Tranh cãi nảy lửa: Có nên học đại học không khi cử nhân thu nhập không bằng cô bán hủ tiếu?

Chủ đề về việc học đại học hay bán hủ tiếu đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng, nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa về giá trị của tấm bằng đại học.

Chi Nguyễn
10:52 14/05/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Quả thực, có rất nhiều con đường dẫn đến thành công, nhưng con đường mà đa số người lựa chọn là bước chân vào đại học. Thế nhưng, sau 4 năm hay thậm chí 5,6 năm học, không phải ai cũng có thể chạm tay đến ước mơ của mình.

Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê, số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là khoảng 51 triệu người, giảm 180,9 ngàn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,44%. Theo số liệu vào năm 2019, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp 6 lần tỷ lệ thất nghiệp của người từ 25 tuổi trở lên.

cu-dan-mang-tranh-cai-nay-lua-chuyen-hoc-dai-hoc-hay-di-ban-hu-tieu
Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp, làm trái ngành...

Có thể thấy, mỗi năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp, làm trái ngành... Người may mắn có việc làm hay giữ được việc làm ngay cả trong thời điểm có dịch chưa chắc lương đã đủ để nuôi sống bản thân. Đứng trước sự thật trần trụi của cuộc sống trưởng thành, nhiều người trẻ hoài nghi về giá trị tấm bằng mà mình đã nhận được.

Học đại học hay đi bán hủ tiếu?

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện chủ đề khiến dân tình tranh cãi nảy lửa: Học đại học hay bán hủ tiếu? Chủ đề này bắt đầu từ dòng tâm sự của một nhân viên văn phòng trẻ: "Cô bán hủ tiếu bán 30.000 VNĐ/tô. Mỗi ngày cô bán được 80 tô. Lời mỗi ngày cô lời 800.000 VNĐ. 1 tháng thu nhập khoảng 24 triệu. Trong khi tôi đi làm 5 năm chỉ có 12 triệu VNĐ. Vậy bằng đại học có giá trị gì?".

Quả thực, theo chia sẻ của nhiều người, với mức lương khởi điểm 6 triệu VNĐ/tháng và mức lương 12 triệu VNĐ/tháng sau 5 năm đi làm, họ rất khó thoát nghèo. Với họ, giáo dục không phải là con đường ngắn nhất để đổi đời, còn việc kinh doanh bên ngoài có thể kiếm được nhiều tiền hơn mà còn thoải mái về tinh thần.

cu-dan-mang-tranh-cai-nay-lua-chuyen-hoc-dai-hoc-hay-di-ban-hu-tieu
Thu nhập bằng cử lương không bằng cô bán hủ tiếu?

Một người tên S.Đ. cho hay: "Tôi có 11 năm trong ngành khách sạn, lương tính ra chỉ có 300.000 VNĐ/ngày. Nay tôi ra mở quán bán súp, bánh tráng và trà tắc. Mỗi ngày có thể kiếm 400.000-500.000 VNĐ/tiền lời. Bán buổi chiều, sáng tôi có thời gian đi làm thêm, tưới cây cho nhà hàng, thêm 180.000 VNĐ/buổi. Gấp đôi lương tôi đi làm trước đây. Nhưng thoải mái tinh thần, không áp lực, không bị ai kiếm chuyện, nhất là nhân viên với nhau và cả sếp nữa. Mệt mỏi lắm".

Tuy nhiên, nhiều người khác lại tỏ ra không đồng tình với điều này, đưa ra nhiều dẫn chứng phản bác. Họ cho rằng, nhân viên văn phòng chỉ làm việc 8 tiếng/ngày, còn cô bán hủ tiếu phải làm việc 12 tiếng/ngày. Không chỉ vậy, nhân viên sẽ được nghỉ phép có lương hàng năm, còn bán hủ tiếu thì nghỉ không lương; hay lương nhân viên sẽ tăng theo thời gian còn lộ trình thì không.

cu-dan-mang-tranh-cai-nay-lua-chuyen-hoc-dai-hoc-hay-di-ban-hu-tieu
Nhân viên văn phòng chỉ làm việc 8 tiếng/ngày, còn cô bán hủ tiếu phải làm việc 12 tiếng/ngày

Một người dùng Facebook nhận định: "Làm cái gì cũng có cái giá của nó bạn ạ. Bán hủ tiếu phải thức khuya dậy sớm, khói bụi, không bảo hiểm, đội nắng đội mưa. Còn bằng đại học thì ngồi điều hòa, giờ giấc, công ty trả bảo hiểm đầy đủ, đi làm có xe đưa đón".

Một tài khoản khác thì quả quyết: "Học hay làm thì cũng phải tùy khả năng mỗi người. Bạn có chắc bạn có thể làm ngon, bán tốt được như cô hủ tiếu trong ví dụ không? Đi làm hay kinh doanh cũng thế, người giỏi thì mới kiếm được nhiều tiền, và tóm lại cứ phải học mới mở mang đầu óc được".

Ảo tưởng không học vẫn giàu nhanh hay sự thật trần trụi của cuộc sống

Hiện tại, chủ đề trên vẫn đang thu hút sự chú ý của dân mạng và nổ ra các cuộc tranh cãi nảy lửa. Tuy nhiên, đa phần dều cho rằng, việc so sánh giữa nhân viên văn phòng và người bán hủ tiếu là khập khiễng. 

Học đại học là một cách tối ưu để ta tiếp thu kiến thức, đồng thời rèn luyện tinh thần tự túc. Đại học có nghĩa là tự học, hầu hết thời gian sinh viên sẽ dành để tự nghiên cứu, học hỏi, còn giáo viên chỉ còn vai trò là người hướng dẫn, chỉ đường. 

cu-dan-mang-tranh-cai-nay-lua-chuyen-hoc-dai-hoc-hay-di-ban-hu-tieu
Học đại học không phải là đích đến, nhưng nó là bước đà để ta tiến tới thành công

Sau khi tốt nghiệp, hầu hết chúng ta đều cầm trên tay một tấm bằng cử nhân, yêu cầu tối thiểu để tham gia thị trường làm việc. Khi đi làm, nhân viên văn phòng thường làm việc cố định từ 8h sáng đến 5 chiều/ngày. Ta có ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ phép, chưa kể có cơ hội tăng lương hay thăng chức. Học đại học không phải là đích đến, nhưng nó là bước đà để ta tiến tới thành công.

Trong khi đó, cô bán hủ tiếu sẽ phải dậy từ 3-4h sáng để dọn hàng, chuẩn bị đồ ăn để bán. Họ sẽ phải chịu nắng mưa đứng bán hàng ngoài trời, làm việc ít nhất 12 tiếng/ngày. Họ chấp nhận việc thu nhập bấp bênh, ngày lỗ ngày lời. Sau 5-10 năm, thu nhập của cô bán hủ tiếu vẫn vậy, trừ khi cô có thể "đổi đời" mở cửa hàng hay chuỗi thương hiệu, điều không phải ai cũng có thể làm được.

Suy cho cùng, học đại học hay bán hủ tiếu chỉ là hai trong số nhiều con đường để thành công. Dù đi học rồi đi làm công sở hay kinh doanh buôn bán, đâu cũng có nỗi khổ riêng. Nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng thế mạnh của mình, chúng ta đều có cơ hội để thành công, dù là lựa chọn làm nghề gì đi chăng nữa.

Chia sẻ gây bão của CEO Shopify Tobias Lutke: Không nhất thiết phải làm việc quần quật 80 tiếng/tuần mới thành công

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận