Đàn bà trẻ, đàn bà già – Câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống
“Đàn bà trẻ, đàn bà già” là một câu chuyện nhân văn về tình cảm gia đình khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Câu chuyện “Đàn bà trẻ, đàn bà già”
Đàn bà trẻ ít khi ở nhà, nếu có cũng ở trong phòng riêng, nằm đọc báo, nghe nhạc, chơi đùa với con hoặc có khi dán mắt vào máy tính, điện thoại. Đàn bà trẻ bận rộn nhiều công việc xã hội, sáng đi làm váy chữ A rồi sơ mi trắng sơ mi hồng, thơm phức mùi nước hoa.
Đàn bà già ở nhà suốt ngày, bộ đồ bông nhỏ thay qua bộ đồ bông lớn, miệng túi áo có cái kim băng bự, mỗi lần thay đồ lại lôi cái bịch ni lông để đựng mấy thứ trong túi áo bộ này bỏ qua túi áo bộ kia, rồi lại đem kim băng gài lại cẩn thận. Đàn bà già có mùi đồ ăn, mùi bếp, mùi mồ hôi. Do thích nói chuyện nên đàn bà già chỉ mong ngóng con đi làm về để kể chuyện bữa nay bà Sáu nhà bên phải đi cấp cứu, hay ông Tám dưới xóm sắp cưới vợ cho con trai, nào là chuyện cái lưng má mấy hổm rày cứ đau ngâm ngẩm…
Con trai năm bảy bữa mới về nhà đúng giờ cơm một lần, nghe má kể lại cau mày nói má sao nghe toàn chuyện nhà người ta, kệ họ đi chứ.
Đàn bà trẻ hay tuyên bố mà không biết có làm thiệt hay không: “Lần sau mà vầy nữa (nhậu về khuya) thì đi luôn đi. Nhà này không ai thức mở cửa, tôi cũng mệt mỏi lắm rồi!”.
Còn đàn bà già, tối đến chờ cả nhà tắt đèn hết rồi mới lọ mọ xuống tầng trệt, mở hé cửa ngồi chờ con trong bóng tối.
Sáng ra, thấy chồng ngủ vật vã trên ghế salon, đàn bà trẻ buông một câu: “Má ngồi chờ vậy trộm nó vô nhà hay có chuyện gì xảy ra ai chịu? Thời buổi bây giờ kẻ cướp đầy ra, nó chỉ chờ mình hở ra là cướp của giết người ngay”.
Chồng nghe thế, vùng dậy: “Cô câm đi, cô trù ẻo cho má tôi bị ăn cướp chém hả?”
Đàn bà trẻ giọng gắt gỏng: “Tôi nói vậy đó, ai đi về khuya tự mà biết”
Đàn bà già vội tới trước mặt con trai: “Thôi con, má nghe má biết, má thức cũng mệt nên con ráng về sớm”.
Mâm cơm tối chỉ có đàn bà và trẻ con. Đàn bà trẻ vùng vằng nói: “Má để phần làm chi, ổng đi nhậu rượu bia tràn họng thứ gì mà hổng có!”
“Thứ này hổng có đâu con. Canh này ăn vô giã rượu, khỏe người nên má mới nấu, hồi xưa ba mày cũng sinh tật nhậu nhẹt rồi có vợ nhỏ…” – Đàn bà già rủ rỉ.
Đàn bà trẻ nghe vậy vùng đứng dậy: “Má đừng nói nữa, thời má phải chịu chớ thời này thì đừng hòng. Con mà phát hiện ra ổng có bồ là con ly hôn liền, không đôi co gì hết, không cần ai con cũng tự mình nuôi con được”.
Rồi chuyện gì tới cũng sẽ tới, đàn bà trẻ phát hiện ra sự thật đúng y như vậy. Cô gái kia còn trẻ lắm, chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ biết “nghề” rót bia thôi. Đàn bà trẻ khóc vật vã, mắt sưng đỏ, ký sẵn vào tờ đơn ly hôn. Nhà cha mẹ xa xôi, đàn bà trẻ đành ôm con sang ở nhờ nhà bạn. Đàn bà gài ngày hai lần qua thăm cháu: sáng sớm thì đưa cháu đi học, chiều thì đón cháu về, rồi thở dài cặm cụi nấu ăn để sẵn cho hai mẹ con. Có hôm còn phải thức ru cháu ngủ vì đàn bà trẻ đi đâu đó không về ăn tối.
Một tuần, mười ngày, đàn bà trẻ đã nguôi cơn giận, con bé đòi “Ba con đi đâu rồi nội?”
Đàn bà già ngập ngừng: “Chồng con…mấy bữa nay nó đi làm rồi về nhà lủi thủi, không đi đâu nữa, hay con…”.
Ấy vậy mà cả nhà cũng đoàn tụ.
Đàn bà trẻ vẫn vương nỗi buồn nhưng mắt đã trở lại lấp lánh khi nhìn con bé líu ríu bu lên xe để ba nó chở đi chơi lòng vòng quanh xóm. Đàn bà già mở cái kim băng miệng túi áo, lấy ra chiếc nhẫn – đó là nhẫn cưới của con trai đeo bị chật nên gỡ bỏ vô ngăn kéo, rồi hôm bữa cãi nhau đàn bà trẻ đem quăng ra giữa nhà, “Bữa má biểu nó đi làm chiếc nhẫn khác đeo vô rồi, còn chiếc này con cất cho nó đi”.
Đàn bà trẻ cầm lấy chiếc nhẫn, lồng thử vào ngón tay – người giữ chiếc nhẫn này là má, người giữ chồng cho vợ giữ vợ cho chồng cũng là má. Hình như, trong mỗi người đàn bà trẻ luôn cần có một người đàn bà già. Vậy nên, má ở đây cho con được trọn vẹn làm một người trẻ, phải hông má?
Xem thêm: Em bé vùng cao – Câu chuyện nhân văn về chữ “Hiếu” khiến nhiều người xót xa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận