Mời tướng không bằng khích tướng: Bí thuật dụng nhân tài được các lãnh đạo như Steve Jobs hay Phạm Nhật Vượng tin dùng
Người xưa có câu: "Mời tướng không bằng khích tướng", ý nói muốn sử dụng nhân tài, khéo léo khích tướng sẽ đem lại hiệu quả không ngờ.
Cố nhân có câu: "Mời tướng không bằng khích tướng", muốn tìm hiểu tâm lý và khả năng của người nào, tốt hơn hết là tìm cách khiêu khích họ. Đây là phương pháp rất hiệu quả nếu người đó là nam, hoặc đơn giản là có tính cách mạnh mẽ, cứng đầu.
"Mời tướng không bằng khích tướng" đánh vào tâm lý chống đối tồn tại ở mỗi con người, thường xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt. Khi đó, lời nói hay cử chỉ của một người sẽ xuất hiện trái ngược hoàn toàn với mong muốn chủ quan của người đó, sinh ra loại phản ứng chống đối, ngược lại với bản chất thông thường.
Khích tướng kiểu Steve Jobs
Steve Jobs là thiên tài đã gầy dựng lên đế chế Apple, và ông được biết đến là một người không ngại dùng thuật "khích tướng". Trước kia, để mời cựu CEO Pepsi John Sculley về khởi nghiệp, ông đã hỏi vị CEO này một câu duy nhất. Câu hỏi đó đã đánh trúng lòng tự ái của Sculley, đó chính là: "Ông muốn suốt đời đi bán nước đường hay đi cùng tôi và thay đổi cả thế giới?".
Sau khi về làm cho Apple, nhiệm vụ đầu tiên của John Sculley là duy trì, phát triển dòng máy tính dần lỗi thời Apple II, đồng thời quảng bá và đem lại lợi nhuận cho công ty. Ông cũng cần phải hỗ trợ Jobs trong việc sáng tạo và cho ra đời sản phẩm Macintosh. Chủ tịch đương nhiệm Apple lúc bấy giờ là ông Mike Markkula đã kết hợp sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tài tình của John Sculley để bổ sung cho sức sáng tạo không ngừng của Steve Jobs.
Trong 3 năm đầu, John Sculley và Steve Jobs đã nhanh chóng trở thành một "cặp đôi năng động" và là bạn thân của nhau. Năm 1984, Apple đạt được mức doanh số nhảy vọt, hơn 1,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước đó. Có thể thấy, Steve Jobs đã tuyển được người tài để cùng mình thay đổi thế giới, không chỉ bằng thuật "khích tướng" mà còn nhờ 3 kỹ năng sau: Tìm đúng đối tượng; Đưa ra đề nghị có lợi đôi bên; Kỹ năng thương thuyết.
Khi doanh nhân Việt Nam "khích tướng"
Tại Việt Nam, không ít lần các doanh nhân thành đạt cũng sử dụng thuật "khích tướng" để mời gọi người tài. Chẳng hạn, vào năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tìm cách mời giáo sư Vũ Hà Văn về làm việc.
Có thể thấy, vài năm gần đây, Vingroup dần chuyển hướng từ bất động sản sang đa ngành, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Họ liên tục cho ra mắt các mẫu điện thoại thông minh Vsmart, ra mắt xe điện VinFast,... Để làm được điều đó thành công và lâu dài, VinGroup rất cần những nhân tài.
Biết tin giáo sư Vũ Hà Văn hiện đang về nước, ông Vượng ngay lập tức cử phó tổng giám đốc phụ trách tới Đà Nẵng - nơi giáo sư đang nghỉ dưỡng để gặp gỡ và chia sẻ dự định. Ông Vũ Hà Văn là nhà toán học Việt Nam nổi tiếng, là giáo sư tại Đại học Yale, từng đoạt giải Pólya và giải Fulkerson.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhớ lại: "Cô ấy báo về với tôi là anh Văn muốn gặp anh Vượng để nghe thêm. Ok, gặp ngay. Thế là anh Văn ra Hà Nội. Tôi nói hết là mình muốn gì, như đã nói ở trên về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ và tôi kết: 'Anh có dám làm không?'. Anh Văn trả lời ngắn gọn: 'Chơi thôi!'". Hiện tại, giáo sư Vũ Hà Văn đang là Giám đốc khoa học Viện Big Data thuộc VinTech và tham gia điều hành quỹ với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng trong 3 năm. Viện đang theo mô hình nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng, tập trung trước mắt vào lĩnh vực mũi nhọn ngành dữ liệu lớn (big data) như trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc (machine learning),...
Ông Vượng cho rằng, lý do thuyết phục được nhân tài Việt Nam trở về không phải chỉ vì tiền, bởi lương Vingroup hay các công ty khác trả ban đầu cho họ còn thấp hơn nhiều so với những gì họ nhận được ở nước ngoài. Họ trở về vì họ muốn được cống hiến, được ghi nhận chứng danh, thay vì làm được nhiều thứ nhưng phải đứng dưới tên của người nước ngoài. Giáo sư Vũ Hà Văn cũng rất tâm huyết, ông tâm sự rằng: "Tôi từ xưa đến nay rất muốn làm một cái gì đó cho đất nước nhưng mà chưa có điều kiện, chưa có cơ hội. Còn bây giờ tôi thấy là như thế này tôi có thể làm được".
Mời được nhân tài đã khó, muốn giữ chân họ còn khó khăn hơn. Người xưa ho rằng, muốn dụng được người tài thì kẻ dụng nhân cần phải chân thành cầu thị, có tầm nhìn rõ ràng, chí công vô tư và biết tạo điều kiện để nhân tài phát huy sở trường và khai thác tài năng tiềm ẩn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận