5 bài học đắt giá từ triệu phú bị tăng động: Người thành công không than thở, họ biết biến khuyết điểm thành lợi thế
Dù mắc chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), Peter Shankman vẫn vượt khó vươn lên để trở thành triệu phú thành đạt kiêm tác giả nổi tiếng.
Peter Shankman là một doanh nhân người Mỹ thành đạt, người sở hữu khối tài sản khoảng 200 triệu USD. Ông còn là một tác giả sách bán chạy của New York Times, đồng thời là một nhà đầu tư tài ba.
Không chỉ vậy, vị triệu phú tự thân này còn là nhà sáng lập HARO - dịch vụ trực tuyến dành cho các nhà báo thu thập phản hồi từ công chúng. Ông còn là nhà sáng lập cộng đồng doanh nhân trực tuyến riêng tư ShankMinds, với hàng trăm thành viên trên khắp thế giới. Shankman cũng là người xử lý phương tiện truyền thông xã hội cho các khách hàng lớn như NBC/ Universal, American Express và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi biết Peter Shankman mắc chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), dạng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. ADHD khiến người mắc khó tập trung, thiếu khả năng tuân thủ và sắp xếp vấn đề ưu tiên, tổ chức và quản lý kém, bồn chồn, năng động quá mức, tâm trạng bất thường, thường xuyên căng thẳng,... Thế nhưng, Shankman đã vượt qua mọi khó khăn đó, thậm chí còn biết khuyết điểm của mình thành lợi thế.
Biến điểm yếu thành điểm mạnh
Khi còn đi học, Shankman luôn là một học sinh cá biệt, hay pha trò cười trong lớp. Sau này, ông nhận ra rằng những lần pha trò đó đã giúp gia tăng lượng dopamine - hormone và là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não và cơ thể, khiến ông học hỏi tốt hơn. Vì ADHD, Peter Shankman trở thành một doanh nhân có thể mua và bán công ty trong vài giờ, nhưng chẳng thể nhớ các buổi hẹn của mình trong ngày hôm đó.
Shankman nhận ra rằng, lợi ích chính của ADHD là độ nhạy của não nhanh hơn rất nhiều, và ông muốn tận dụng lợi thế này. Vì thế, ông đã tạo ra một hội thảo trên web thu hút 4000 người tham dự, thảo luận trực tiếp cách biến ADHD thành lợi thế.
Tất nhiên, Shankman đã thu về những phản hồi vô cùng tích cực, giúp ông tự tin tung ra podcast của riêng mình. Từ đó, thương hiệu Shankman ra đời, xây dựng nhờ "bộ não phản ứng nhanh hơn bình thường" và gắn liền với thông điệp "sở hữu bộ não thần kinh không điển hình thực sự là một món quà".
Giới hạn lựa chọn
Càng có nhiều lựa chọn, ta càng trở nên thiếu quyết đoán và lãng phí thời gian. Vì thế, vị triệu phú tự thân này học cách giới hạn lựa chọn ngay từ khi đang phân loại quần áo. Ông phân loại quần áo ra thành các phần như quần áo đi làm, đi du lịch, đi diễn thuyết,... Sau khi loại bỏ những lựa chọn không cần thiết, Shankman có thêm thời gian tập trung vào những gì thực sự quan trọng.
Không chỉ Shankman, nhiều người nổi tiếng khác cũng áp dụng phương pháp này. Barack Obama từng chia sẻ: "Bạn sẽ thấy tôi chỉ mặc những bộ đồ màu xám hoặc xanh lam. Tôi đang cố gắng giảm bớt các quyết định. Tôi không muốn đưa ra quyết định về những gì tôi sẽ ăn hoặc mặc. Vì tôi còn quá nhiều quyết định khác phải đưa ra".
Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng
Shankman khuyên ta nên bớt lo lắng cho những điều vụn vặt, thay vào đó hãy tăng cường sự tập trung vào những việc quan trọng hơn.
Cho dù ta chỉ là một nhân viên hay đang điều hành doanh nghiệp lớn, hãy tập trung vào công việc xây dựng doanh nghiệp hoặc mang lại lợi nhuận. Đừng quan tâm tới những câu chuyện phiếm vô nghĩa, những công việc không tên tốn thời gian và để đó cho người khác xử lý.
Tập thể dục
Peter Shankman nhận thấy, việc tập thể dục giúp cơ thể tiết ra các chất dopamine, serotonin và adrenaline. Do đó, ông dậy sớm và tập thể dục từ lúc 4h sáng, tạo thói quen uống nhiều nước trong ngày.
Một nghiên cứu năm 2012 của Viện Tim Montreal cho thấy tập thể dục làm tăng khả năng nhận thức. Nó làm giảm căng thẳng và cho phép ta tư duy tốt hơn, bình tĩnh hơn khi cần đưa ra quyết định lớn.
Ưu tiên cho bản thân
Đây không phải là một thói quen ích kỷ, mà là ta cần coi trọng chính bản thân mình. Ta thường dễ dàng hy sinh bản thân khi bắt tay vào làm thứ gì đó, và nói rằng mình không đủ thời gian để chăm sóc bản thân.
Vị triệu phú tự thân này thẳng thắn nói: "Mọi người ước họ có khả năng tập luyện lúc 4 giờ sáng. Tất cả chúng ta đều có cùng một khoảng thời gian. Nhưng thay vì tập luyện vào lúc 4 giờ sáng thì họ lại chỉ đang nằm trên giường và nhấn like vào bức ảnh chụp ô tô của ai đó lúc 1 giờ sáng trên Facebook".
Thời gian là thứ công bằng, mỗi người chúng ta đều chỉ có 24 giờ/ngày. Thay vì phí phạm thời gian của mình, hãy học theo người thành công và tận dụng nó để làm những việc tốt hơn. Hãy từ bỏ những thói quen xấu, tìm ra thói quen tốt và tối đa hóa chúng.
Daniel Dines: 21 tuổi đã là "gà" của Microsoft, 5 năm sau quyết định táo bạo để đổi đời thành tỷ phú
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận