Chi tiền tỷ mua chung cư "tự phong" cao cấp, nhiều người vỡ mộng
Chi tới 3 tỷ mua chung cư cao cấp, nhưng nhiều người vỡ mộng khi nhận nhà về hóa ra chỉ là "tự phong".
Chị Thu Thủy (39 tuổi, trú Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2021, chị chi khoảng 3 tỷ để mua nhà. Đó là căn hộ hơn 70 m2 (khoảng 42 triệu đồng mỗi m2) tại dự án 25 tầng trên đường Hồ Mễ Trì.
Khi mua, chị được quảng cáo đây là "dự án cao cấp", có tiện ích khách sạn 5 sao như bể bơi 4 mùa, trường mầm non, siêu thị,... Lúc mua,chị kỳ vọng khi dự án hoàn thành, gia đình sẽ có không gian sống chất lượng hơn sau nhiều năm ở nhà tập thể.
Nào ngờ, khi dọn về, chị chưng hửng khi thấy dự án "treo đầu dê, bán thịt chó". Cửa ban công và cửa sổ nhà chị luôn đóng chặt để tránh mùi ô nhiễm từ bãi rác bên cạnh. Đây là bãi rác do chính chủ đầu tư này quản lý và hứa hẹn di dời nên chị mới xuống tiền mua.
Chị than thở: "Có thể đợi tiện ích như siêu thị, trường mầm non hoạt động khi cư dân về đông đảo. Nhưng trong khuôn viên vốn đã hẹp, mùi từ bãi rác khiến gia đình tôi không thể đưa con xuống đi dạo, vui chơi. Với chất lượng sống như vậy, dự án không thể đạt tiêu chuẩn cao cấp như chủ đầu tư giới thiệu".
Không chỉ chị Thủy, vô số người cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Hoàng (36 tuổi, TP.HCM) chi gần 4 tỷ đồng để mua một căn hộ hai phòng ngủ, diện tích hơn 70 m2 (gần 50 triệu đồng mỗi m2) vào năm 2017. Căn nhà của anh nằm trong dự án có hai block 33 tầng ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.
Anh cho biết, khi mua, nhân viên môi giới quảng cáo đây là "dự án phức hợp cao cấp", nhiều tiện ích. Thế nhưng, sau hơn 1 năm vào ở, anh vẫn chưa nhận được sổ hồng. Bãi giữ xe ẩm mốc, thấm nước, thiếu vắng các tiện ích thương mại, kể cả cửa hàng tiện lợi.
Trong khi các chung cư liên tục được rao bán trên thị trường với cụm từ "chung cư cao cấp", Báo cáo giám sát "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây chỉ ra, tính đến hết năm 2022, cả nước mới có 7 nhà chung cư được phân hạng. Còn lại đều không thực hiện phân hạng hoặc được công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Nhiều chung cư đang được gọi cao cấp hầu hết là "tự phong".
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết Bộ Xây dựng đã nêu tiêu chí phân loại cụ thể, song số lượng dự án căn hộ được phân hạng (7 dự án tính đến tháng 12/2022) không đáng kể so với nguồn cung mở bán trên thị trường. Vì vậy, tình trạng cư dân "vỡ mộng" diễn ra phổ biến khi mua căn hộ được chủ đầu tư tự định vị cao cấp.
Theo ông, những quảng cáo về chất lượng sống cao cấp, tiện ích 5 sao, tiện ích cao cấp, nằm trong khu vực có quy hoạch tiềm năng như mở đường... thường rất mơ hồ. "Mục tiêu là nâng giá bán, thu hút và kích thích người mua xuống tiền", ông nói.
Theo VnExpress
Xem thêm: Chuyên gia dự đoán: Giá bất động sản sắp tăng trở lại, nhà đầu tư chuẩn bị
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận