Chuyện của Chảo Thị Yến - từ bản người Dao đến học bổng ở trời Âu: Học không chỉ thoát nghèo mà còn phải giàu

Chảo Thị Yến là người đầu tiên ở xã giáp biên giới Việt - Trung về miền xuôi theo học Đại học. Và Yến cũng là người đầu tiên giành được học bổng 50.000 USD từ trường Đại học danh giá của Đức. 

Đỗ Thu Nga
09:26 08/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dùng 3 năm thanh xuân thuyết phục gia đình cho đi học

Chảo Thị Yến (SN 1990) là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Yến chính là cô gái đầu tiên của xã vùng biên giới Việt - Trung nhận học bổng toàn phần với giá trị hơn 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) từ trường Đại học danh tiếng Gottingen (Đức).

Thế nhưng, ít ai biết được, để có thể tiếp tục đi học, theo đuổi ước mơ của mình, Yến đã phải dùng đến 3 năm thanh xuân để thuyết phục gia đình. Chảo Thị Yến từng tâm sự, sau khi tốt nghiệp THCS Nậm Chạc thì xin nghỉ học. Cũng như bao gia đình miền núi khác, bố mẹ không đủ điều kiện cho con học tiếp, chỉ có thể ở nhà đi làm nương rẫy và lấy chồng.

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc-8
Quê hương của Chảo Thị Yến

Mỗi lần Yến xin bố mẹ cho đi học, dân bản lại xầm xì nhỏ to: “Đã nghèo rồi còn đi học, đi thì lấy ai đi lên nương phụ bố mẹ. Con gái đi học sau về cũng nuôi nhà người ta”. Nghe thấy thế, bố mẹ Yến lại càng cương quyết giữ cô ở nhà.

Không được đi học, ngày ngày Yến vác cuốc lên rẫy lao động cùng gia đình. Càng nếm trải sự khổ cực của nghề làm rẫy, Yến lại càng quyết tâm quy về con đường học tập. Suốt 3 năm trời không ngày nào Yến không nhắc đến chuyện đi học. 

Với quyết tâm cao của Yến cộng với sự giúp đỡ của thầy Bùi Chí Thanh - hiệu trưởng trường THCS Nậm Chạc, bố mẹ cuối cùng cũng xuôi lòng, cho con gái học tiếp cấp 3. Yến ước mơ thi khối C để trở thành cô giáo. Thế nhưng, ước mơ đó đã thay đổi khi Yến chứng kiến trận lũ lịch sử vào năm 2008.

Ký ức khủng khiếp về trạn lũ cuốn trôi cả một làng bản, tàn phá ruộng nương do hành động phá rừng của con người khiến Yến quyết tâm chuyển từ thi khối C sang khối A. Yến mong muốn được vào trường ĐH Lâm nghiệp để làm kiểm lâm bảo vệ rừng.

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc
Yến muốn đi học để lấy kiến thức về bảo vệ quê hương

Cuối cùng, Yến cũng trở thành người đầu tiên trong xã xuống dưới xuôi học đại học (dù mức điểm đậu không cao). Ở kỳ đầu tiên của Đại học, khi nghe nhà trường giới thiệu về ngành đào tạo tiên tiến, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, Yến đã nộp đơn xin học ngành này.

Từ những chán nản, muốn bỏ cuộc năm đầu Đại học do không biết ngoại ngữ, Yến quyết tâm học tiếng Anh. Từ sinh viên có điểm dưới trung bình, Yến vươn lên trở thành sinh viên xuất sắc của lớp.

Yến không chỉ cố gắng học tập mà còn tận dụng thời gian rảnh để xin làm việc ở sân golf ở gần trường nhằm tăng thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ ở quê nhà. 

Đến năm 3 Đại học, kỳ nào Yến cũng giành học bổng cho sinh viên xuất sắc. Điểm khóa luận tốt nghiệp của Yến cao thứ 2 toàn khóa, điểm tổng kết chung xếp thứ 3 toàn khóa. 

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc-2
Chảo Thị Yến còn muốn đi học để trở về làm giàu

Sau khi tốt nghiệp ra trường (tháng 12/2014), nhờ vốn tiếng Anh tốt, Yến làm phiên dịch cho một công ty may, rồi làm bộ phận chăm sóc khách hàng cho một công ty du lịch ở Lào Cai. Nhưng giấc mơ ngày nào vẫn còn nguyên đó, Yến vẫn luôn mơ ước được đi học thêm, được đem kiến thức mình có về bảo vệ rừng.

Và bằng những khát khao cháy bỏng, một bước ngoặt mới cũng được mở ra, nó là đòn bẩy giúp ước mơ bảo vệ rừng của Chảo Thị Yến dần dần trở thành hiện thực. Sau thời gian vừa đi làm vừa kiên trì xin học bổng du học, Yến chính thức nhận được học bổng của chương trình SUFONAMA, theo học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của trường ĐH Gottingen (Đức). Đây là gói học bổng trong 2 năm có trị giá 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng).

Đi để trở về làm giàu cho quê hương

Khi biết Yến chuẩn bị đi du học, bà con dân bản vui mừng lắm. Một số người đã nhận ra rằng, học không xấu như họ nghĩa. Nhưng vẫn có nhiều người không muốn cho con cái đi học. 

Về phần gia đình Yến, sau khi thấy con gái có những thành công ban đầu, cha mẹ đã thay đổi suy nghĩ. Trước khi Yến "xuất ngoại", bố còn dặn: "Cố gắng lên con gái, con đừng nghĩ nhiều về bố mẹ và gia đình, con hãy cố lên, những ngày tháng vất vả sắp qua rồi”.

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc-7
Yến và người thầy Lee Macdonald truyền cảm hứng, động lực cho cô chinh phục ước mơ du học

Khi được hỏi về dự định sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, Yến băn khoăn: "Em cũng không biết thế nào. Bạn em nói rằng, nếu về nước thì sẽ không có việc làm nhưng em thì vẫn muốn về nước làm việc hơn".

"Em rất thích hướng nghiên cứu về quản lý lưu vực, thủy văn nên em mong muốn được áp dụng những kiến thức học được vào công việc ở Việt Nam sau này" - Yến nói. Em cũng cho biết, chính các thầy giáo trong Trường ĐH Lâm nghiệp, đặc biệt là thầy giáo người Mỹ - GS Lee Macdonald và thầy Bùi Xuân Dũng, người hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của em chính là những người đã truyền thêm cảm hứng và giúp đỡ em rất nhiều.

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc-111

Khi được hỏi rằng, em là cô gái sinh ra ở vùng cao mà lại thích theo đuổi nghiên cứu như vậy thì bố mẹ em có phản đối không? Yến cười nói rằng, khi nghe em giành được học bổng và sang Đức học, mẹ em chỉ nói với em là: "Mày cứ đi học thế thì bao giờ mới lấy chồng?". "Bây giờ em về làng thì đã trở thành già làng rồi. Các bạn bằng tuổi em đều đã lấy chồng và sinh con cả", Yến cười nói.

Yến lên đường sang Đức để học thạc sĩ với ước mơ của mình. Thế nhưng, ước mơ nhỏ của cô gái dân tộc Dao còn mang theo một ước vọng lớn hơn cho vùng quê Nậm Chạc của mình.

Trong bài luận nói về lý do xin học bổng gửi tới trường ĐH của Đức, Yến viết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi với trình độ dân trí của người dân rất thấp. Những người ở quê tôi không cho con cái họ, nhất là các bé gái đi học cấp 3 hay đại học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng như sự lạc hậu trong nhận thức".

Chuyen-cua-co-gai-nguoi-Dao-gianh-hoc-bong-50-000-USD-o-Duc-6
Trước ngày Yến lên đường sang Đức, bà con đã đến chúc mừng cô

"Nếu tôi có cơ hội ra nước ngoài học, nó sẽ giúp thức tỉnh những người dân quê tôi. Họ sẽ nhận ra sự quan trọng của việc đi học và nhiều trẻ em quê tôi sẽ được đi học ở trường cấp 3 và đại học. Sẽ có thêm nhiều trẻ em vượt qua được những khó khăn của cuộc sống, vượt qua được điều kiện kinh tế khó khăn và sự lạc hậu trong nhận thức của cha mẹ chúng để có được một tương lai tươi sáng hơn".

"Thành công còn là cả khi tôi dám thoát khỏi lớp vỏ bọc, dám mơ ước được bay cao, bay xa như bao người. Hay đúng hơn, tôi vốn đã thành công ngay từ giây phút tạo hóa cho tôi được làm con của bố mẹ. Dù có nghèo, có vất vả nhưng chính hoàn cảnh đó đã tôi luyện tôi thành một người kiên cường".

[Chảo Thị Yến]

Xem thêm: Hành trình từ rẫy cà phê tới Amazon của chàng trai Tây Nguyên: Muốn đi du học để trở về Việt Nam cống hiến

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận