Bài học đầu đời của một chuyên gia tài chính: "Cảm ơn mẹ vì không thu tiền lì xì!"
Theo chia sẻ của chuyên gia tài chính này, nhờ việc mẹ không thu lì xì sau mỗi dịp Tết mà anh học được cách quý trọng tiền bạc từ rất sớm.
Có một thực tế là, trước kia rất hiếm khi phụ huynh Việt Nam dạy con về tiền bạc. Khi còn bé, nếu được người khác cho tiền, thường là tiền lì xì, trẻ em thường gửi tiền vào "ngân hàng mẹ". Chúng sẵn sàng viết "giấy nợ", rồi "cam kết", hoặc đơn giản chỉ là 1 lời hứa... rằng 1 ngày nào đó khi đã lớn, chúng sẽ được nhận lại số tiền đó.
Tuy nhiên, đa phần cha mẹ đều cầm tiền "hộ" và rồi các con không còn thấy khoản tiền đó nữa. Số tiền này hiển nhiên vẫn được phụ huynh sử dụng để mua sắm cho gia đình, nhưng việc "thất hứa" với con về mặt lý thuyết lại không thực sự tốt như ta tưởng. Không ít người nghĩ rằng, việc biết đến khái niệm tiền bạc khi còn nhỏ là điều không nên, dễ bị "hư". Song đã có nhiều nghiên cứu và báo cáo phản bác rằng điều này chưa phải là đúng.
Mới đây, trong chương trình "Tự do tài chính" số 30, các khách mời là chuyên gia anh Nguyễn Sang Lộc – CFA, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư Quỹ DCBC cùng anh Nguyễn Minh Tuấn - CEO kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital đã bàn luận về vấn đề này. Theo đó, cả 2 vị khách mời đều không gửi tiền ở "ngân hàng mẹ" lúc nhỏ.
Anh Tuấn cho hay, ngay cả khi còn nhỏ, bản thân anh đã có rất ít tiền mừng tuổi. Nhưng khi có tiền, anh lập tức lên kế hoạch chi tiêu cẩn thận, dù lúc đó mới tầm 10 tuổi. Vốn dĩ, vị chuyên gia này sinh ra và lớn lên ở quanh chợ Đồng Xuân (Hà Nội), tiếp xúc nhiều với giao thương, nên đã ý thức về tiền bạc từ rất sớm.
Vị chuyên gia này thừa nhận: "Thật ra tôi rất cảm ơn mẹ tôi về việc không thu tiền. Vì như vậy ngay từ nhỏ tôi đã có ý thức về những cái gì mình kiếm được, giá trị của đồng tiền cũng như là cách tiêu tiền".
Anh Nguyễn Sang Lộc cũng có trải nghiệm tương tự, khi mẹ không giữ hộ lì xì mà lại dạy anh cách tiêu tiền từ bé. Chuyên gia này cho biết: "Mẹ hay đưa ra những so sánh. Ví dụ như hôm nay con có 1 đồng, con xài hết thì ngày mai sinh nhật bạn con sẽ không có tiền mua món quà. Cũng từng bước, từ tiền mừng tuổi, bắt đầu từ số tiền nhỏ đó mà hướng dẫn".
Từ câu chuyện "đưa tiền về cho mẹ", ta đúc rút ra được rằng, tiền từ túi mình đưa cho người khác thì phải có niềm tin. Nhưng niềm tin mà không đi kèm với kiến thức, thì số tiền ta có chỉ bớt đi chứ không thêm.
Đứa trẻ cũng chính là các nhà đầu tư bây giờ, tìm nơi giữ tiền, và là nơi mình đặt niềm tin tuyệt đối. Với việc đầu tư quỹ mở, khi có người thay ta quản lý tiền, đó phải là nơi ta tin tưởng nhất.
Tất nhiên, không thể tóm gọn việc đầu tư vào quỹ mở một cách ẩn dụng như vậy. Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn đã giải thích thêm rằng: "Giả sử như tôi và Trinh đều cùng muốn đi từ đây đến TP Hồ Chí Minh. Chúng ta có 2 cách đi. Một là Trinh rất giỏi, biết lái xe, xe xịn, nhiều xăng, hiểu luật, quyết định đi 1 mình. Đấy giống như là bạn đang tự giao dịch cổ phiếu.
Còn tôi thích ngồi trên xe, có người lái, trong thời gian đó, tôi đọc sách, nghe nhạc. Tôi đang cùng những người khác trên 1 con xe, người ta gọi đấy là quỹ mở. Tôi và cả Trinh ai đến trước thì cũng chưa biết. Tôi sẽ được những người lái xe rất nhiều kinh nghiệm, có hiểu biết và không bị phạt giao thông. Trinh tự lái có thể đến rất nhanh, cũng có thể gặp nhiều trở ngại trên con đường của mình".
Theo Moneytalk
Xem thêm: Quan điểm nghịch lý của người Do Thái: Sẵn sàng tranh luận về tiền bạc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận