Tại sao Trần Thủ Độ được suy tôn là Đức Thánh Cáu?
Thái sư Trần Thủ Độ được người đời suy tôn là Đức Thánh Cáu để tưởng nhớ công lao của ông với dân làng Hương Tảo, tên Nôm là Kẻ Cáu, nay là thôn Đông Hương, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Xuất thân của Trần Thủ Độ
Theo chính sử ghi chép, Trần Thủ Độ là chú họ của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), là người tạo ra cuộc chuyển ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần tháng 12 năm Ất Dậu. Theo một số thần tích, Trần Thủ Độ là người Bến Trấn, làng Ứng Mão (tên Nôm là làng Mẹo), huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh năm Giáp Dần (1194), là con trai thứ 3 của Trần Hoằng Nghị.
Lúc đầu, ông có tên là Trần An Bang; hai người anh là Trần An Quốc, Trần An Hạ. Sau khi cha mất, Trần Thủ Độ được bác ruột là Trần Lý mang về nuôi dưỡng. Trần Lý vốn làm nghề đánh cá, sau giàu có đã chiêu tập lực lượng khi xã hội biến loạn, chiếm cứ một vùng ở Hải Ấp, lấy thôn Lưu Gia làm địa bàn chính (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Thế lực họ Trần ngày càng mạnh. Sau khi giúp vua Lý Cao Tông dẹp loạn Quách Bốc cuối năm Kỷ Tỵ (1209), con cháu họ Trần ngày càng thăng tiến trong triều. Đến Trần Thủ Độ đã lên tận chức Thái sư, được vua tin cậy, quyền khuynh đảo triều chính.
Trần Thủ Độ mất vào tháng giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Ông được triều đình truy tặng Thượng phụ, Thống quốc Thái sư, Trung Vũ đại vương, lại xây đền thờ, ban lễ quốc tế.
Tại sao Trần Thủ Độ được suy tôn là Đức Thánh Cáu?
Trần Thủ Độ không chỉ có công lớn với việc lập ra triều Trần, ông còn là người được nhân dân tôn sùng nhờ công khai hoang lập ấp, dẹp loạn, thậm chí có truyền thuyết còn kể lại công lao diệt quái thú của ông. Truyền thuyết này được lưu truyền nhiều đời ở làng Hương Tảo, thuộc tổng Yên Dũng, xưa thuộc lộ Bắc Giang (nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).
Tương truyền, làng Hương Tảo có núi Nham Biền ven sông Cầu. Sâu trong hang núi Nham Biền có một con mãng xà khổng lồ, thường xuyên bắt người và súc vật ăn thịt khiến người dân xung quanh kinh hãi.
Vào năm Quý Hợi (1263), trong một lần đi kiểm tra đắp đê sông cầu, Thái sư Trần Thủ Độ thấy có một đoạn dài ở phía đông núi Nham Biền vẫn chưa được đắp. Nghĩ chức dịch địa phương chểnh mảng việc công, ông liền gọi đến trách mắng thì được nghe câu chuyện về mãng xà hung hãn.
Sau đó, Trần Thủ Độ cùng đoàn tùy tùng đến tận nơi nghe dân làng kể chuyện. Đúng lúc ấy, mãng xà xuất hiện khiến mọi người bỏ chạy toán loạn, mấy thị nữ theo hầu sức yếu bị quái vật cuốn đi. Trước tình hình này, Trần Thủ Độ quyết định khảo sát địa bàn để nghĩ kế sách diệt trừ quái thú.
Ông ra lệnh xuất tiền công quỹ, mua thật nhiều trứng gà, trứng vịt bỏ vào thúng đặt tại nơi con mãng xà hay tới rồi cho người bí mật theo dõi. Mấy hôm sau, quan chức địa phương cho biết con mãng xà đã nuốt hết số trứng đó. Nghe xong, Trần Thủ Độ cho thu mua thêm nhiều trứng cùng với các chất độc như hoàn nàn, thạch tín, vôi bột tán nhỏ, sau đó hút bớt lòng trứng rồi nhét bột đó vào.
Toàn bộ số trứng được đặt ở vị trí cũ. Mãng xà quen thói lại đến ăn hết trứng, nhưng lần này nó đã bị trúng độc, không bao lâu sau lăn ra chết. Cảm kích công lao của ông, người dân trong vùng lập một ngôi đền thờ sống Trần Thủ Độ ở cạnh đê, coi ông là bậc Thánh.
Quan lại địa phương còn dựng khắc bia ghi ơn, giữ bộ xương mãng xà làm lưu niệm. Ngôi đền ở Hương Tảo 4 mùa hương khói. Khi ngôi đền bị đổ nát, dân lại dựng đình thờ phụng, tôn ông là một trong 3 vị Thành hoàng của làng. Làng Hương Tảo có tên Nôm là làng Cáu trong khi Trần Thủ Độ được dân tôn là Thánh nên mới có tên gọi là đức Thánh Cáu; nơi thờ Ngài thì gọi là đình Cáu.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận