9x bỏ lương 6.000 USD/tháng ở Google về nước khởi nghiệp: Ở trời Tây sống như thiên đàng, nhưng vẫn chọn trở về

Lê Yên Thanh đã từ mức lương khủng, môi trường sống tốt, được phục vụ từ A đến Z như Google để về Việt Nam lăn lộn khởi nghiệp với dự án vỏn vẹn 9 người. Với chàng trai 9x ấy, khó khăn mới có thể tôi luyện con người.

Đỗ Thu Nga
16:47 06/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vì sao Lê Yên Thanh từ chối Google?

"Gương mặt trẻ tiêu biểu", "Nhân tài đất Việt 9X", "Đường đến Google của chàng sinh viên An Giang"... không khó để bạn tìm thấy những bài viết xoay anh cái tên Lê Yên Thanh (sinh năm 1994, quê An Giang), người được mệnh danh là chàng trai vàng của Tin học Việt. 

Năm 2015 được xem là bước ngoặt vô cùng lớn với 9X quê An Giang. Anh trở thành thực tập sinh tại Google (Mỹ) với mức lương 6.000 USD/tháng. Kết thúc khóa thực tập, Thanh nhận được lời đề nghị ở lại làm việc. Thế nhưng, anh quyết định từ chối để trở về quê hương theo đuổi giấc mộng công nghệ của mình, dù biết nó sẽ lắm chông gai.

9x-bo-luong-6-000-USD-thang-o-Google-ve-nuoc-khoi-nghiep-4
Lê Yên Thanh có bảng thành tích trong mơ từ thời học sinh

Nói về hành động liều lĩnh ấy, Lê Yên Thanh cho biết, mọi thứ đơn giản vì muốn được học hỏi. Anh mô tả: Ở Google mình có lương cao, công việc nhiều người mơ ước, đồ ăn miễn phí, môi trường thân thiện. Nhưng, tất cả những chế độ tuyệt vời đó không giúp mình phát triển hơn được nữa. Google đã là một "ông lớn", tồn tại trong tập thể đó mình chỉ là một thành phần nhỏ đến rất nhỏ, mình không có sức ảnh hưởng, không có tiếng nói và mãi mãi mình cũng chẳng làm được điều gì lớn lao.

Lên Yên Thanh cho biết thêm, bản thân sợ cảm giác ngủ quên trên chiến thắng, trong môi trường quá ổn định ở Google. “Ngày hôm nay bạn là người dẫn đầu không có nghĩa ngày mai vẫn thế. Bản thân mình không đặt mình vào thế khó thì không thể nào phát triển được”. Với suy nghĩ đó, Yên Thanh quyết định thu dọn hành lý, về nước. Anh xác định, ban đầu là ép bản thân mình phải tiến bộ hơn.

9x-bo-luong-6-000-USD-thang-o-Google-ve-nuoc-khoi-nghiep-4

Trong một bài phỏng vấn khác, Yên Thanh chia sẻ rằng, môi trường nước ngoài tốt hơn Việt Nam nhiều. "Mình qua Mỹ có 3 tháng thôi mà mình thấy giống như được sống trên thiên đàng. Bên đó khí hậu mát, xe cộ thoải mái, tất cả mọi thứ đều rẻ. Ở đây thì vật giá mắc, hệ tầng giao thông chưa tốt, khí hậu thất thường, môi trường ô nhiễm. Nhưng mà, môi trường sống chỉ là một yếu tố nhỏ. Nhiều người thấy ở nước ngoài sống tốt muốn ở lại. Mình lại nghĩ, ra nước ngoài thấy họ sống tốt rồi phải trở về Việt Nam phải làm gì đó để nước mình cũng có một môi trường sống và làm việc tốt như họ".

Pha gọi vốn 1,5 triệu đô từ bản đồ xe buýt online

Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với những người trẻ, nhất là những người không có nền tảng kinh tế gia đình vững chắc, vừa chân ướt chân ráo về nước. và Yên Thanh cũng là 1 trong số đó.

Ý tưởng thì có nhiều nhưng làm thế nào để hiện thực hóa nó là chuyện không hề đơn giản. Sau nhiều cân nhắc, Yên Thanh quyết định khởi nghiệp với BusMap - bản đồ xe buýt online.

Ứng dụng này vốn là ý tưởng và được xây dựng từ khi Yên Thanh còn là sinh viên. Những năm đầu từ An Giang lên TP.HCM học tập, 9x chủ yếu di chuyển bằng xe buýt và việc tìm các tuyến đường đi xe của xe khác khá khó khăn nên mày mò làm. Ứng dụng BusMap ban đầu là ứng dụng hỗ trợ xe buýt dành cho đối tượng sinh viên.

Sau khi quyết định khởi nghiệp, Lê Yên Thanh đặt mục tiêu tạo thành sản phẩm thực thụ cho mọi đối tượng chứ không chỉ dành riêng cho sinh viên. Song việc xây dựng mô hình kinh doanh cho BusMap không hề dễ dàng, một phần vì ứng dụng vốn được phát triển với mục tiêu không vì lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên.

Yên Thanh đã gặp nhiều nhà đầu tư song đều nhận về những lời từ chối. Dẫu vậy, anh vẫn nhận được kha khá lời đóng góp để hoàn thiện mô hình kinh doanh cũng như phát triển kế hoạch phát triển cho BusMap.

9x-bo-luong-6-000-USD-thang-o-Google-ve-nuoc-khoi-nghiep-6
Lê Yên Thanh gọi vốn thành công 1,5 triệu USD từ một tập đoàn lớn cho ứng dụng BusMap

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, BusMap đã đạt được những con số mà chính Thanh cũng không ngờ được. Nếu năm 2013 có 50.000 lượt tải, đến năm 2019, ứng dụng này đã đạt mức một triệu lượt tải. Năm 2020, con số này đã là hai triệu lượt tải với 400.000 người dùng mỗi tháng.

Ban đầu, ứng dụng này phủ sóng ở TP Hồ Chí Minh thì đến nay đã mở rộng ra thị trường Hà Nội và hiện đã đạt được hơn 200.000 lượt tải và sử dụng, TP Đà Nẵng và hai thành phố lớn của Thái Lan là Bangkok và Chiang Mai để người dân Việt sang đó du lịch khỏi bỡ ngỡ chuyện đi lại, vui chơi.

Theo Lê Yên Thành, BusMap được ưa chuộng là vì đã giải quyết được các vấn đề như đi ở trạm nào, xuống tuyến nào, đề xuất lựa chọn tuyến đường, hiển thị chi tiết thời gian chờ xe buýt, giá vé, khoảng cách đường đi… Những điều này giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với xe buýt hơn.

Vào tháng 3/2020, thêm một bước ngoặt trong đời với chàng trai trẻ khi kêu gọi được một khoản đầu tư lên tới 1,5 triệu USD cho ứng dụng này từ một tập đoàn lớn ở Việt Nam.

Đây chính là phần thưởng cho những nỗ lực và sự dấn thân của Lê Yên Thành. Tuy nhiên, con đường phía trước cũng đầy chông gai và Thành sẽ phải giải những bài toán phía trước đấy là đưa BusMap thành sản phẩm phổ cập đến mọi người, mọi nhà.

Nói về câu chuyện "đi để trở về", trong một bài phỏng vấn, Yên Thanh từng chia sẻ: "Năm nhất, năm hai đại học khi đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi, nhiều anh chị phóng viên hỏi mình: Sau này tốt nghiệp sẽ làm gì? Mình trả lời sau này tốt nghiệp mình sẽ ra nước ngoài học lên tiến sĩ và tham vọng 25 tuổi sẽ lấy bằng tiến sĩ, quay về Việt Nam cống hiến cho đất nước.

Nhưng lúc mình nói ra câu đó mình chỉ giống như một phản xạ tự nhiên và thường thấy ở những bạn học giỏi. Mình thậm chí còn không biết học tiến sĩ sẽ phải học những kiến thức gì và nó có ích gì cho mình, cống hiến cho đất nước là cống hiến kiểu gì? Lên đến năm 3, 4 mình đã có suy nghĩ khác. Mình sẽ chỉ học lên thạc sĩ hay tiến sĩ khi cảm thấy điều đó cần thiết cho công việc và những vấn đề phát triển sau này. Còn hiện tại, mình vẫn có thể giải quyết được những yêu cầu của công việc bằng lượng kiến thức đã học".

Xem thêm: Bất ngờ với quyết định của quán quân Olympia 2021 Nguyễn Hoàng Khánh: Có thể sẽ từ chối du học?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận