Văn Huệ Vương Trần Quang Triều: Tài văn chương xuất chúng, thích cuộc sống ẩn dật

Trần Quang Triều là cháu nội của Hưng Đạo Vương, không chỉ thông hiểu binh pháp mà còn có tài văn chương xuất chúng.

Thùy Nguyễn
07:00 07/09/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Quang Triều (1286 – 1325) còn có tên là Trần Nguyên Đạo, Trần Nguyên Thụ, biệt hiệu là Cúc Đường Chủ Nhân và Vô Sơn Ông. Ông là một nhà chính trị, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần, con trai cả của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và là cháu nội Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Lúc sinh thời, Trần Quang Triều làm quan đến chức Tư đồ thời Trần Minh Tông, là một cư sĩ Phật giáo mộ đạo và là nhà thơ.

Xuất thân thế tộc nhưng thích cuộc sống nhàn nhã, yên bình

Vốn thông minh từ nhỏ lại xuất thân từ gia đình thế tộc danh tiếng, Trần Quang Triều không chỉ thông hiểu binh pháp, từng cầm quân dẹp loạn biên cương và phong tước Văn Huệ vương và thăng tới chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ, ông còn là người giỏi văn thơ, chữ nghĩa.

tai-nang-van-chuong-xuat-chung-cua-van-hue-vuong-tran-quang-trieu-2

Nhiều tư liệu khi viết về Trần Quang Triều đều nhắc đến điểm nổi bật của ông là thích ngâm vịnh, làm thơ... Tiêu biểu như trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược có viết: “Trần Quang Triều, ông là cháu Hưng Đạo vương Quốc Tuấn, tước Văn Huệ vương, từng ngụ tại Quỳnh Lâm Bích Động, có nhiều vịnh ngâm sơn thủy như tập Cúc Đường di thảo. Vua Minh Tông cho chức Tư đồ phụ chính, thời kỳ này ông từng ban nhiều tiền khuyến khích dân chúng khẩn hoang”.

Dù tài năng xuất chúng, quyền cao chức trọng nhưng lúc sinh thời Trần Quang Triều lại không ham danh lợi, chức vị mà chỉ yêu thích cuộc sống yên bình, nhàn nhã. Do đó, làm quan không lâu, ông từ chức về sống ẩn dật ở vùng Đông Triều, chọn khu vực gần chùa Quỳnh Lâm - một trong những trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Trần để sinh sống.

Lập nên thi xã Bích Động, tụ hội những con người yêu văn thơ

Sau khi về ẩn dật, Trần Quang Triều đã cùng nhiều bạn, danh sĩ và nho sinh, những người cùng sở thích cùng nhau bàn luận văn chương, làm thơ xướng họa, hình thành thi xã Bích Động. Được biết, Bích Động là “câu lạc bộ thơ” đầu tiên ở nước ta, có tên trùng với một am ở gần chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, lộ Hải Đông (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi thành lập, thi xã Bích Động đã tổ chức hàng loạt các cuộc đàm đạo văn thơ, thu hút không ít các nhà thơ tên tuổi, các danh sĩ, nho sinh cùng nhau góp phần hình thành dòng thơ mới thiên về tình cảm tha thiết với con người và thiên nhiên, bộc lộ những tâm sự cá nhân thầm kín.

Ngoài Trần Quang Triều, thi xã Bích Động còn có nhiều tên tuổi đáng chú ý khác như Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng... Từ nhỏ, Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đã nổi tiếng là thần đồng văn thơ, mới 16 tuổi đã đỗ Hoàng giáp, làm quan trải qua 3 triều vua và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Nguyễn Ức cũng có thời gian làm quan dưới thời vua Trần Minh Tông; còn Nguyễn Sưởng là một danh sĩ nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long lúc bấy giờ…

Điều thú vị ở chỗ, những thành viên của thi xã Bích Động dù chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo nhưng lại chọn vùng đất của đạo Phật để làm nơi sáng tác, xướng họa. Tại đây, họ không bị bó buộc theo khuôn mẫu hay đề tài, có thể thỏa sức vùng vẫy và sáng tạo. Thậm chí, những nhà thơ của thi xã Bích Động còn có mối quan hệ mật thiết với các vị sư tại chùa Quỳnh Lâm và đạo sĩ am Bích Động. Mối quan hệ này có sự tác động trở lại, giao thoa với nhau chứ không chịu ảnh hưởng từ 1 phía.

tai-nang-van-chuong-xuat-chung-cua-van-hue-vuong-tran-quang-trieu-1

Điểm nổi bật nhất của thi xã Bích Động phải kể đến đối tượng phản ánh của các nhà thơ. Dù đều là những người ở tầng lớp trên nhưng họ lại hướng đến người dân thường, khiến sáng tác đều mang nét đặc trưng và màu sắc riêng biệt.

Trong bài “Điếu tẩu” (Ông già câu cá) Trần Quang Triều có gửi gắm thái độ coi thường địa vị qua lời thơ của mình:

Độn lãng xuy triều thướng bích than,

Lỗ thanh di nhập bích vân hàn.

Kỷ hồi bạc nhị huyền chung đỉnh,

Na trọng Đồng giang nhất điếu can.

Dịch nghĩa:

Thác biếc triều dâng sóng cá heo,

Mây lồng hơi lạnh tiếng bơi chèo.

Đồng Giang cần trúc từng xem nặng,

Hơn cả mồi câu vạc đỉnh treo.

(Phạm Tú Châu dịch)

Ngoài ra, trong bài “Đề Gia Lâm tự” (Đề chùa Gia Lâm), Trần Quang Triều thẳng thắn cho viết, danh lợi không phải là mục đích, là lẽ sống của mình:

Tâm khôi oa giác mộng,

Bộ lý đáo thiền đường.

Xuân vãn hoa dung bạc,

Lâm u thiền vận trường.

Vũ thu thiên nhất bích,

Trì tịnh nguyệt phân lương.

Khách khứ tăng vô ngữ,

Tùng hoa mãn địa hương!

Dịch nghĩa:

Nguội ngắt lòng danh lợi

Am thiền rảo gót qua.

Xuân chầy hoa mỏng mảnh,

Rừng thẳm ve ngân nga.

Mưa tạnh da trời biếc,

Ao trong ánh trăng ngà.

Khách về, sư biếng nói,

Thông rụng, nức mùi hoa!

(Huệ Chi - Hoàng Lê dịch)

Không chỉ nói về tình yêu con người, tình cảm với thiên nhiên cũng được các nhà thơ trong thi xã Bích Động nhiều lần nhắc đến. Tiêu biểu như bài “Hoàng Châu đạo thượng tác” (Viết trên đường đi Hoàng Châu) của Trần Quang Triều:

Đường đi trơn đá núi,

Khói độc lẫn mây ngàn.

Buồm khách ngoài mưa gió,

Chùa cao hứng nắng tàn.

Đất dâu gai xanh rợp,

Trời quýt bưởi đỏ chan.

Xe trẩy bâng khuâng nhớ,

Lòng về trĩu tâm can.

Thi xã Bích Động đã mang đến một nguồn mạch mới cho thơ ca Việt giai đoạn cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, phản ánh nhiều sắc thái của thực tế đời sống. Đó chính là dòng thơ trữ tình và nhân đạo đầu tiên trong đời sống văn chương dân tộc.

Có thể nói, Trần Quang Triều không chỉ là vị quan văn võ song toàn, trụ cột của vương triều mà còn là nhà thơ tài hoa, phóng khoáng. Tiếc là thiên tài thì bạc mệnh, Trần Quang Triều lâm bệnh mất khi chưa đầy 40 tuổi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ất Sửu năm thứ 2 (1325)… Mùa thu, tháng 8... Tư đồ Văn Huệ vương Quang Triều chết (tuổi 39)”.

Xem thêm: Tài thao lược của Hưng Đạo Vương khiến đạo quân mạnh nhất thế giới đại bại

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận