Lời nhận xét thẳng thắn đáng suy ngẫm của CEO Nhật Bản: "Người Việt không còn chăm chỉ như trước nữa"
Một CEO đến từ Nhật Bản chia sẻ: "Khi tôi mới đến Việt Nam 20 năm trước, tôi thấy người Việt rất chăm chỉ như người Nhật, nhưng giờ không còn như thế nữa".
Đó là chia sẻ của ông Ito Junichi (伊東 淳一), CEO Công ty Cổ phần World Link Japan trên Facebook cá nhân. Ông tâm sự, cách đây hơn 20 năm, khi ông lần đầu đến Việt Nam, ông nhận thấy con người Việt cần cù, chăm chỉ như người Nhật. Ông viết: "Tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa. Một điều có thể thấy là người Việt coi thường những người lao động chân tay".
Cũng theo ông, nhiều người trẻ hiện nay thích làm trong các văn phòng tiện nghi, có điều hòa... Còn ở Nhật, sinh viên đại học nổi tiếng như đại học Tokyo khi đến nhà máy thực tập vẫn phải bắt đầu tư công việc dọn dẹp, làm vệ sinh, học lao động tay chân. Họ phải học được mọi thứ từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành xếp.
Theo ông Ito, ở Nhật Bản có rất nhiều người làm việc trong nhà máy, và người dân rất tôn trọng họ. Bởi vì họ là những người lao động chân tay, có kỹ năng thật sự. Ito nhận định: "Chúng tôi tôn trọng những người trực tiếp làm ra cái thìa, cái kính vì họ có kỹ năng."
Ông chia sẻ: "Nhiều người Việt trẻ tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ nhưng họ chưa làm việc thật bao giờ. Họ chỉ học trên giấy tờ, đọc sách, báo nhưng chẳng hiểu thực tế gì cả. Họ chỉ thích làm việc bàn giấy, họ nặng lý thuyết mà thiếu thực tế. Thiết nghĩ Việt Nam nên tạo điều kiện cho những người giỏi kỹ năng thay vì chỉ tạo điều kiện cho những người chỉ biết làm bài kiểm tra!".
Vị CEO Nhật Bản này cho rằng, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn. Dù có nhiều người tốt nghiệp đại học, có bằng MBA nhưng lại chưa bao giờ đụng tay làm việc thật cả. Những người đó chủ yếu chỉ học trên giấy tờ, đọc sách mà chẳng hiểu gì thực tế.
Ito Junichi chia sẻ, ông từng nhiều lần họp với những người làm việc về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán,... để bàn về đầu tư nhà máy. Dù cần tiền để làm nhà máy, họ lại chẳng hiểu gì về nguyên liệu thô, quy trình sản xuất hoặc thị trường... Ông nói: "Tôi hỏi thì họ bảo 'sếp tôi bảo phải làm'. Những người như vậy, họ chỉ hiểu được phần ngọn, phần bề mặt mà không hiểu hết mọi thứ...".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Ito Junichi đưa ra nhận xét đầy suy ngẫm về lao động Việt. Ông cũng từng đề cập rằng người lao động Việt Nam hiện nay chỉ thích kiếm tiền, không chăm chỉ và "lười hơn nhiều so với cách đây 20 năm".
Trước nhận định của CEO người Nhật, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương Mại từng nói: "Theo tôi thì thanh niên bây giờ do giáo dục không tốt, quản lý kém, cho nên mới đua đòi kiểu sống thực dụng, không biết công việc ổn định như thế nào, mà chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu tiền để đi nhậu, đi chơi.
Bị ảnh hưởng từ lối sống chộp giật, lối sống trước mắt, nhưng nó không phải tất cả. Vì cũng có nhiều người chịu khó học hành, làm việc ổn định chăm chỉ. Thực ra bệnh lười cũng là đặc tính của bất cứ con người nào trên Trái Đất này, muốn làm nhàn nhã mà được ăn no đủ, đó là một mong muốn chung. Nhưng nhiều khi là do cơ chế chính sách, để họ thấy sống lười tốt hơn là chăm".
Làm việc 4 ngày/tuần có gì hấp dẫn mà cả Microsoft và Unilever đều thực hiện?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận