5 bí kíp vàng quản lý bản thân từ CEO Uniqlo Tadashi Yanai - vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản
Từ kẻ chỉ biết đọc sách, Tadashi Yanai đã biến Uniqlo thành một đế chế thời trang nổi tiếng, đưa mình thành tỷ phú giàu nhất Nhật Bản.
Thích đọc sách hơn trò chuyện, bỏ việc bán hàng vì nhàm chán
Tadashi Yanai là doanh nhân, tỷ phú người Nhật, là "cha đẻ" kiêm chủ tịch đế chế thời trang bán lẻ Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề may, khi còn nhỏ đã làm quen với vải vóc, kim chỉ và thời trang. Nhớ về tuổi thơ của mình, Yanai kể: "Hồi đó tôi đúng là một con mọt sách". Ông thích đọc sách hơn là dành thời gian nói chuyện với những người khác.
Tadashi theo học ngành kinh tế và chính trị tại đại học Waseda, sau đó tốt nghiệp và làm tại một siêu thị địa phương. Dù vậy, sau 1 năm làm việc, ông quyết định nghỉ việc vì thấy nhàm chán. Không muốn thất nghiệp mãi, Yanai quay về làm việc trong cửa hàng của gia đình, và nhanh chóng khiến công việc này khởi sắc, mở thêm nhiều cơ sở nữa.
Vài năm sau, Yanai đổi tên chuỗi cửa hàng quần áo của gia đình thành Fast Retailing, sau này trở thành công ty mẹ của loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng xứ hoa đào như Gu và Uniqlo. Anh "mọt sách" năm nào đã biến cửa tiệm quần áo gia đình thành một đế chế thời trang đắt giá, với hơn 800 cửa hàng tại Nhật và hàng trăm cửa hàng khác tại nhiều quốc gia.
Hiện nay, Tadashi Yanai là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, với khối tài sản lên tới 40,4 tỷ USD, chủ sở hữu thương hiệu thời trang lớn thứ 3 thế giới có doanh thu gần 20 tỷ USD/năm.
5 bí quyết vàng trong quản lý bản thân
Trong một lần phỏng vấn với Nikkei, Tadasi Yanai đã chia sẻ với độc giả 5 bí quyết "vàng" để có thể trở thành nhà quản lý thành công.
Dám nghĩ dám làm
Yanai cho rằng, một doanh nhân giỏi là người dám nghĩ dám làm, biết nghĩ lớn và có thể khai thác hết tiềm năng của mình. Ông đặt ra khẩu hiệu cho thương hiệu Uniqlo của mình rằng: "Thay đổi phục trang, thay đổi tri thức thông thường, thay đổi thế giới".
Kể từ lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ, ông đã mang theo "giấc mơ Mỹ" và mong muốn sở hữu một công ty thời trang lớn mạnh hơn cả GAP. Sau 3 thập kỷ miệt mài, nỗ lực, tham vọng của ông đã thành hiện thực. Dù phải đối mặt với khó khăn, Yanai luôn tâm niệm rằng không bao giờ được nản lòng.
Nhất quán
Yanai được biết đến là một người dậy rất sớm và đúng giờ, ông dậy từ 5h sáng, có mặt tại văn phòng đúng 6h45 mỗi ngày. Ông cũng có thói quen rời công ty sớm, chỉ khoảng 3-4 giờ là tan làm, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ.
Không chỉ kỷ luật với bản thân, Yanai còn áp dụng điều này với doanh nghiệp của mình. Tất cả các hệ thống Uniqlo đều ghi chép và phân tích mọi hành động của nhân viên, từ cách bắt tay kiểu Nhật đến phương thức trả lời khách hàng. Đặc biệt, mọi nhân viên đều phải ghi nhớ "6 câu nói tiêu chuẩn", là những câu mà họ sẽ sử dụng khi trao đổi với khách hàng. 6 câu nói này bao gồm:
"Xin chào, tên tôi là _, hôm nay quý khách có thấy khỏe không?"
"Quý khách đã tìm thấy hết mọi thứ mình cần chưa?"
"Hãy cho tôi biết nếu quý khách cần bất kỳ thứ gì. Tên tôi là _"
"Cảm ơn vì đã đợi"
"Quý khách đã tìm thấy hết mọi thứ mình cần chưa?"
"Xin chào, hẹn gặp lại quý khách".
Theo đó, khách hàng sẽ được nghe ít nhất 4 câu nói này khi đang mua sắm, trong đó câu thứ 2 và câu thứ 5 được lặp lại vì nhân viên cần nói câu này khi đang giúp khách tìm đồ và thanh toán. Đúng 10h sáng, cửa hàng sẽ mở cửa và các nhân viên sẽ thực hiện công việc của mình. Ngay cả việc thanh toán tại đây cũng được quy định nhất quản, theo đó nhân viên phải thanh toán xong trong vòng 60 giây.
Chăm chỉ chưa đủ, phải biết đặt mục tiêu
Yanai cho rằng, chăm chỉ làm việc cật lực là chưa đủ để thành công. Ta phải biết đặt mục tiêu, biết đâu là đích đến, nếu không sẽ mãi dậm chân tại chỗ và chìm dần vào mớ bòng bong.
CEO Uniqlo từng nói: "Chúng ta phải làm những gì mà trong thâm tâm chúng ta thực sự muốn làm. Đừng làm chỉ vì nghe theo ý kiến của người khác." Theo Yanai, việc quản lý tựa như đọc một quyển sách từ trang cuối cùng rồi giở lại trang đầu tiên, tức là, một khi đã xác định được mục tiêu cuối cùng là gì, ta sẽ chinh phục mọi thứ dễ dàng hơn.
Học hỏi từ tiền bối
Những người đi trước thường đã trải qua nhiều khó khăn và vấp ngã mới có thể thành công, do đó ta nên chú tâm học hỏi từ những tiền bối.
Những quyển sách mà vị tỷ phú 72 tuổi này hay đọc thường là tự truyện hay bí quyết kinh doanh của những người đi trước, chẳng hạn như cuốn tiểu sử của người sáng lập hãng Panasonic và Soichiro Honda Konosuke Matsushita, hay quyển Managing của huyền thoại Harold Geneen - cựu lãnh đạo ITT - hãng công nghệ nổi tiếng nước Mỹ.
Không quan tâm đến việc kiếm tiền
Yanai từng khẳng định: "Tôi chưa từng làm việc vì tiền, và tôi cũng không quan tâm đến việc kiếm tiền". Ông cho rằng, nếu lấy tiền bạc làm mục đích sau cuối thì ta chắc chắn sẽ lạc lối. Có không ít doanh nhân đã làm như vậy, thường chỉ mong công ty mình được niêm yết trên sàn chứng khoán để kiếm lời. Thực tế là tiền bạc có thể bốc hơi một cách nhanh chóng, nếu ta chỉ làm để có tiền thì sẽ không làm dài được và cũng không thể tiến xa hơn.
Đừng tôn thờ đồng tiền, đừng bán mình cho nó và để nó làm mờ mắt, quên đi bản chất và mục đích ban đầu. Thay vào đó, hãy coi trọng thời gian, bởi thời gian mới là thứ quan trọng, một khi nó đã mất đi thì không bao giờ có thể trở lại. Vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản từng khuyên những người trẻ tuổi rằng: "Nhiều người trẻ ngộ nhận rằng mình còn nhiều thời gian. Thế nhưng, ta không thể biết được khi nào chúng ta sẽ chết. Nó thậm chí có thể xảy ra trong ngày mai. Do đó, hãy nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng và hành động ngay!".
Tỷ phú Nhật Bản Inamori Kazuo: 4 thứ người nghèo rất hay lãng phí
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận