Bí quyết thành công "nhảy việc" ở tuổi tứ tuần: Nên chắc chắn chứ đừng tâm niệm "xé nháp"
Tuổi tứ tuần không phải là lúc phù hợp để ta "nhảy việc", nhưng không vì thế mà ta phải giới hạn con đường thành công của mình.
Quả thực, quyết định nghỉ việc ở tuổi tứ tuần là một điều gì đó khá táo bạo, khi hầu hết mọi người đang muốn ổn định và hướng tới nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu ta đang bị khủng hoảng, hay mệt mỏi với công việc cũ, đó là một lựa chọn không tồi chút nào. Chưa kể, nếu ta nảy ra ý tưởng khởi nghiệp hấp dẫn, thì tại sao ta phải giới hạn con đường thành công của mình?
Dù sao thì "nhảy việc" vẫn là một lựa chọn khó khăn, giống như một ván cược lớn cần nhiều suy tính. Vậy làm sao để "nhảy việc" thành công ở độ tuổi 40 này?
Chuẩn bị tinh thần
Như đã nói ở trên, nghỉ việc là điều không phải ai cũng muốn, và hầu hết chúng ta đều cảm thấy điều đó đáng sợ. Khi đưa ra quyết định này, ta có thể phải chấp nhận làm lại từ đầu. Ta cần thời gian tìm việc, thu nhập bị hạn chế, và hơn hết là áp lực với người trẻ. Lực lượng lao động trẻ dồi dào, chưa kể các doanh nghiệp cũng có xu hướng tuyển ứng viên trẻ tuổi. Chưa kể, ta cũng dễ phải đối mặt với vấn đề sức khỏe, bền bỉ hoặc gần tới tuổi nghỉ hưu.
Để tránh cảm thấy mặc cảm hay tự ti, hãy liệt kê những điểm mạnh của mình. Chẳng hạn, ta sẽ gây được sự chú ý với nhà tuyển dụng vì giàu kinh nghiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp và đã quen với môi trường công sở. Ta muốn gắn bó với doanh nghiệp, không có nhiều thời gian để mơ mộng hay lãng phí. Thậm chí nếu có kinh nghiệm lâu năm cùng kỹ năng tốt, ta hoàn toàn có thể ứng tuyển vào vị trí quản lý, chuyên gia...
Chuẩn bị tài chính
Đa phần những người ở tuổi tứ tuần đã có gia đình, vì thế áp lực về kinh tế và con cái là điều khó tránh khỏi. Nếu gia đình ta không đủ tiềm lực kinh tế, quyết định nghỉ việc sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Vì thế, hãy chuẩn bị nguồn tài chính sẵn sàng nếu ta có quyết định tìm "bến đậu mới" trong công việc.
Hãy liệt kê những chi phí bắt buộc phải chi trả, chẳng hạn như tiền điện, tiền nước, học phí,... Sau đó, đảm bảo rằng ta có tiền để dành hoặc quỹ dự phòng đủ để gia đình sống ổn trong tối thiểu 3 tháng - khoảng thời gian ta đang đi tìm việc.
Lên kế hoạch nhảy việc
Ở độ tuổi này, ta không còn quá trẻ để bay nhảy hay sẵn sàng "xé nháp làm lại". Tốt hơn hết, hãy lên kế hoạch càng cụ thể càng tốt.
- Xác định vị trí bản thân: Hãy tìm ra công việc yêu thích của mình, đâu là điểm mạnh - điểm yếu. Từ đó hãy chọn công việc để ta phát huy được thế mạnh, và đừng quên cập nhật CV cũng như làm nổi bật kỹ năng của mình.
- Hỏi người quen: Đôi khi, cơ hội nghề nghiệp lại đến từ những người mình quen mà ta không hề hãy biết. Vì thế, hãy dành chút thời gian để tâm sự, mở rộng các mối quan hệ. Biết đâu, người bạn thân lâu ngày không gặp lại giúp ta có công việc phù hợp với đam mê của ta thì sao?
- Chuẩn bị kỹ trước khi phỏng vấn: Có thể ta đã là một "lão làng" trong ngành nghề đó, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc. Nhưng sau cùng ta vẫn nên chuẩn bị kỹ trước khi phỏng vấn, từ hồ sơ, trang phục đến tác phong. Ngoài ra, hãy ôn lại kiến thức và chuẩn bị đối mặt với những câu hỏi hóc búa nếu gặp phải.
Sau cùng, người giúp ta thành công xin việc mới không ai khác chính là bản thân ta. Hãy dành thời gian rèn luyện kỹ năng, học cách ứng xử tình huống, trau dồi kiến thức,... Tất cả những cố gắng trau dồi này sẽ giúp ta trở thành "chiến binh" bất bại và không kém cạnh với những ứng viên trẻ tuổi khác. Nếu ta biết cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ, tuổi tác sẽ không phải là vấn đề.
Theo HR Insider
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận