò và tìm ra những thủ thuật vô cùng hiệu quả, giúp bản thân bứt phá trên con đường sự nghiệp. Ông đã huy động được hơn 15 tỷ đô la cho hàng trăm công ty, kinh doanh thành công trong nhiều lĩnh vực như thương mại, giải trí và trí tuệ nhân tạo.
Năm 2021, Dave Liu đã mang hết các thủ thuật nghề nghiệp tích lũy viết thành một cuốn sách. Đó là cuốn "The Way of the Wall Street Warrior: Conquer the Corporate Game Using Tips, Tricks, and Smartcuts". Đây là 2 thủ thuật đắt giá "cựu binh" phố Wall cho rằng có giá trị nhất:
Hãy là một con cò, đừng là con chim bồ câu
Liu cho biết, đây là câu nói thâm thúy được ông lấy cảm hứng từ tác giả nổi tiếng Hans Christian Andersen. Trong những câu chuyện của tác giả Đan Mạch này, con cò được biết đến là loài chim có ích khi chúng "giao những đứa trẻ đến người mẹ". Trong khi đó, chim bồ câu được biết đến với việc chỉ biết bay tới bay lui và biến mất.
Vị doanh nhân này giải thích: "Tôi sử dụng những con cò như một phép ẩn dụ cho việc luôn mang lại giá trị. Vì vậy, bất kể bạn đang tương tác với đồng nghiệp, sếp, khách hàng hay nhân viên nào, hãy nghĩ đến việc 'tôi có đang tạo ra thêm giá trị cho người này không'. Khi nhìn lại sự tương tác với ta, họ sẽ nói, 'ồ, quả là không lãng phí thời gian chút nào'; thay vì khiến họ nghĩ kiểu như, 'anh bạn, tôi ước gì tôi có thể tua ngược thời gian', bởi vì họ không nhận được gì từ sự tương tác với bạn".
Việc tự nhủ mình là con cò chứ không phải chim bồ câu, ta sẽ ý thức hơn trong việc xây dựng mối quan hệ ở nơi làm việc và đóng góp tích cực. Hãy dành thời gian giải quyết vấn đề, tóm tắt thông tin phức tạp hay đóng góp công sức cho một dự án. Điều này có nghĩa là ta đang tối đa hóa "lợi nhuận của thời gian mình đã bỏ ra".
Tìm ra lý do để mình làm việc
Khi còn nhỏ, Dave Liu đã phải chứng kiến cảnh mẹ mình phải vật lộn để kiếm sống và nuôi con. Đó là lý do mà ông quyết định chọn một nghề nghiệp có thể giúp đỡ mẹ và trả khoản nợ 100.000 USD. Giờ đây, sự nghiệp của ông vô cùng thành công, nhưng Liu vẫn ước mình có thể làm tốt hơn nếu làm theo triết lý Ikigai của Nhật Bản.
Ikigai có thể hiểu là "lý do của sự tồn tại". Bằng cách thử nghiệm với nghề nghiệp, sở thích và mối quan tâm, một người có thể khám phá ra ý nghĩa và niềm vui trong công việc của họ. Vì vậy, khi tư vấn nghề nghiệp cho ai đó, Liu luôn đặt ra 4 câu hỏi rằng:
- Bạn đam mê điều gì?
- Bạn giỏi trong lĩnh vực nào?
- Xã hội coi trọng cái gì?
- Xã hội sẽ trả giá cho những gì?
Theo "cựu binh" phố Wall, nếu ta có thể tổng hòa 4 yếu tố này, ta có thể tìm ra mục đích sống của mình. Liu giải thích: "Ở độ tuổi 20, nếu không phải thoát nghèo và trả nợ, tôi sẽ quay lại và nhắn nhủ bản thân rằng hãy tập trung vào bốn câu hỏi đó và dành những năm tháng tuổi trẻ để thử nghiệm, và cố gắng tìm ra ý nghĩa trong những gì mình làm. Bởi vì nếu bạn tìm thấy nó, bạn thực sự sẽ rất hạnh phúc".
Theo CNBC
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận