Bùng nổ các lớp dạy chứng khoán tự phát "thượng vàng hạ cám", nhà đầu tư lưu ý kẻo tiền mất tật mang
Thời gian gần đây, các lớp dạy chứng khoán tự phát bùng nổ trên nhiều mạng xã hội, nhắm tới những nhà đầu tư mới.
Vài năm gần đây, số lượng nhà đầu tư F0 gia nhập chứng khoán ngày càng nhiều. Kéo theo đó là vô số tổ chức, cá nhân nhận là chuyên gia chứng khoán, có kinh nghiệm thường chia sẻ thông tin, đăng clip, livestream về thị trường.
Sau đó, những người này hào mời nhà đầu tư tham gia các hội nhóm trên Zalo, Telegram... để nghe tư vấn hoặc giới thiệu các lớp học về đầu tư chứng khoán. Học phí có đủ các mức, từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Có một thực tế là, những lớp dạy chứng khoán như vậy thường "thượng vàng hạ cám". Nếu may mắn, nhà đầu tư gặp được "thầy" dạy thực sự tử tế, bằng không thì mất tiền oan là có thể.
Chị T.T.B, nhà đầu tư trẻ tại TP HCM, cho biết khá thất vọng khi tham gia một khóa học chứng khoán sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội. "Tôi đã tham gia một lớp học do một người môi giới chứng khoán tổ chức với số tiền vài triệu đồng và thấy rất thất vọng. Bài vở thì không rõ ràng, người dạy lại không có nhiều kinh nghiệm thực tế. Tôi mất thời gian và tiền bạc mà không học được gì" - chị B. than phiền.
Anh L.Q.C (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) muốn tham gia đầu tư chứng khoán để kiếm thêm thu nhập nên đã tìm đến lớp học sau khi xem "thầy" phân tích trên mạng xã hội. "Tôi thấy quảng cáo trên mạng nên đăng ký học. Tuy nhiên, kiến thức của người dạy không có bao nhiêu, chủ yếu là phân tích biến động cổ phiếu rồi chỉ dẫn học viên để kiếm lời nhanh chóng" - anh C. nhớ lại.
Theo TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại - Trường ĐH Luật TP HCM, cần xác định việc mở lớp đào tạo đầu tư chứng khoán có 2 dạng. Một là, đào tạo để có chứng chỉ hành nghề - phải do các tổ chức đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện. Nếu không có đủ các điều kiện thì việc đào tạo là trái luật, cần phải xử lý.
Hai là, đào tạo theo kiểu cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho nhà đầu tư để có thể đọc được báo cáo tài chính, phân tích tình hình thị trường... thì pháp luật không cấm mà còn khuyến khích để hỗ trợ nhà đầu tư. Tuy nhiên, người học cần phân biệt những người mở lớp để cung cấp kiến thức với những người mở lớp nhưng chủ yếu để "lùa gà", lôi kéo nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mua, bán cổ phiếu theo sự giật dây.
Theo vị chuyên gia này, những lớp học cần phải được xử lý. Việc lôi kéo học viên mua bán cổ phiếu cụ thể có thể dẫn tới biến động. Chưa kể, đây còn là gián tiếp phục vụ ý đồ của các nhà đầu tư "cá mập", khiến thị trường bấp bênh.
Chuyên gia này cho rằng: "Cần tăng cường tuyên truyền để nhà đầu tư thấy được bản chất của việc 'lùa gà' theo hình thức mở lớp. Bên cạnh đó, phải xử lý vi phạm nếu phát hiện các 'thầy lùa' trục lợi từ học viên. Bởi lẽ, việc này được coi là cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán".
Ông Phan Dũng Khánh - một chuyên gia tài chính chứng khoán lâu năm, từng tham gia dạy phân tích đầu tư chứng khoán - cho rằng việc chia sẻ kiến thức theo kinh nghiệm không chỉ trong chứng khoán mà bất cứ ngành nghề nào cũng có; đòi hỏi phải có bằng cấp, chứng chỉ giảng dạy thì hơi khó. Tuy nhiên, ông nhất trí rằng việc dạy đầu tư chứng khoán hay bất cứ ngành nghề nào cũng cần được quản lý để tránh tình trạng bát nháo, không kiểm soát được chất lượng. Việc quản lý như thế nào thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trước mắt, theo ông Khánh, nhà đầu tư bỏ tiền ra học cần biết mình học ai, trình độ, kinh nghiệm thế nào để hạn chế tình trạng bỏ ngỏ chất lượng hoặc không nhằm mục đích được đào tạo kiến thức mà chỉ để phục vụ những ý đồ khác của người dạy.
Theo báo Người lao động
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận