5 bài học thành công từ Jeff Bezos sau 27 năm làm giám đốc điều hành ở Amazon
Sau 27 năm làm giám đốc điều hành, Jeff Bezos đã chia sẻ rất nhiều lời khuyên và bài học về thành công đắt giá.
Đầu tháng 7 vừa qua, tỷ phú Jeff Bezos đã từ chức giám đốc điều hành ở Amazon, công ty mà ông sáng lập vào năm 1994 dưới tư cách là một công ty bán sách online. Ngày nay, Amazon là một công ty bán hàng trực tuyến trị giá 1,8 tỉ đô la, biến ông thành người giàu nhất hành tinh với khối tài sản cá nhân hơn 200 tỉ đô. Trong 27 năm làm CEO, vị tỷ phú này đã chia sẻ rất nhiều lời khuyên và bài học qua các cuộc phỏng vấn và các lá thư gửi tới những cổ đông của Amazon.
Dưới đây là một số những lời khuyên đắt giá mà Bezos đã chia sẻ trong những năm qua.
Chấp nhận rủi ro để theo đuổi đam mê
Bezos chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018: "Khi bạn 80 tuổi và nhớ lại những thứ khiến mình hối tiếc, bạn thường nghĩ về những thứ mình đã không làm. Rất hiếm khi bạn hối tiếc về điều gì đó bạn đã làm và thất bại."
Suy nghĩ đó đã thay đổi cuộc đời ông từ trước khi ông ấy sáng tạo Amazon. Vào năm 30 tuổi, Bezos có một công việc ở phố Wall, nhưng ông có niềm tin vào tương lai của ngành kinh tế Internet và có một ý tưởng về việc mở cửa hàng sách online. Người chủ cũ của Bezos đồng ý rằng ý tưởng của ông có tiềm năng, nhưng ông ấy vẫn muốn thuyết phục Bezos rằng sẽ ít rủi ro hơn khi ông tiếp tục làm công việc hiện tại mà vốn đã thành công của ông.
"Tôi tưởng tượng khi tôi 80 tuổi, nghĩ lại về cuộc đời của mình. Liệu rằng tôi sẽ hối hận nếu bỏ việc vào giữa năm? Và từ bỏ số tiền thưởng cuối năm của mình?", ông nhớ lại. Cuối cùng thì, Jeff Bezos quyết định bỏ việc, và ông chuyển tới một ga-ra ở ngoại ô Seattle để phát triển Amazon vào mùa hè năm 1994. Trang web của Amazon chính thức ra đời vào 1 năm sau, ngày 16 tháng 7 năm 1995.
"Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ hối tiếc việc làm và thất bại, nhưng tôi luôn bị ám ảnh về việc này nếu không thử một lần", Bezos kể lại. Thế nên vị tỷ phú 57 tuổi đã "chọn con đường không an toàn và theo đuổi đam mê", và "hoàn toàn tự hào về quyết định này."
Ông cũng nói thêm rằng việc tưởng tượng bạn khi 80 tuổi nhìn lại cuộc đời mình cũng có thể áp dụng với chuyện cá nhân nằm ngoài công việc. Ông chia sẻ: "Tôi không chỉ nói về công việc. Nếu như bạn yêu một người mà không bao giờ dám nói cho người đó biết, hẳn 50 năm sau bạn sẽ nghĩ 'Tại sao tôi không nói cho cô ấy biết?'".
Ra quyết định một cách nhanh chóng
Bezos tin rằng chìa khóa cho một doanh nghiệp sáng tạo là "quyết định nhanh chóng, chính xác". Trong bức thư gửi những cổ đông của Amazon năm 2015, ông viết về tầm quan trọng của tốc độ khi dựng lên Amazon rằng "một công ty lớn cũng là một chiếc máy sáng tạo." Mặc dù ông cũng công nhận rằng một số quyết định "không thay đổi được", phần lớn đều có thể. "Phần lớn các quyết định đều có thể thay đổi. Nếu bạn ra một quyết định không tối ưu, bạn không phải chịu hậu quả quá lâu mà bạn có thể ngay lập tức sửa lại".
Theo tỷ phú giàu nhất thế giới, những quyết định như vậy phải được đưa ra một cách nhanh chóng. Bezos nhận định, khi các công ty dành quá nhiều thời gian cân nhắc một quyết định thay đổi được, họ đang làm mọi thứ trở nên chậm chạp hơn, không có nhiều thời gian để thử nghiệm và kết quả là giết sự sáng tạo.
"Tất cả các quyết định tốt nhất của tôi trong công việc cũng như cuộc sống đều đến từ trái tim, trực giác và sự can đảm chứ không phải các nghiên cứu," Bezos chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Economic Club Washington D.C. năm 2018.
Tìm kiếm đam mê
Tìm kiếm đam mê của mình là lời khuyên mà Bezos dành cho tất cả các nhân viên trẻ và cả 4 người con của ông. Chủ tịch Amazon chia sẻ: "Bạn có thể có một công việc, bạn có thể có một sự nghiệp, hoặc bạn có thể theo đuổi đam mê. Và nếu bạn có thể theo đuổi đam mê của mình, thì bạn đã trúng số độc đắc, bởi vì đó là một điều rất may mắn."
Nói cách khác, theo Bezos, tìm ra cách để biến đam mê thành sự nghiệp là chìa khóa để đạt được thành công thực sự. Và, ông cũng tin rằng tất cả mọi người đều có đam mê. Vị tỷ phú này từng khẳng định: "Bạn không lựa chọn đam mê của mình mà đam mê chọn bạn. Tất cả chúng ta đều có những đam mê khác nhau, và những người may mắn là người có thể theo đuổi chúng."
Mặc dù Bezos từng nói rằng ông ấy theo đuổi đam mê trở thành một nhà sáng tạo khi lập nên Amazon, những năm gần đây nhà tỉ phú cũng chia sẻ một trong những đam mê khác của ông là vũ trụ. "Kể từ năm tôi 5 tuổi - cũng là thời điểm mà Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng - tôi đã luôn yêu thích vũ trụ, tên lửa và du hành trong vũ trụ," ông kể vào năm 2019. (Bài phát biểu tốt nghiệp trung học của ông cũng nói rằng ông muốn một ngày nào đó có một thuộc địa trên vũ trụ).
Vì thế, Jeff Bezos đã dành hàng tỉ đô cho công ty hàng không vũ trụ của mình - Blue Origin. Thậm chí, một trong những điều đầu tiên ông làm sau khi từ chức CEO ở Amazon là tham gia chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Blue Origin.
Chấp nhận sự thiếu hiệu quả của việc "lang thang"
Trong bức thư gửi những các cổ đông vào năm 2018, Bezos có viết 1 đoạn với tựa đề "trực giác, sự tò mò và sức mạnh của việc lang thang". Ở đó, ông đã viết về tầm quan trọng của việc dành thời gian thỏa mãn sự tò mò của mình để tìm ra những giải pháp mới, sáng tạo cho các khó khăn.
Việc kinh doanh của Amazon dựa trên hiệu suất, với mỗi khách hàng đều tin tưởng rằng bất kể họ lựa chọn món hàng nào thì chúng đều sẽ được đưa đến tận tay họ chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, Jeff Bezos lại tin rằng một chút thiếu hiệu quả rất cần thiết trong thành công. Ông gọi chúng là "lang thang" (wandering), có nghĩa là tìm tòi và thử nghiệm những ý tưởng trong kinh doanh cho dù ta có phải đi đường vòng.
Bezos nói: "Lang thang là sự cân bằng cần thiết của làm việc hiệu quả, và bạn cần phải áp dụng cả hai. Đôi khi, nếu bạn biết bạn phải làm gì thì bạn có thể đạt hiệu quả cao bằng cách lập một kế hoạch và làm theo. Ngược lại, lang thang trong kinh doanh thì không có hiệu quả nhanh như vậy, nhưng nó cũng không phải là ngẫu nhiên. Nó được dẫn đường bởi lòng tin, trực giác, sự tò mò, và được tiếp sức bởi niềm tin rằng những gì khách hàng nhận được sẽ xứng đáng cho việc dành nhiều thời gian và công sức hơn để tìm giải pháp để giải quyết vấn đề."
Jeff Bezos cho biết, một trong những bài học đắt giá ông rút ra khi xây dựng Amazon chính là "thành công đến qua vòng lặp: sáng tạo, phát triển, sáng tạo lại, phát triển lại, bắt đầu lại, sau đó lặp đi lặp lại". Ông khẳn định: "Con đường đến thành công không bao giờ là đường thẳng."
Đừng đánh mất sự khác biệt
Trong bức thư cuối cùng ông gửi đến những cổ đông của Amazon vào tháng 4, Jeff Bezos đã viết về tầm quan trọng của việc giữ vững sự độc đáo của bản thân. Ông chia sẻ: "Chúng ta đều biết rằng sự khác biệt - tính cá nhân - là rất đáng giá. Ta luôn được dạy từ nhỏ rằng 'hãy là chính mình'. Điều mà tôi muốn nói chính là hãy chấp nhận bản thân mình và hãy thực tế về nguồn năng lượng bạn cần để giữ vững tính cá nhân của mình. Nếu thế giới muốn bạn trở thành bình thường, đừng để điều đó xảy ra."
Tất nhiên, vị tỷ phú này cũng thừa nhận việc giữ vững tính cá nhân của mình rất xứng đáng, mặc dù nó cần "tốn nhiều công sức". Ông cho hay: "Phiên bản cổ tích của lời khuyên 'hãy là bản thân' là mọi khó khăn sẽ biến mất một khi bạn để cái tôi tỏa sáng. Đây là sai lầm. Luôn là chính mình thì rất đáng giá, nhưng đừng nghĩ rằng làm vậy là đơn giản hay miễn phí."
(Theo CNBC)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận