Tỷ phú Jeff Bezos và bí quyết "nhỏ nhưng có võ" giúp nhân viên tăng năng suất làm việc
Để biến Amazon từ một cửa hàng bán sách trực tuyến trở thành đế chế thương mại điện tử, Jeff Bezos đã sử dụng bí quyết này để đốc thúc nhân viên làm việc.
Trước kia, Amazon chỉ là một cửa hàng bán sách trực tuyến nhỏ bé, trụ sở nằm ngay tại gara của nhà Jeff Bezos. Sau gần 30 năm, công ty này đã vươn mình trở thành đế chế thương mại điện tử khổng lồ, giúp Jeff Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới.
Để làm được điều đó, Jeff Bezos hẳn đã áp dụng rất nhiều chiến lược tài tình. Đặc biệt, có một thói quen "nhỏ nhưng có võ" từ nhiều năm trước được vị tỷ phú 57 tuổi này truyền cho nhân viên, khiến họ có năng suất làm việc gấp đôi.
Trước khi gặp mặt để thảo luận về ý tưởng mới hay sản phẩm mới, Jeff Bezos sẽ giao cho một giám đốc điều hành viết ghi nhớ. Ông cho biết: "Những bản ghi nhớ tốt nhất thường sẽ được viết đi viết lại". Bản ghi nhớ này sẽ dài khoảng 6 trang, được chia sẻ với các đồng nghiệp hay người được yêu cầu cải thiện công việc. Bản ghi nhớ này sẽ được để đó vài ngày, rồi chỉnh sửa lại theo góc nhìn hoàn toàn mới.
Jeff Bezos cho biết, vào mỗi buổi họp, ông và các nhân viên sẽ dành ra khoảng 20 phút đầu tiên ngồi im lặng. Đây là thời gian họ sử dụng để đọc lại các bản ghi nhớ, ghi chú những điều cần thiết và thảo luận về nó. Bản ghi chú càng được viết chi tiết thì càng có lợi, cuộc thảo luận sẽ có kết quả tốt hơn.
Theo Bezos, đây là một trong số rất nhiều bài học thành công được đúc kết từ thói quen đơn giản, đó là viết mọi thứ ra giấy. Nếu ta muốn suy nghĩ của mình được rõ ràng mạch lạc, hay đơn giản là ghi nhớ một điều gì đó, hãy viết nó ra giấy. Dưới đây là một số lợi ích từ thói quen "nhỏ nhưng có võ" này:
Làm rõ mạch suy nghĩ
Đôi khi ta sẽ lâm vào tình cảnh này: Ta có một câu hỏi trong công việc, nhưng khi ta đặt câu hỏi thì đồng nghiệp lại không rõ về nó. Khi ta cố giải thích, ta nhận ra mình gặp nhiều khó khăn khi trình bày câu hỏi đó, đồng thời nhận ra bản thân chưa suy nghĩ thấu đáo.
Hãy thử viết câu hỏi của mình ra giấy, và ta sẽ nhận ra vấn đề của mình là gì. Hoặc ta phát hiện ra điều mình cần hỏi là một câu hỏi hoàn toàn khác, hay việc đặt câu hỏi không cần thiết, hoặc ta đã tìm ra câu trả lời. Việc viết mọi thứ ra giấy giúp ta suy nghĩ mạch lạc hơn và tìm ra phương pháp giải quyết nhanh hơn.
Cải thiện khả năng ghi nhớ
Những copywriter dày dặn kinh nghiệm biết rằng một trong những cách để viết tốt hơn là học hỏi từ những người giỏi hơn. Khi học hỏi, sao chép, ta sẽ dần tự tạo ra phong cách của riêng mình.
Khi ta viết lại một thứ gì đó, ta đang tự học thuộc nội dung đó một cách vô thức. Nhờ đó,ta sẽ biến những kiến thức bên ngoài trở thành kiến thức của bản thân và nâng cao kĩ năng của mình.
Trau dồi kỹ năng giao tiếp
Khi ta viết ra các câu hỏi của mình, ta sẽ suy nghĩ rõ ràng hơn, mạch lạc hơn. Điều này cũng giúp ta thoát khỏi những gì mình đã nghĩ từ trước và nhìn ra một lối đi mới. Jeff Bezos cho rằng, ta sẽ có "một góc nhìn hoàn toàn mới" và có thể giúp bạn làm rõ thêm các nội dung giao tiếp.
Xem thêm: 3 bí quyết lãnh đạo giúp tỷ phú Jeff Bezos xây dựng và lèo lái đế chế Amazon
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận