Nữ sinh 12 năm chăn bò, đi học bằng sổ hộ nghèo đã có thêm gia đình nữa, tự tin bước vào giảng đường Đại học
Em Thuận chia sẻ, giờ đây em đã có thêm 1 gia đình nữa, bố mẹ nuôi đều là nhà giáo. Em ở cùng bố mẹ, không phải ở ký túc xá hay thuê trọ. Thuận hứa sẽ cố gắng học tập để đền đáp tấm chân tình này.

Như đã đưa tin, em Phạm Thị Thuận (sống ở làng Nhõi, xã Cao Ngọc, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có cuộc sống vô cùng khó khăn khi bố là người tàn tật, mẹ quanh năm ốm đau. Suốt 12 năm trời em phải đi chăn bò thuê, đi học bằng sổ hộ nghèo.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, em Thuận đạt 27 điểm khối C; Ngữ Văn 8,5 điểm; Lịch sử 8,5 điểm và Giáo dục công dân 10 điểm (tính cả điểm cộng vùng và dân tộc em đạt 29,75 điểm). Thuận có ước mơ trở thành cô giáo nhưng hoàn cảnh quá khó khăn khiến con đường đến với giảng đường Đại học của em chông chênh hơn.

Sau khi báo Dân trí và nhiều cơ quan truyền thông khác đăng tải câu chuyện của em Phạm Thị Thuận thì phép màu đã xảy ra. Ngày 20/9, lần đầu tiên trong đời, cô nữ sinh dân tộc Mường được bước chân xuống thành phố mang theo cả bầu trời mơ ước và kỳ vọng. Thuận được mẹ nuôi đưa đến trường làm thủ tục nhập học khiến em vô cùng hạnh phúc.
Trong ngày tựu trường, niềm vui của cô gái như được nhân đôi khi báo Dân trí cùng Ban giám hiệu trường ĐH Hồng Đức tiếp trục trao số tiền 98.761.000 đồng của các nhà hảo tâm giúp đỡ Thuận thông qua tài khoản của Quỹ Khuyến học Việt Nam. Trước đó cũng có nhiều mạnh thường quân chia sẻ khó khăn với gia đình em Thuận.
Theo chia sẻ của báo Dân trí, em Thuận đậu vào Khoa sư phạm lịch sử chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức. Và lớp chất lượng cao, ngoài ra những chính sách ưu đãi cho ngành học này, Thuận sẽ được tạo điều kiện, ưu tiên bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

PGS.TS Đậu Bá Thìn - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: "Thật sự rất cảm phục em Thuận, dù có hoàn cảnh éo le nhưng vẫn vươn lên trong học tập. Ngoài Quỹ khuyến học thì hàng năm nhà trường cũng sẽ tìm kiếm học bổng của những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và sẽ có những chính sách hỗ trợ thêm Thuận và các bạn sinh viên khó khăn khác".
PGS.TS Lê Hoàng Bá Huyền - Hiệu phó trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: "Thông qua Báo Dân trí, nhà trường đã nắm được hoàn cảnh của em Thuận và có kết nối với gia đình em. Vậy là nhờ Báo Dân trí, bạn đọc báo, cánh cửa đại học đã mở rộng trước mắt em.
Thuận đã là sinh viên của nhà trường, thay mặt gia đình em Thuận, tôi xin trân trọng cảm ơn quý báo đã giúp đỡ cô sinh viên nghèo này có một khoản hỗ trợ để em có thể yên tâm học tập. Quá trình học tập, nhà trường cũng sẽ có những chính sách tạo điều kiện cho em.

Thuận sẽ là tấm gương sinh viên tiêu biểu để nhà trường lan tỏa tới các bạn khác. Nhà trường rất mong tiếp tục đón nhận sự đồng hành của quý báo để có nhiều những hoàn cảnh sinh viên khó khăn khác được giúp đỡ".
Xúc động trước tình cảm lớn lao của các mạnh thường quân, em Phạm Thị Thuận chia sẻ: "Giờ đây, em có thêm một gia đình nữa, bố mẹ nuôi đều là nhà giáo. Em sẽ ở cùng bố mẹ nuôi mà không phải ở ký túc xá hay thuê trọ. Em cảm thấy mình thật sự may mắn vì được rất nhiều nhà hảo tâm quan tâm, động viên, giúp đỡ. Em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để đền đáp tấm chân tình của tất cả mọi người đã dành cho em".
Xem thêm: Nữ sinh 12 năm chăn bò thuê, đến trường bằng sổ hộ nghèo nuôi ước mơ đại học
Đọc thêm
Mẹ mất vì ung thư vào hồi tháng 3/2021, đến tháng tháng 8/2021 bố lại qua đời vì tai nạn giao thông khiến cậu bé 3 tuổi trở thành trẻ mồ côi. Trong khi đó, ông nội cũng đau ốm quanh năm.
Người mẹ 61 tuổi không giấu nổi nỗi niềm u uất, lo lắng cho số phận của 2 đứa con bị thiếu oxy não di chứng tâm thần. Những ngày COVID-19 tràn về, gia đình quay mắt với miếng ăn, viên thuốc cho con.
Cô giáo Hoàng Ái Vân tâm sự rằng, chưa bao giờ gặp học trò nào có hoàn cảnh bi đát như em Tuấn. Bố mất vì bạo bệnh, mẹ bỏ đi, em vừa học vừa chăm ông bà nội ốm đau triền miên. Hoàn cảnh bi đát này đang 'bóp nghẹt' ước mơ Đại học của Tuấn.