Nghị lực phi thường của cô giáo một tay ở Sài Gòn chăm nom trẻ tự kỷ suốt 27 năm
Nhìn cô giáo Võ Thị Tuyết chỉ có một cánh tay vẫn nhẹ nhàng bế ẵm, thủ thỉ với trẻ tự kỷ, ai nấy đều cảm thấy cảm động, rưng rưng nước mắt.
Suốt gần 30 năm qua, cô giáo Võ Thị Tuyết (56 tuổi) cứ miệt mài gắn bó với trẻ tự kỷ. Cô làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, quận 3, TP.HCM. Vừa qua, cô vinh dự được trao giải thưởng Võ Trường Toản sáng 17/11, vì có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục ở địa phương.
Được biêt, cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Củ Chi. Bản thân cô cũng bị mất cánh tay phải vì không may trúng bom khi nhỏ. Ban đầu cô rất buồn, thường chất vấn bố mẹ tại sao không ra ngoài ấp chiến lược mà phải ở trong vùng chiến sự.
"Ba tôi chia sẻ rằng nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, không biết phần mộ ở đâu nên tuy gia đình ta có mất mát, con không được đầy đủ hai tay nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác", nữ nhà giáo U60 nhớ lại. Qua những lời động viên của bố, cô dần hiểu và lấy đó làm động lực, cố gắng học làm mọi việc bằng một tay.
Năm 1989, cô Tuyết tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TP HCM ngành Ngữ văn. Sau đó, cô về giảng dạy tại cô nhi viện ở Đồng Nai. Khoảng 4 năm sau, cô lập gia đình, rồi nhanh chóng có em bé. Trong lúc nghỉ thai sản, cô tình cờ đọc được một bài báo viết về những khó khăn của trẻ khuyết tật trí tuệ và nỗi lòng của cha mẹ các bé.
Nữ nhà giáo bộc bạch: "Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ làm tốt công việc này, thâm tâm tôi thôi thúc phải tìm cách giúp đỡ những em bé khuyết tật trí tuệ". Nghĩ là làm, năm 1997 cô xin nghỉ, rồi tới xin việc ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở quận 3.
Vốn là giáo viên dạy Văn, nay chuyển hướng sang dạy trẻ khuyết tật, cô Tuyết gặp rất nhiều khó khăn. Đã khó ẵm bồng các bé, cô còn không biết tương tác với trẻ vì thiếu kiến thức. Thế là, cô giáo đăng ký học thêm văn bằng hai ngành Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP HCM và tham gia nhiều khóa học về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập, các chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm lý trị liệu.
Mỗi ngày cô Tuyết đều dậy sớm, rời nhà từ 5h30 để bắt hai chuyến xe buýt từ huyện Hóc Môn đến nơi làm việc. Cô kể có lần vừa đến nơi, phụ huynh một bé hai tuổi tìm gặp, rồi bật khóc, nói "cô ơi, con em nay biết em rồi đó. Nó chỉ tay và biết mẹ rồi, em mừng quá". Cô cũng vui lây vì phương pháp can thiệp đã có hiệu quả, trẻ chuyển biến tích cực.
Một lần khác, học sinh vừa khỏi ốm, quay lại trường sau vài ngày nghỉ liền chạy lại ôm, cắn vào bả vai của cô Tuyết. Tuy rất đau nhưng cô hiểu đó là cách học trò bày tỏ nỗi nhớ với mình. Cô kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích cho trẻ cách làm thế nào để diễn tả cảm xúc nhớ nhung mà không làm cô đau.
Khuyết một cánh tay, cô Tuyết biến điều đó thành lợi thế. Với những động tác như vỗ tay, tương tác với học sinh, cô thường thủ thỉ nhờ học trò giúp cô như cánh tay còn lại của mình. Nhờ thế các em mạnh dạn tương tác hơn, khoảng cách giữa cô và trò gần hơn.
Mỗi đứa trẻ khi được đưa đến lớp cô Tuyết đều trải qua một bài kiểm tra để xác định, so sánh tuổi trí tuệ và tuổi đời thực. Từ đó, cô Tuyết lên giáo án dạy và tương tác với trẻ cho đến khi tuổi trí tuệ ngang bằng với tuổi đời hoặc đến tối đa 4 tuổi. Sau 4 tuổi, các em cần tham gia các lớp can thiệp nâng cao. Lớp học chỉ có một cô một trò và phụ huynh bên cạnh để quan sát, học cách dạy con và giúp đỡ cô khi cần.
Suốt 27 năm qua, cô đã dạy không biết bao nhiêu đứa trẻ khuyết tật trí tuệ và giúp họ nên người. Cô có một chiếc hộp lưu giữ những tấm thiệp học trò tặng, dù chúng khá vụng về với các nét vẽ hình trái tim, bông hoa, bầu trời, bãi cỏ. Thế nhưng, với cô, đó là một kho báu vô cùng quý giá.
Về hành trình của mình, cô nói không thể thiếu sự đồng hành, yêu thương của chồng và hai con. Con gái lớn của cô cũng đang làm kỹ thuật viên tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật. Nữ nhà giáo tâm sự: "Tôi hạnh phúc mỗi khi phụ huynh đưa con về thăm. Các con miêu tả cô đã thay đổi thế nào, như trước đây cô có tóc dài nay đã thành tóc ngắn, có khi gọi mình là má Tuyết. Tôi hiểu các con nhớ và thương mình".
Theo Lệ Nguyễn/VnExpress
Xem thêm: Cô giáo Cao Lan mở lớp dạy miễn phí, dành tình thương đặc biệt cho trẻ khuyết tật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận