"Bắt mạch" triệu chứng của những người nỗ lực ảo: Làm hết mình nhưng chẳng thể tiến bộ
Khi thấy bản thân làm mãi mà không tiến bộ, hãy thử xem 5 triệu chứng này để biết mình có mắc bệnh "nỗ lực ảo" hay không.
Hẳn không ít lần ta tự hỏi rằng, tại sao bản thân làm việc mãi mà chẳng có gì tiến bộ, cũng không có gì thăng tiến? Thực ra, nếu ta chỉ biết nói miệng phải chăm chỉ ra sao, nên nhiệt tình học hỏi thế nào mà chẳng làm thực tế, tất nhiên sẽ chẳng có gì thay đổi.
Tư tưởng thì cao cả như vĩ nhân, nhưng kết quả lại biệt tăm mất hút. Những điều ấy chính là biểu hiệu của những người có bệnh "nỗ lực ảo", dù ý chí muốn nỗ lực mà thực tế lại chẳng làm đến nơi đến chốn. Dưới đây là 5 triệu chứng của người nỗ lực ảo, không sửa ngay tính này thì khó mà thăng tiến:
Mua sách chất đống nhưng không đọc
Điều này không phải nói tất cả những người mua sách rồi chưa đọc, vì có nhiều lí do ngăn cản họ làm điều đó. Họ có thể vì bận rộn chuyện học hành hay công việc nên chưa thể đọc sách, như vậy có thể thông cảm. Tuy nhiên, phải nói rằng việc mua sách chất đống nhưng không bao giờ động đến là một việc vô cùng lãng phí.
Hãy thử xem bản thân có phải là người có thói quen mua sách về chỉ để trưng không? Có thể ta nghĩ rằng mua sách không bao giờ là thừa, nên cứ đợi giảm giá là lại mua về. Trên thực tế, có bao nhiêu cuốn trong số đó ta thực sự đọc hết, hay là chỉ mở ra xem vài trang rồi lại cất đi không bao giờ động đến? Cứ thế, ta chỉ tích đầy tri thức trong nhà như một thói quen, chứ chẳng bao giờ thực sự học nó.
Đam mê mua các khóa học nhưng chẳng học bao giờ
Hiện tại, nhiều trung tâm dạy học mọc lên như nấm, chưa kể nhiều khóa học online cũng xuất hiện rất nhiều. Ta tự nhủ rằng mình nên học thêm cái này cái kia, nghĩ rằng mình sẽ chăm chỉ hơn vì tiếc tiền, nên đã quyết định mua.
Sau cùng, ta luôn đánh giá quá thấp sức ì của bản thân, sự trì hoãn khiến ta không thể thực hiện dự định của mình. Thế là khóa học mua về thì nhiều, nhưng cái nào cũng chỉ học vài tiết rồi để đó. Thậm chí, có những khóa học mua về vài năm trời vẫn chưa bao giờ được mở ra.
Tài liệu tải đầy máy nhưng không bao giờ được mở
Tương tự với việc mua sách hay đăng kí các khóa học, việc tải tài liệu đầy máy nhưng không xem cũng là biểu hiện của "nỗ lực ảo". Ta có thể quan tâm tới việc trau dồi tri thức, nâng cao kỹ năng nên thường xuyên săn tìm các tài liệu quý hiếm. Đôi khi ta thấy những bài viết hay, truyền cảm hứng, ta cũng tiện tay lưu lại để... có ngày đọc lại và nghiền ngẫm.
Thế nhưng, sau khi tải những tài liệu mà "không tải ngay sẽ hối hận cả đời" ấy, ta lại cảm thấy yên tâm. Nghĩ rằng mình có đủ tài liệu để nghiên cứu, rồi quên mất việc bao giờ mình sẽ thực sự nghiên cứu chúng.
Thích được truyền cảm hứng nhưng thực tế chỉ là nước đổ lá khoai
Một triệu chứng khác của "bệnh" nỗ lực ảo chính là rất thích nghe diễn thuyết, hội thảo. Ở đó có những diễn giả tìa năng, truyền cảm hứng, khiến ta cảm thấy hừng hực khí thế và hi vọng.
Thích đi nghe diễn thuyết là tốt, nhưng đừng để ngọn lửa nhiệt huyết ấy bị tàn lụi quá nhanh. Tiếc rằng, hầu hết chúc ta đều như vậy, chỉ cần về đến nhà là ngọn lửa nhiệt huyết ấy bị thổi bay, rồi chẳng suy nghĩ gì thêm nữa. Hãy nhớ rằng, đó chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường dài để thành công, đừng để nó kết thúc ngay tại đó.
Thời gian rảnh nếu có chỉ để nằm dài
Ta biết rõ rằng, nếu chỉ nỗ lực trong giờ học hay trong giờ làm thì sẽ chẳng thể nâng cao kỹ năng. Muốn thăng tiến trong sự nghiệp, ta phải tập trung học thêm khi rảnh rỗi.
Thế nhưng, sau một ngày lao động vất vả, ta lại cảm thấy rằng mình nên xứng đáng nghỉ ngơi một chút. Đó có thể là ăn uống, ngủ một giấc ngắn, hay nằm dài trên sofa xem tivi và lướt điện thoại. Nghỉ ngơi một chút thì không sao, nhưng quá nhiều "một chút" thì rất dở. Điều đó khiến các kế hoạch phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp của ta chẳng bao giờ thành hiện thực.
Nỗ lực ảo là một căn bệnh khiến ta mất thời gian vô ích, cản trở ta thăng tiến sự nghiệp. Hãy cố gắng bỏ ngay thói quen tích lũy bừa bãi, bớt mơ mộng, tham lam và bắt tay vào làm ngay thôi.
Triệu phú tự thân Grant Cardone: 2 tư duy cần thay đổi càng sớm càng tốt để thành công
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận