Vượt nghịch cảnh, người phụ nữ khuyết tật tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân

Vượt qua sự tự ti, mặc cảm về bản thân, người phụ nữ khuyết tật – Đinh Thị Quỳnh Nga (1977, Hà Nội) đã thắp sáng hy vọng cho hàng trăm người đồng cảnh ngộ.

Diệu Nguyễn
16:13 21/06/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau một vụ tai nạn lúc nhỏ, chị Quỳnh Nga bị liệt một bên chân trái. Điều này khiến chị trở nên tự ti khi phải đối diện với không ít lời chê bai, trêu chọc từ mọi người. Cho đến tận bây giờ, chị Nga vẫn nhớ những lời trêu chọc của bạn bè năm xưa: “Long lanh như bát nước chè. Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân!”.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng thêm đôi chân khuyết tật, khó đi lại nhưng chị Quỳnh Nga vẫn khao khát được đến trường. Bởi với người phụ nữ khuyết tậtnày, học là con đường duy nhất để thay đổi số phận, để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Sau bao cố gắng nỗ lực, cuối cùng chị Nga cũng đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Thế nhưng khi tốt nghiệp ra trường, chị Nga lại phải đối mặt với hiện thực phũ phàng. Dù đi xin việc ở khắp nơi, đủ các vị trí, nhưng ở đâu chị Nga cũng nhận về những cái lắc đầu từ chối. Hầu hết mọi người đều ái ngại khi biết chị khuyết tật, đi lại khó khăn. Trong suốt 7 năm thất nghiệp, chị Quỳnh Nga đã phải làm rất nhiều việc để mưu sinh. Từ vẽ tranh sơn mài, bán nước uống, cho đến làm hoa cưới, miễn công việc nào có tiền là chị đều làm hết.

Năm 2007, bước ngoặt quan trọng mở ra khi chị Quỳnh Nga trúng tuyển vào kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Cũng từ đây, người phụ nữ khuyết tật ấy được sống và làm việc đúng với đam mê và chuyên môn của mình. Những tháng ngày đứng trên bục giảng không chỉ đem lại cho chị niềm vui sống, mà còn nhen nhóm trong chị khát khao được chia sẻ khó khăn với những người khuyết tật đồng cảnh ngộ.

nguoi-phu-nu-khuyet-tat-tao-cong-an-viec-lam-cho-hang-tram-cong-nhan (1)

“Những em học sinh khuyết tật này sau khi lớn lên, ra trường rồi sẽ đi đâu, làm gì? Hay lại gặp khó khăn, trắc trở như mình?”. Những câu hỏi ấy xuất hiện trong suy nghĩ của chị Nga và thôi thúc chị cùng 3 người chị em khác thành lập nhóm “Trái tim hồng” với mục đích giúp đỡ những người khuyết tật kiếm thêm việc làm từ nghề thủ công mỹ nghệ.

Năm 2009, những viên gạch đầu tiên của Hợp tác xã Trái tim hồng đã được xây dựng như thế. Tuy còn sơ khai, nhưng tình yêu thương và lòng quyết tâm của chị Nga và các chị em vẫn luôn được giữ lửa cho đến tận bây giờ.

Từ một nhóm nhỏ thành lập tự phát, đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã đã trở thành một tập thể lớn mạnh, có thể giúp đỡ được nhiều người. Hàng trăm công nhân khuyết tật đã được chị Quỳnh Nga giới thiệu công việc ổn định để kiếm thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

Với ý chí và nghị lực phi thường, người phụ nữ khuyết tật – Đinh Thị Quỳnh Nga đã tạo nên những điều kỳ diệu không chỉ thay đổi cuộc sống của mình mà còn thắp sáng ước mơ cho rất nhiều những người cùng cảnh ngộ.

Theo Đại đoàn kết

Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, cô gái khiếm thị chinh phục bàn cờ vua với những thành tích “khủng”

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận