Có bằng thạc sĩ trong tay, cô gái người Dao lại thử sức livestream bán hàng, mở hướng đi mới cho nông dân

Có bằng thạc sĩ nước ngoài trong tay, nhưng Chảo Thị Yến vẫn thử sức livestream bán hàng, hi vọng tìm ra hướng đi mới cho bà con nông dân.

Chi Nguyễn
09:26 28/07/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chảo Thị Yến (SN 1991, xã Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai) vốn nổi tiếng là một tấm gương vượt khó, tìm cách thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Cô là người dân tộc Dao Tuyển đầu tiên nhận được học bổng du học toàn phần trị giá 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).

Sau 2 năm nỗ lực, cô xuất sắc tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững (ĐH Goettingen, Đức và ĐH Padova, Italy). Câu chuyện của Yến như tiếp thêm động lực, niềm tin cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ, thay đổi nhận thức của bà con vùng cao.

co-bang-thac-si-trong-tay-co-gai-nguoi-dao-van-livestream-ban-hang

Tốt nghiệp xong, cô gái người Dao quay về nước, làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ. 9x cũng thực hiện nhiều dự án về giá trị tri thức bản địa, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày nghỉ, cứ rảnh tay là Yến lại quay video quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình, rồi chia sẻ lên mạng xã hội.

Nào ngờ, những video clip của cô trở nên viral, thu hút rất nhiều người xem. Giờ đây, kênh TikTok của Chảo Thị Yến đã có hơn 325.000 lượt người theo dõi, mang lại hiệu quả rất lớn cả về mặt hình ảnh lẫn giá trị kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng.

Cũng chính lúc này, 9x nhận ra mục tiêu của mình không còn chỉ là thoát nghèo nữa. Cô tâm sự: "Nếu chỉ nói và truyền cảm hứng theo cách trước đây thì tôi sẽ mãi mãi chỉ là người truyền cảm hứng trên giấy, thạc sĩ giấy mà thôi. Tôi phải làm giàu, phải có nền tảng kinh tế vững chắc thì tiếng nói của tôi mới có trọng lượng và tạo được sinh kế cho cộng đồng".

co-bang-thac-si-trong-tay-co-gai-nguoi-dao-van-livestream-ban-hang

Cuối cùng, Chảo Thị Yến quyết tâm nghỉ việc ở thành phố, nung nấu ý định về quê nhà lập nghiệp. Biết tin, gia đình cô hết mực phản đối, nhưng cũng không thể ngăn cản được cô. 9x bộc bạch: "Tôi phải làm thế nào để vừa sống với đam mê, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi không thể nghĩ cho người khác quá nhiều khi bụng mình còn đói. Đó là lý do vì sao tôi có ý định về quê làm kinh tế".

Tháng 5/2022, Yến may mắn được tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, được gặp những người thành đạt trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã giúp Yến thay đổi cách nghĩ, cách làm và đủ can đảm về quê khởi nghiệp. Đầu năm 2023, cô chính thức trở về nơi mình sinh ra để bắt đầu cho một hành trình mới. 

Vốn là thạc sĩ về tài nguyên rừng bền vững, chuyển sang kinh doanh khiến cô gặp không ít khó khăn. Nhận thấy bán hàng qua MXH rất tiềm năng, cô liền thử sức lần sân qua đây. Cùng với người dân bản địa, cô bắt đầu bán các mặt hàng đặc sản quê hương như nông sản, dược liệu, bài thuốc của người Dao…

co-bang-thac-si-trong-tay-co-gai-nguoi-dao-van-livestream-ban-hang

Chảo Thị Yến tâm sự, cô từng rất e ngại việc livestream, sợ mọi người nói có bằng thạc sĩ nước ngoài cũng chỉ về bán hàng online. Cô nói: "rước kia, tôi cũng khá kì thị việc livestream. Tôi ghét sự ồn ào của việc bán hàng trực tiếp trên mạng. Nhưng dần dần, tôi nhận thấy livestream là một nghề được xã hội đón nhận". 

9x cho rằng, khởi nghiệp mà không thể tự livestream bán hàng của mình thì sẽ bị tụt hậu về việc quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Trong chuyến đi Bắc Giang để quảng bá du lịch, nông sản cuối tháng 6 vừa qua, cô được hướng dẫn cách livestream rất bài bản. Cũng nhờ đó, cô vượt qua mặc cảm, bắt đầu "tập tành" hình thức kinh doanh này.

Sau 2 tháng cho khách hàng online trải nghiệm sản phẩm và tiếp nhận phản hồi tốt, Chảo Thị Yến quyết tâm đầu tư phát triển lợi thế sản phẩm nông sản của quê hương. Đầu tháng 7, cô chính thức trở thành Giám đốc HTX (hợp tác xã) Tri thức bản địa Goong. 

co-bang-thac-si-trong-tay-co-gai-nguoi-dao-van-livestream-ban-hang

"HTX sẽ làm những sản phẩm liên quan tới tri thức bản địa của người Dao, những bài thuốc nam, dược liệu, nông sản… được khai thác sản xuất theo cách của người xưa. Tôi sẽ áp dụng khoa học công nghệ một cách bài bản để nâng tầm giá trị tri thức bản địa”, Yến hào hứng giới thiệu.

9x đứng ra thu mua nông lâm đặc sản của bà con, rồi lại hướng dẫn họ khai thác bền vững và bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Chẳng hạn, khi nông dân đi thuhasi củ thổ phục linh, củ khúc khắc rừng, cô hướng dẫn họ chỉ lấy củ to đã đủ tuổi. Những phần củ non sẽ được trồng lại để chờ lần khai thác sau. Khi khai thác nguyên liệu cho bài thuốc lá tắm của người Dao, Yến đề nghị mọi người chỉ khai thác cành lá, không được lấy rễ và phần thân gỗ, không khai thác tận diệt để cho cây tồn tại và phát triển. 

Cô giải thích: "Tôi học lâm nghiệp nên tôi hiểu rất rõ cách làm sao để khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Những ai không tuân theo quy tắc tôi đưa ra, tôi sẽ từ chối mua hàng của họ. Vì tôi thu mua giá cao, nếu họ không nghe theo họ sẽ bị thiệt". Dù mới chỉ là khởi đầu, Chảo Thị Yến đang cùng người dân mở ra con đường mới, tạo sinh kế ổn định, đồng thời giữ gìn và phát triển tri thức bản địa. Cô cũng mong một ngày không xa, bản làng nơi mình đang sinh sống sẽ có lưới điện quốc gia để phục vụ cuộc sống và kinh doanh của người dân nơi đây.

Theo Vietnamnet

Xem thêm: Chuyện của Chảo Thị Yến - từ bản người Dao đến học bổng ở trời Âu: Học không chỉ thoát nghèo mà còn phải giàu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận