Chuỗi cửa hàng xanh do người khiếm thị vận hành: Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Chuỗi cửa hàng sống xanh Limart Zero Waste thành lập cách đây 4 năm được những người khiếm thị vận hành khiến dân tình không khỏi nể phục.

Chi Nguyễn
14:17 05/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 2018, cửa hàng sống xanh Limart Zero Waste được mở cửa ở 353T Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM.  Người vận hành chính của cửa hàng là Nguyễn Thị Minh Thư (27 tuổi), một cô gái khiếm thị bẩm sinh.

Ngay từ khi còn đi học, bản thân Thư đã thích những mô hình sống xanh và tham gia nhiều hoạt động thu gom rác thải nylon để góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng do thời sinh viên có kinh phí hạn hẹp và cách làm chưa tốt nên dự án chỉ tồn tại được vài tháng. Sau khi tốt nghiệp, ý tưởng bảo vệ môi trường kéo Thư bén duyên với công việc hiện tại.

am-long-voi-chuoi-cua-hang-song-xanh-do-nguoi-khiem-thi-van-hanh
Chị Nguyễn Thị Kim Hằng, người sáng lập chuỗi cửa hàng sống xanh Limart

Thời điểm đó, Thư gặp chị Nguyễn Thị Kim Hằng, người sáng lập chuỗi cửa hàng sống xanh, cũng là người nghiên cứu máy dệt bao nylon cho người khiếm khuyết. Sau khi làm việc một thời gian, Thư được chị Hằng giao quyền vận hành cửa hàng. Ngoài cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi, còn có hai cửa hàng sống xanh khác trên địa bàn TP do những người yêu môi trường vận hành, nhập hàng ở Limart về bán và cũng thực hiện mô hình gom túi nylon.

Mô hình sống xanh nổi bật ở cửa hàng chính là đổi bao nylon lấy nông sản. Khách hàng chỉ cần mang túi nylon đã làm sạch đến đổi lấy nông sản. 1 kg túi nylon tương ứng 1 kg nông sản là rau củ quả... Thư cho biết: “Các túi nylon sau đó sẽ được chuyển đến nơi ở của những người khiếm khuyết để gia công thành các vật dụng như ví, túi xách, túi đựng laptop… 80% lợi nhuận của cửa hàng này chúng tôi dùng để trao học bổng cho những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn”.

Ngoài ra, cửa hàng còn bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm có chiết xuất từ thiên nhiên… phục vụ những người yêu thích lối sống xanh. “Đặc biệt, cửa hàng chúng tôi còn kinh doanh theo hình thức refill (làm đầy). Mọi người có thể mang chai nhựa của mình đến mua chất lỏng nước rửa chén, nước giặt sinh học... Đây là hình thức tái sử dụng vỏ chai nhựa nhằm bảo vệ môi trường, còn giúp tiết kiệm nữa” - Thư say mê kể về những mô hình xanh của cửa hàng.

am-long-voi-chuoi-cua-hang-song-xanh-do-nguoi-khiem-thi-van-hanh
Cửa hàng còn bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm có chiết xuất từ thiên nhiên…

Thư kể lại những ngày đầu mở cửa là chuỗi ngày khó khăn, thậm chí có khoảng thời gian cửa hàng phải ngưng hoạt động vì dịch. Là một người khiếm thị bẩm sinh, trong quá trình làm việc Thư đã gặp nhiều khó khăn, đến mức “không thể nào kể hết được”.

Vì thị lực chỉ còn 3/10 nên Thư không thể nào làm việc trôi chảy như người bình thường. Đôi khi cô hay xếp lộn hàng trên kệ, không thấy rõ hàng hóa khách trao đổi, làm đổ hàng là chuyện bình thường. Thậm chí có khi còn “chuyên” thối nhầm tiền cho khách.

Những lần thối nhầm đó, khách hàng đều chủ động trả lại tiền thừa hoặc nhắc nhở rất nhẹ nhàng, vui vẻ. “Những bạn tìm đến đây đa phần là vì yêu môi trường. Mà người yêu môi trường thì rất dễ thương. Nên những lần tôi bán hàng cho khách, không may gặp chút trục trặc thì khách vẫn luôn vui vẻ, hài lòng và không khó chịu” - cô gái trẻ khiếm thị tươi cười nói.

Trong quá trình vận hành, tuy là người khiếm thị nhưng cô hầu như tự lực làm tất cả. Chỉ trừ gặp việc gì khó quá sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của chị Hằng và các bạn mắt sáng, ví dụ những việc trong khâu giao hàng hay làm việc với các bên đối tác, kiểm kê.

am-long-voi-chuoi-cua-hang-song-xanh-do-nguoi-khiem-thi-van-hanh
Thư bán hàng cho khách tới mua

Bên cạnh khó khăn vẫn đi kèm với nhiều niềm vui thú vị. Thư kể hằng ngày bán hàng cô được gặp nhiều khách rất dễ thương. Có nhiều bạn học sinh cấp 3 đến đổi bao nylon và mang chai nhựa đến “refill đầy bình đi chị”. Cô nhớ lại: "Các học sinh bày tỏ rất thích cửa hàng này, đó giờ chưa thấy chỗ nào bán nhiều đồ sống xanh như vậy. Vừa đến đổi túi lấy nông sản, vừa mua được những sản phẩm cực kỳ thân thiện với môi trường. Học sinh cấp 3 đã có lối sống xanh như vậy thì tôi tin rằng từ từ rồi tất cả mọi người cũng sẽ có ý thức bảo vệ môi trường”.

Chăm chú lựa mua vài món hàng trên chiếc kệ cũng được tái chế từ can đựng nước, Mỹ Tiền (21 tuổi) cho biết đây là lần đầu cô đến cửa hàng này. Cô mang theo một vỏ chai nhựa để mua nước rửa chén đổ đầy cái chai ấy.

“Mô hình này mà được nhân rộng toàn TP sẽ rất có ích cho việc bảo vệ môi trường. Chắc chắn những lần sau tôi sẽ rủ bạn bè đến đây để đổi bao nylon lấy nông sản và mua những sản phẩm xanh. Đó cũng là cách tôi lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người xung quanh” - Mỹ Tiền bày tỏ.

Theo PLO

Xem thêm: Xiao Jia: Cô gái mù thổi làn gió mới cho ngành làm đẹp Trung Quốc, dạy trang điểm cho phụ nữ khiếm thị

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận